MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Pháp đổ rất nhiều tiền để chống chọi với khủng hoảng năng lượng nhưng chỉ "như muối bỏ bể"?

21-10-2022 - 10:13 AM | Tài chính quốc tế

Công nhân đốt lửa trước nhà máy lọc dầu ExxonMobil để yêu cầu tăng lương. Ảnh: Lou Benoist/AFP/Getty Images

Công nhân đốt lửa trước nhà máy lọc dầu ExxonMobil để yêu cầu tăng lương. Ảnh: Lou Benoist/AFP/Getty Images

Pháp đã thực hiện những bước đi táo bạo bậc nhất thế giới để bảo vệ công dân trước tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Nhưng liệu như vậy đã đủ?

Khủng hoảng dẫn đến hỗn loạn

Các tài xế chen chúc nhau tại trạm xăng, nhích từng chút một đợi đến lượt mình, cuối cùng chỉ nhận được một tấm biển viết tay ghi dòng chữ "hết xăng". Ở vùng ngoại ô Neuilly-sur-Marne, chỉ cách trung tâm Paris 20 phút đi tàu, cảnh sát được trang bị vũ trang cố gắng làm dịu căng thẳng khi nhiều người lái xe mất kiên nhẫn đã cắt ngang hàng. “Đây không phải là một khu phố giàu có”, Helene Bakker, 59 tuổi nói. “Tình hình khá hỗn loạn, sự việc ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không kiểm soát tốt”.

Tình trạng thiếu nhiên liệu ở Pháp xảy ra do công nhân tại nhà máy lọc dầu đình công đòi tăng lương, một phần vì các công ty dầu khí vừa kiếm được lợi nhuận lớn từ việc giá năng lượng châu Âu tăng cao. Sự thiếu hụt nhiên liệu đã khiến nhiều người có cùng chung một suy nghĩ: Đây sẽ là một mùa đông khó khăn, nhưng chỉ đối với những người không đủ khả năng chi trả.

Madame Chauvette, một người nghỉ hưu ở độ tuổi cuối 60 cho biết: “Người giàu luôn dư dả tiền bạc. Nhưng cuộc khủng hoảng lại đánh vào tầng lớp trung lưu và lao động". Bà muốn đi mua một can xăng nhỏ cho chiếc xe của con gái nhưng lại phải tay không rời trạm. Truyền hình Pháp thông báo 30% các trạm xăng đã hết một số loại xăng hoặc dầu diesel. Đứng gần đó là một tài xế Uber Eats, lần cuối anh có thể đổ xăng cho xe của mình là 4 ngày trước. Anh cho biết anh đã không thể nhận bất kỳ chuyến hàng nào kể từ cuối tuần trước.

Vì sao Pháp đổ rất nhiều tiền để chống chọi với khủng hoảng năng lượng nhưng chỉ như muối bỏ bể? - Ảnh 1.

Các tài xế chờ đổ xăng tại một trạm ở Paris. Ảnh: Stephane De Sakutin/AFP/Getty Images

Từ tình huống hiện tại, một số người đã liên tưởng tới phong trào áo gi lê vàng vào năm 2018, bắt đầu từ đề xuất tăng thuế nhiên liệu, sau đó nhanh chóng mở rộng ra thành những lo ngại về bất bình đẳng xã hội.

Sau khi cân nhắc những lời phản đối, giá khí đốt tự nhiên đã giảm vào năm 2021 và năng lượng chỉ được tăng giá tối đa 4%. Xăng dầu cũng được trợ giá mạnh. Do đó, lạm phát ở Pháp vẫn thấp hơn nhiều nước khác. Dù mức giới hạn của Pháp có thể tăng dần trong năm tới, con số này nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn so với hầu hết các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với chi phí năng lượng gia tăng chóng mặt.

Hạn chế trong chính sách

Pháp là quốc gia đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ sự gia tăng chi phí sinh hoạt nào sau những nỗ lực của Tổng thống Macron nhằm tiến tới tự do hóa nền kinh tế trong 5 năm qua. Mức giới hạn về giá năng lượng của Pháp áp dụng cho tất cả các hộ gia đình là như nhau. Tuy nhiên, “cần phải có thêm giới hạn về mức tiêu thụ để các nhà sử dụng nhiều năng lượng hơn không được hưởng lợi như những hộ dùng ít”, trừ khi họ có lý do chính đáng cho việc tiêu thụ quá mức của mình, nhà khoa học môi trường Ray Galvin cho biết.

Mặc dù người dân ở các quận kém phát triển hơn đã cắt giảm tiêu thụ năng lượng để tiết kiệm chi phí từ rất lâu trước cuộc khủng hoảng này, nhưng những khu vực này vẫn là nơi chịu tác động nặng nề nhất từ lạm phát và giá khí đốt tăng. Ngược lại, cuộc khủng hoảng có thể chỉ ảnh hưởng nhẹ đến những khu vực giàu có hơn của vùng thủ đô nước Pháp, trên các đại lộ gần Tháp Eiffel hoặc đại lộ Champs-Élysées. Mặc dù cư dân ở đó có xu hướng tiêu thụ hệ thống sưởi, điện và khí đốt trên đầu người nhiều hơn gấp 5 lần so với cư dân của các khu nghèo hơn.

Vì sao Pháp đổ rất nhiều tiền để chống chọi với khủng hoảng năng lượng nhưng chỉ như muối bỏ bể? - Ảnh 2.

Mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên, điện và hệ thống sưởi hàng năm, tính bằng kWh/người. Theo phân tích của APUR, cơ quan đô thị của Pháp, các quận giàu có nhất của thủ đô, chủ yếu nằm ở phía Tây, có mức tiêu thụ năng lượng trên đầu người cao hơn nhiều so với nơi khác.

Một số quốc gia hoặc thành phố khác ngoài Pháp cũng đang cố gắng giải quyết sự mất cân bằng này bằng cách thực hiện các biện pháp nhắm vào những người giàu có. Tây Ban Nha áp dụng thuế đoàn kết tạm thời đối với người giàu.

Tại Áo, thị trưởng của thị trấn Kitzbühel đề xuất cắt nguồn cung cấp năng lượng cho những chủ nhà giàu có nếu họ không nghe cảnh báo và tiếp tục sưởi ấm ga ra hoặc bật đèn chiếu sáng cửa biệt thự của mình. Đức dự kiến ​​sẽ chỉ giới hạn giá khí đốt tự nhiên ở một ngưỡng tiêu thụ nhất định trong mùa đông này, điều này cũng sẽ tạo ra động lực tiết kiệm cho những người giàu có.

Cái lạnh đến với người nghèo

Với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong vòng hai năm tới, Thủ tướng Élisabeth Borne đã kêu gọi kiềm chế và giảm hệ thống sưởi. Nhưng chiến dịch "điều tiết năng lượng" của bà lại nhận về sự chế giễu trên mạng, kèm theo là những bức ảnh bà Borne mặc áo khoác ngồi trong căn phòng xa hoa của mình và ông Macron trong chiếc áo len cao cổ tại Điện Élysée. Ở nhiều khu dân cư nghèo, nỗi sợ hãi hiện hữu về mùa đông sắp tới đang ngày càng trầm trọng.

Vì sao Pháp đổ rất nhiều tiền để chống chọi với khủng hoảng năng lượng nhưng chỉ như muối bỏ bể? - Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mặc một chiếc áo cao cổ tại Điện Élysée khi ông vận động người dân cắt giảm hệ thống sưởi và điện. Chiến dịch đã vấp phải sự chế giễu trên mạng. Ảnh: Ludovic Marin / AFP / Getty

Khi giới thượng lưu Paris tổ chức Tuần lễ thời trang trong tháng này, các thị trưởng Pháp đã hạ nhiệt độ ở các trường học, đóng cửa các bể bơi và giảm giờ hoạt động của bảo tàng. Để tránh mất điện, đài truyền hình Pháp phát các bản tin theo kiểu dự báo thời tiết nhưng là về mức tiêu thụ năng lượng hiện tại của quốc gia. Ở nhiều khu vực nông thôn, các hiệp hội y tế cảnh báo rằng xe cứu thương, y tá và bác sĩ đang dần hết nhiên liệu để sử dụng.

Ở Neuilly-sur-Marne, người dân và quan chức bày tỏ lo ngại về các vấn đề xã hội tiềm ẩn. Với tỷ lệ nghèo đói khoảng 20%, đa phần trong số 36.000 cư dân của Neuilly-sur-Marne sống trong một thế giới hoàn toàn khác với Neuilly-sur-Seine ở phía bên kia của Paris, nơi có những dinh thự trải dài dọc các đại lộ.

Thị trưởng Neuilly-sur-Marne, Zartoshte Bakhtiari, đã hạ nhiệt độ trong các lớp học dù ông biết rằng việc học sẽ trở nên khó khăn hơn, cũng như cắt giảm kế hoạch trang trí đèn Giáng sinh mà một số cư dân mong đợi từ lâu. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Thị trấn phải đối mặt với mức chi tiêu năng lượng tăng gấp sáu lần trong những tháng tới, vì mức giới hạn giá của chính phủ Pháp không áp dụng cho nhiều thành phố tự trị. “Ngay cả khi tắt hết đèn”, chúng tôi sẽ chỉ giảm được khoảng 1/10 mức tăng chi tiêu, ông Bakhtiari nói.

Vì sao Pháp đổ rất nhiều tiền để chống chọi với khủng hoảng năng lượng nhưng chỉ như muối bỏ bể? - Ảnh 4.

Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne sau khi phát biểu về kế hoạch "điều tiết năng lượng" vào ngày 6/10. Ảnh: Emmanuel Dunand / AFP / Getty

Bakhtiari đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ. “Các thị trấn có ít tài nguyên hơn hoặc có cư dân phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ công sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông cho biết. Cư dân địa phương như Bakker cũng lo lắng về sự bất bình đẳng. Tác động tổng hợp của lạm phát và khả năng cách nhiệt kém của nhiều ngôi nhà ở đây sẽ biến các căn hộ thành “lưới lọc nhiệt”, bà nói.

Chính phủ Pháp đã hỗ trợ 195 USD cho các hộ gia đình khó khăn. Tuy nhiên, một số quan chức nhận thấy khoản tiền này không đủ để bù đắp cho tác động của lạm phát ở những nơi như Neuilly-sur-Marne. Theo một cuộc khảo sát gần đây, Khoảng 58% người Pháp nói rằng họ "không hài lòng" với tình hình đất nước hiện tại, và một phần ba trong số người được hỏi tỏ ra "rất tức giận".

Hạ nghị sĩ Sébastien Jumel cho biết: “Chúng ta đang đối phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy ở Pháp, kể từ cú sốc dầu mỏ năm 1973. Và theo một cách nào đó, chúng ta sẽ cần đến các biện pháp cứng rắn hơn".

Theo Washington Post

Thiên Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên