MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao phương Tây khó ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa của Houthi ở Biển Đỏ?

25-01-2024 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Bất chấp làn sóng không kích của Mỹ và Anh nhằm vào mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen, nhóm này tiếp tục các cuộc tấn công ở Biển Đỏ.

Khi nói đến sức mạnh quân sự đơn thuần, Mỹ và các đồng minh sẽ không gặp vấn đề gì trong việc đối phó với lực lượng Houthi đang tấn công các tàu chở hàng ở Biển Đỏ . Nhưng khi tên lửa của Houthi tiếp tục làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu, Mỹ nhận ra rằng họ có rất ít lựa chọn tốt để ngăn chặn lực lượng vũ trang Yemen này.

Các cuộc tấn công liên tiếp của Mỹ và Anh dường như không thể răn đe lực lượng Houthi, nhóm vũ trang Hồi giáo Shia ở Yemen, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Houthi không phải là một thế lực quân sự lớn nhưng họ có 3 lợi thế giúp tăng cường sức mạnh của mình và khiến phương Tây gặp khó khăn trong việc đối phó với họ.

Vì sao phương Tây khó ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa của Houthi ở Biển Đỏ? - Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Carney của Mỹ đánh chặn UAV và tên lửa của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ, ngày 19/10/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ

Yếu tố địa lý

Thiên nhiên đã quyết định rằng con đường tắt tốt nhất cho tàu thuyền đi lại giữa châu Âu hoặc Bờ Đông nước Mỹ tới Ấn Độ và Đông Á là qua Kênh đào Suez ở Ai Cập, tuyến đường nối giữa Biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Đó là lý do vì sao các quốc gia quyết chiến để kiểm soát tuyến đường thủy này trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai.

Theo nhiều ước tính khác nhau, có tới 15% thương mại thế giới và 20-30% hàng hóa đến các cảng Bờ Đông nước Mỹ đi qua kênh đào Suez.

Kênh đào này luôn tiềm ẩn nguy cơ, bằng chứng là khi tàu container khổng lồ Ever Given mắc cạn vào năm 2021 đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu trong nhiều tuần. Nhưng vấn đề hiện nay không phải là Kênh đào Suez mà là những mối đe dọa đối với tàu thuyền khi đi qua Biển Đỏ và eo biển Bab el Mandeb, giáp với Eritrea, Djibouti ở phía Tây, và Yemen về phía Đông.

Eo biển Bab el Mandeb chỉ dài 112km và rộng 32km, nằm trong tầm bắn của tên lửa chống hạm phóng từ đất liền, máy bay không người lái và thậm chí cả đạn pháo tầm xa. Không giống như những con đường cao tốc, sẽ không có đường tránh nếu eo biển này bị chặn.

Kho vũ khí của Houthi

Vũ khí chống hạm hiện đại rất mạnh mẽ, nhưng cũng đủ đơn giản để ngay cả một nhóm vũ trang cũng có thể vận hành chúng. Máy bay không người lái thường có giá rẻ và một chiếc UAV cỡ nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại cho một con tàu lớn.

Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Houthi có nhiều loại tên lửa diệt hạm, chủ yếu là từ Iran và các mẫu cũ của Liên Xô và Trung Quốc. Tên lửa hành trình chống hạm bao gồm P-21 Termit từ thời Liên Xô và C-801 của Trung Quốc (tầm bắn 130km), Ghadir (tầm bắn 300km) và Quds Z-0 (được cho là có tầm bắn lên tới 800km) của Iran. Houthi cũng có tên lửa đạn đạo chống hạm cho Iran sản xuất với tầm bắn khoảng 480km, cũng như nhiều loại UAV.

Các tên lửa nói trên được phóng từ bệ phóng di động, có thể nhanh chóng thay đổi địa điểm. Chúng có thể bắn một tên lửa rồi “chạy” trước khi Hải quân Mỹ xác định chính xác vị trí phóng và tấn công đáp trả bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Houthi đã quen với những chiến thuật này từ cuộc chiến kéo dài 9 năm với liên minh do Arabia Saudi dẫn đầu.

Yếu tố địa lý góp phần làm tăng thêm mối đe dọa từ kho vũ khí của Houthi. Cách phòng thủ tốt nhất của các con tàu không phải là pháo hay thiết bị gây nhiễu mà là không gian rộng mở. Ngay cả một tàu sân bay khồng lồ cũng khó bị phát hiện giữa đại dương bao la. Radar trên tàu cũng chỉ có thể quét được một khu vực nhỏ. Đó là lý do vì sao Mỹ và nhiều quốc gia khác đầu tư rất nhiều nỗ lực vào vệ tinh, máy bay tuần tra và cảm biến. Mục đích là để cung cấp dữ liệu theo dõi thời gian thực nhằm dẫn đường cho tên lửa đến một con tàu đang di chuyển.

Tuy nhiên, eo biển Bab el Mandeb chỉ rộng 32km, có nghĩa là có thể theo dõi tàu thuyền trong khu vực này bằng radar mặt đất, các tàu nhỏ, UAV, thậm chí bằng ống nhóm từ một ngọn đồi.

Sự hậu thuẫn của Iran

Một trong những lợi thế quan trọng của Houthi là sự hậu thuẫn từ Iran.

Iran từ lâu đã hỗ trợ vũ khí và tài chính cho Houthi, một trong mạng lưới các nhóm ủy nhiệm của Tehran trên khắp Trung Đông, cùng với Hamas và Hezbollah của Lebanon. Vũ khí mới từ Iran có thể thay thế những vũ khí mà Houthi đã mất trong hàng loạt vụ tấn công của Mỹ và đồng minh.

Tehran không chỉ hỗ trợ Houthi về vũ khí và tiền bạc. Các tàu Iran được cho là đã cung cấp cho Houthi thông tin về hoạt động di chuyển của tàu thuyền ở Biển Đỏ.

Iran có thể duy trì sự hỗ trợ lâu dài cho lực lượng Houthi. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Houthi, chẳng hạn như việc Mỹ một lần nữa đưa nhóm này vào danh sách tổ chức khủng bố, dường như không có hiệu quả.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thừa nhận rằng các cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không ngăn được những vụ tấn công của Houthi ở Biển Đỏ.

Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jon Finer ngày 21/1 cũng nói rằng sẽ mất nhiều thời gian để có thể loại bỏ vũ khí của Houthi. Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp quân sự bổ sung. Hiện Mỹ đang tập trung vào việc loại bỏ các kho vũ khí của lực lượng Houthi, với mục đích không để lực lượng này kéo dài cuộc chiến.

Theo Hoàng Phạm

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên