MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao quan chức hay tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài?

25-04-2016 - 07:33 AM | Xã hội

“Nhiều bậc cha mẹ chủ trương không cho con mình trở về không phải vì đồng lương trong nước quá ít ỏi. Điều mà họ lo sợ là khi trở về con cái mình sẽ thất vọng, bị sa vào những cung cách làm việc méo mó. Họ băn khoăn cho tương lai con cái họ...”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ quan điểm với PV bên hành lang Quốc hội quanh chuyện “cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, Chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ người dân tốt hơn. Mọi luật định, hiến định... đều phải trở thành hiện thực cuộc sống.

Nghĩa là, Nhà nước phải có trách nhiệm hơn, làm cho người dân cảm thấy được an toàn khi sống trên chính đất nước của mình. Bên cạnh đó, công bằng, công lý được thực thi. Nói vậy, không có nghĩa chúng ta tự bằng lòng, không hành động để biến Việt Nam thành nơi đáng sống”- ĐB Nghĩa nói.

Và hệ quả như ông nói, “cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình, con cháu định cư ở nước ngoài”?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Vì sao người trẻ ở nước ngoài họ xếp hàng trật tự, có trước sau nhưng về Việt Nam bị chen lấn, tranh giành, xô đẩy.

Điều đáng lo là chúng ta đang cảm thấy mình bất lực. Tồn tại này là do luật pháp chưa nghiêm, nên người dân cảm thấy bất an thì làm sao họ đầu tư tài sản, công sức để xây dựng đất nước.

Tôi nói điều này là mình nghĩ tới những người trẻ hơn mình; còn mình thì đã sống và từng trải qua thời bao cấp, nên thích nghi dễ hơn. Chứ còn thế hệ con cháu mình, thế hệ trẻ hơn khi họ có điều kiện học tập, làm việc và nhìn thấy thế giới sống như thế, họ sẽ đặt câu hỏi: Vì sao Việt Nam mình lại sống như thế này? Họ rất khó chấp nhận. Đó cũng là lý do 10 người đi thì 10 người đều ở lại.

Nhiều bậc cha mẹ chủ trương không cho con mình trở về không phải vì đồng lương trong nước quá ít ỏi. Điều mà họ lo sợ là khi trở về con cái mình sẽ thất vọng, bị sa vào những cung cách làm việc méo mó. Họ băn khoăn cho tương lai con cái họ, chứ không phải vấn đề về tiền.

- Vậy khái niệm “đáng sống” mà ông đề cập được “giải mã” như thế nào, thưa ông?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: “Đáng sống” được hiểu theo nhiều nghĩa, nhưng trước hết, người dân phải thấy được quan tâm, được chăm lo, công bằng. Phải yên tâm rằng, khi anh sống lương thiện thì sẽ không bị người khác xâm hại. Những điểm này chúng ta phải cố gắng xây dựng và nỗ lực nhiều trong thời gian tới đây. Như vậy, người dân mới yên tâm phấn đấu, làm việc, yên tâm sản xuất.

Tại sao có những quốc gia, người dân nước họ cảm thấy đời sống tinh thần thư thái? Khi tìm hiểu về chỉ số hạnh phúc của những quốc gia này thì người dân của họ thấy rất hài lòng. Ở những quốc gia đó khi đề cập tới chỉ số hạnh phúc không chỉ là tiền, vật chất mà còn là vấn đề văn hoá, xã hội, công lý. Phải chăng trong lúc chúng ta tìm cách phát triển đất nước đã nghĩ quá nhiều tới vật chất mà buông lỏng những điều khác?

Còn về phía các DN, những DN nhỏ trong môi trường kinh doanh tốt đẹp như thế thì họ mới nghĩ và tin tưởng 10-15 năm nữa họ có thể trở thành những DN lớn, chứ không phải “quan hệ, chạy chọt, lót tay” thì mới được việc. Hiện nay, đang tồn tại thực tế, ngay chính bản thân những doanh nhân thành đạt cũng băn khoăn không ít về tương lai. Sở dĩ như vậy là họ giảm sút, thậm chí không còn niềm tin.

Do đó, tất cả những điều tôi muốn nói, khi chúng ta nỗ lực xây dựng đất nước, vấn đề cực kỳ quan trọng là xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, môi trường sống công bằng. Trong đó, người dân phải cảm thấy, khi con cái họ lớn lên chúng có được tương lai ở đất nước này, thì họ mới yên tâm.

Trước nay chúng ta vẫn thiên về một chiều, chăm lo nhiều quá tới tiện nghi vật chất, dùng thu nhập để đo sự phát triển, nhưng 10 năm qua những diễn biến xã hội cho thấy, nếu cứ như vậy sẽ không đầy đủ và sẽ chệch hướng. Như thế thì chúng ta khó đem lại sự chuyển biến đột phá trong kinh tế, sẽ khó có đủ lực để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

- Ông đánh giá ra sao về ý tưởng biến TP. Hồ Chí Minh thành đặc khu kinh tế, thành nơi “đáng sống” của lãnh đạo địa phương này?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Không chỉ TP. Hồ Chí Minh nếu lãnh đạo mỗi tỉnh thành đều nỗ lực biến tỉnh thành mình thành nơi đáng sống cho cộng đồng dân cư của mình, thì đất nước chúng ta sẽ trở thành nơi đáng sống hơn.

Như tôi vừa nói, đừng nghĩ duy nhất chỉ là vấn đề tiền. Tiền không phải duy nhất, người dân còn nhu cầu khác, còn tương lai con cháu. Đáng sống là ở nghĩa này.

Chứ cứ như bây giờ, tài sản của tôi bị xâm phạm, quyền lợi bị xâm hại, khi kiện tụng thì kéo dài 3-5 năm, phán xử không công bằng, có dấu hiệu dùng tiền chi phối công lý, thì người ta không thể nào vui vẻ, không thể nào chấp nhận được.

Tốt nhất, theo tôi, mỗi địa phương đều cần cố gắng, có trách nhiệm với người dân địa phương thì sẽ không còn cảnh phụ nữ Việt phải lấy chồng ngoại quốc để có viễn cảnh tốt hơn. TP. Hồ Chí Minh là địa phương riêng rẽ nhưng không nên là hiện tượng riêng lẻ, mà đó phải là trách nhiệm chung của tất cả những người lãnh đạo của 63 tỉnh thành.

Theo Nguyễn Hoài (thực hiện)

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên