Vì sao quy định ngặt nghèo, các ngân hàng vẫn ồ ạt mở rộng mạng lưới?
Làn sóng mở rộng mạng lưới và ồ ạt tăng vốn của các ngân hàng thời gian gần đây làm gợi nhớ lại làn sóng cách đây 10 năm...
Kể từ khi Thông tư 21 Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại được NHNN ban hành vào năm 2013, các điều kiện để cấp phép, thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ngày càng khó khăn và bị siết chặt hơn. Theo đó, về cơ bản các ngân hàng muốn mở rộng mạng lưới phải có nền tảng tài chính và hoạt động vững mạnh.
Chẳng hạn, để được mở thêm chi nhánh, ngân hàng thương mại phải kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 3%, vốn tối thiểu cho mỗi chi nhánh là 300 tỷ đồng,…Thông tư cũng quy định điều kiện cao hơn và giới hạn chặt chẽ số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập tại các khu vực nội thành Hà Nội, TP.HCM.
Việc NHNN "quan tâm chặt chẽ" tới hoạt động mở rộng mạng lưới của các NHTM cũng có lý do bởi quãng thời gian trước đó, từ năm 2008 các NHTM có xu hướng đua nhau thành lập các điểm giao dịch mới quá nhanh trong khi nền tảng tài chính chưa vững dẫn đến không ít hệ lụy.
Sau năm 2013, ít có ngân hàng nào đáp ứng được những yêu cầu của NHNN để được chấp thuận mở thêm các điểm giao dịch mới. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, các ngân hàng lại bắt đầu cuộc đua "bành trướng" mạng lưới, có nhà băng thậm chí mở thêm hàng trăm điểm giao dịch một năm.
Có thể thấy nhu cầu mở thêm các điểm giao dịch của các ngân hàng vẫn còn rất cao, nhằm gia tăng độ phủ, để cạnh tranh và thu hút nhiều khách hàng hơn nữa. Trong vòng 1 năm qua, số điểm giao dịch LienVietPostBank tăng thêm tới 161 điểm, theo đó, mạng lưới giao dịch của ngân hàng đã tăng vọt lên 388 chi nhánh/ PGD. Chưa kể, nhà băng này còn gần 1.400 PGD bưu điện đang hoạt động và nằm trong kế hoạch chuyển đổi thời gian tới.
HDBank được mở thêm tới 5 chi nhánh và 40 PGD trong năm qua. Và ngay cả NamABank, một ngân hàng nhỏ, kín tiếng cũng được chấp thuận mở thêm tới 5 chi nhánh cùng 30 điểm giao dịch trên toàn quốc. Nhiều ngân hàng khác, mặc dù đã có mạng lưới đồ sộ như BIDV, Sacombank,… cũng tăng số điểm giao dịch thêm 14-17 điểm trong năm 2018.
Làn sóng mở rộng mạng lưới cùng kế hoạch tăng vốn ồ ạt gần đây cũng làm gợi nhớ lại thời kỳ cách đây 10 năm. Tuy nhiên, làn sóng trong đợt này đã có nhiều điểm khác, khi theo quan sát, các điểm giao dịch ngân hàng mới được thành lập đã hướng tới khu vực tỉnh lẻ, các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Điều này cũng nằm trong chủ trương của NHNN là nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng của TCTD và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân vùng nông thôn. Sự xuất hiện của các điểm giao dịch ngân hàng cũng sẽ góp phần làm giảm sự biến tướng của các hoạt động tín dụng phi chính thức thành tín dụng đen.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng ở các vùng ngoại thành vẫn còn rất lớn. Trong khi các nhà băng phải chen chúc cạnh tranh gay gắt ở các thành phố lớn thì ở vùng nông thôn dư địa còn rất lớn, rất nhiều người dân còn chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng mặc dù dân trí, thu nhập và phương tiện đã được cải thiện rất nhiều.
Việc số điểm giao dịch của các ngân hàng bắt đầu tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây cũng phần nào phản ánh sức khỏe của một số nhà băng nói riêng và hệ thống nói chung đã có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu ở đa số ngân hàng đã được đưa về dưới 3%. Theo báo cáo NHNN, tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Một số ngân hàng đã có kết quả sau giai đoạn tái cơ cấu và được NHNN nới lỏng hơn trong việc chấp thuận mở thêm điểm giao dịch. Ví dụ ở Nam A Bank, với việc tái cơ cấu thành công giai đoạn I, ngân hàng này được NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn II (2018-2020) đồng thời được chấp thuận mở rộng mạng lưới thêm 35 điểm giao dịch trên toàn quốc.
Ngoài ra, mặc dù nói là số điểm giao dịch tăng thêm nhưng không hẳn sẽ mở mới hoàn toàn một chi nhánh/ phòng giao dịch. Chẳng hạn, mạng lưới của LienVietPostBank tăng thêm hàng trăm điểm giao dịch 1 năm nhưng thực chất là dựa trên cơ sở chuyển đổi phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng. Còn Sacombank đã nâng cấp hàng loạt các Quỹ tiết kiệm lên mô hình phòng giao dịch. Một số ngân hàng khác thì được NHNN chỉ định tham gia vào tái cấu trúc các quỹ tín dụng nhân dân rồi chuyển đổi các quỹ này thành phòng giao dịch ngân hàng.