MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao phí đỗ ô tô ở TPHCM thất thoát đến 60%?

23-08-2018 - 08:29 AM | Xã hội

Làm việc với UBND TPHCM chiều 22/8, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thừa nhận sau ba tuần triển khai thu phí đỗ ô tô qua điện thoại theo Nghị quyết của HÐND TPHCM, số tiền thu được không đáng kể và con số thất thoát có thể lên tới 60%.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, do mức phí quá “chát” và tính theo lũy tiến (tăng dần) nên hầu hết các tuyến đường có thu phí, tình trạng đỗ xe kéo dài như trước đây đã giảm rõ rệt. Đơn cử như các tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM trước kia vốn có rất nhiều ô tô dừng đỗ như Lê Lai, Thủ Khoa Huân, Huyền Trân Công Chúa (quận 1),… chỗ trống khá nhiều.

Anh Trung (32 tuổi, lái xe) nói việc tăng mức thu phí đã tác động đến nhiều lái xe. Với mức phí cũ (5.000 đồng/ngày), nhiều người trước đây đỗ xe cả ngày trên đường. Từ khi áp dụng mức phí mới, một số lái xe đã đưa ô tô vào gửi ở các bãi giữ xe.

Vì sao phí đỗ ô tô ở TPHCM thất thoát đến 60%?  - Ảnh 1.
Tranh cãi giữa lái xe và nhân viên thu phí là chuyện thường ngày.

Tuy nhiên, vẫn có tài xế đối phó với việc nâng phí đỗ xe trên đường bằng cách đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường lân cận ngoài danh mục thu phí. Đơn cử như khu vực khách sạn New World (quận 1), trong khi điểm đỗ xe có thu phí trên đường Lê Lai còn trống khá nhiều chỗ thì trên đường Phạm Hồng Thái, ô tô đỗ thành hàng dài cả trăm mét dù nơi này cắm chi chít biển cấm dừng đỗ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) cho biết sau 20 ngày triển khai thu phí đỗ ô tô theo giờ dưới lòng đường trên 23 tuyến đường thuộc ba quận 1, 5 và 10 đã đạt một số kết quả. Tình trạng ô tô đỗ “chây ì” suốt ngày được hạn chế. Sắp tới Sở GTVT sẽ cùng các quận, phường rà soát lại để đưa nhiều điểm đỗ xe khác trên đường, vỉa hè vào diện thu phí đỗ xe theo giờ. Các điểm này nằm gần các bệnh viện, trường học... đang bị lợi dụng biến thành bãi đỗ xe cả ngày.

Thất thoát tiền tỷ

do đâu?

Làm việc với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chiều 22/8, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT thừa nhận việc thu phí hiện nay đang có nhiều bất cập. Mức thu bình quân chỉ đạt 11 triệu đồng/ngày (thứ bảy, chủ nhật từ 5-6 triệu đồng/ngày). Nguyên nhân khiến mức thu thực tế thấp rất nhiều so với đề án (khoảng 1 tỷ đồng/ngày) là do phần mềm thu phí và thiết bị cung cấp cho nhân viên thu phí thường bị trục trặc.

Lãnh đạo Sở GTVT cho hay tỉ lệ thất thoát phí đỗ xe hiện nay lên tới 50-60%. Tại nhiều điểm giữ xe, lượng phương tiện đỗ khá nhiều nhưng kinh phí thu về không bao nhiêu. Có tình trạng nhân viên giữ xe thu tiền nhưng không hướng dẫn các thủ tục gửi xe, cách thức sử dụng phần mềm, không xé vé...

Trong khi đó nhiều tài xế phản ứng với mức phí mới. Trên một số tuyến đường, việc bố trí nơi đỗ xe có thu phí đã gây phản ứng từ chủ các cửa hàng và một số hộ dân nhà mặt tiền đường bị ảnh hưởng. Đặc biệt, công tác phối hợp trong quá trình hành thu còn rất nhiều bất cập. Theo Nghị quyết của HĐND TPHCM, phí đỗ xe áp dụng từ 6 - 24 giờ hàng ngày, trong khi nhân viên thu phí chủ yếu làm việc theo giờ hành chính. Nhiều nơi, nhân viên thu phí chỉ có mặt từ 9 giờ sáng và làm việc đến 16 giờ chiều. Thứ bảy và chủ nhật họ không làm việc nên Sở GTVT phải cử lực lượng đoàn viên thanh niên đến phối hợp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM giao việc thu phí đỗ xe trên đường theo giờ cho lực lượng Thanh niên Xung phong để hạn chế thất thoát. UBND các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt các lái xe không chấp hành quy định nộp phí.

"Sắp tới, việc thu phí theo giờ không chỉ áp dụng trên 23 tuyến đường như hiện nay mà sẽ nhân rộng trên toàn TPHCM. Ðây là mục tiêu lớn, ngoài công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị còn nhằm thay đổi thói quen của người dân sử dụng tiền mặt để chuyển qua các hình thức áp dụng công nghệ thông minh".

Ông Ngô Hải Ðường, Trưởng Phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên