MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, TQ phải thả vào 10.000 con cá?

08-07-2020 - 17:14 PM | Tài chính quốc tế

Đập Tam Hiệp nằm ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, mang lại khả năng kiểm soát lũ hằng năm trên sông Dương Tử và nguồn lợi kinh tế lớn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động đến môi trường sinh thái của đập Tam Hiệp cũng vô cùng khủng khiếp.

Là dự án thủy điện quy mô lớn nhất hành tinh, đập Tam Hiệp đã trải qua hàng chục năm từ khi được lên ý tưởng tới khi hoàn thành.

Ý tưởng về một con đập khổng lồ chịu trách nhiệm chính trong việc điều tiết lũ sông Dương Tử đã có từ thời nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn. Năm 1994, trải qua nhiều lần khảo sát, đập Tam Hiệp đi vào xây dựng và chính thức hoàn thiện vào năm 2009.

Đập Tam Hiệp hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, đặc biệt là trong việc kiểm soát dòng lũ hằng năm được đánh giá là rất thất thường của sông Dương Tử.

Đập Tam Hiệp cũng có đóng góp quan trọng trong sản xuất điện năng, thủy lợi, tưới tiêu, giao thông vận tải đường sông và phát triển du lịch ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét về yếu tố môi trường sinh thái, đập Tam Hiệp được đánh giá là lợi bất cập hại

Năm 2009, sau khi hoàn thiện xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã cho thả 10.000 con cá giống các loại vào hồ chứa nước của đập. Những con cá giống được thả vào đập đều được tuyển chọn rất kỹ về chất lượng, sức chống chịu.

Một trong những tác hại nghiêm trọng của đập Tam Hiệp là ngăn cản sự di chuyển tự nhiên của các loài cá trên sông Dương Tử. Môi trường sông Dương Tử cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc xây dựng con đập.

Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, TQ phải thả vào 10.000 con cá? - Ảnh 1.

Trung Quốc phải thả thêm cá vào hồ chứa đập Tam Hiệp với hy vọng giảm bớt tác động môi trường (ảnh: Xinhua)

Nhiều loài cá trên sông Dương Tử, đặc biệt là cá tầm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, không ít loài thủy sinh khác đã biến mất vĩnh viễn.

Trung Quốc thả 10.000 con cá giống vào hồ chứa nước đập Tam Hiệp trong nỗ lực cứu vãn sự cân bằng của hệ sinh thái sông Dương Tử, với hy vọng chúng sẽ nhanh chóng nhân lên về số lượng.

Nghề đánh cá trên sông Dương tử phụ thuộc rất lớn vào sự sinh sôi của các loài thủy sinh. Tuy nhiên, do tác động đến môi trường của đập Tam Hiệp là quá lớn, hầu hết các loài cá ở sông Dương Tử không thể phục hồi về số lượng và bị tuyên bố là đã tuyệt chủng.

Năm 2011, Trung Quốc cam kết chi hơn 140 tỷ USD cho đến năm 2020 để khắc phục các hệ quả do việc xây dựng đập Tam Hiệp gây ra. Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến cuối năm 2019, một nửa số tiền nói trên vẫn chưa được giải ngân.

Một số chuyên gia cho rằng, kể cả Trung Quốc có chi nhiều tiền hơn nữa thì cũng rất khó để giải quyết vấn đề môi trường sông Dương Tử. Chừng nào đập Tam Hiệp còn tồn tại, môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sinh sông Dương Tử vẫn bị ảnh hưởng và khó phục hồi, kèm theo đó là việc đánh bắt, khai thác quá mức.

Hồ chứa của đập Tam Hiệp được cho là cũng góp phần gia tăng nhiệt độ nước sông Dương Tử. Nước sông trở nên ấm hơn trong mùa hè và sự phân tán môi trường sống đe dọa tồn vong của các loài thủy sinh.

Dựa trên tình hình hiện nay, có thể nói 10.000 con cá giống cá loại mà Trung Quốc thả vào đập Tam Hiệp khi mới xây xong đã không thể cứu vãn tình hình.

Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, TQ phải thả vào 10.000 con cá? - Ảnh 2.

Ngư dân bắt được cá lớn trên sông Dương Tử (ảnh: Xinhua)

Trung Quốc từng sử dụng 200 tấn thuốc nổ để phá hủy đê tạm ngăn nước sông Dương Tử - cấu trúc được xây dựng để ngăn nước, trước khi phần thân đập Tam Hiệp hoàn tất.

Vụ nổ này đã tạo ra khoảng 186.000 mét khối gạch vụn và đất đá rơi xuống lòng sông Dương Tử. Sự tích tụ của chất cặn có ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát lũ của con đập.

Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc chú trọng đến việc trồng rừng dọc sông Dương Tử và cấm tiệt việc xây dựng các nhà máy lớn, có khả năng xả thải, gây ô nhiễm hai bên bờ sông, theo National Geographic.

Theo Tân Hoa Xã, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường sông Dương Tử, từ ngày 1.1.2020, Trung Quốc cấm nghiêm ngặt việc đánh bắt cá ở 332 khu bảo tồn dọc sông.

“Dương Tử là con sông dài thứ 2 thế giới với các loài thủy sinh đa dạng. Đây cũng là lá chắn quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái Trung Quốc”, Yu Zhenkang – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc – nói với Tân Hoa Xã.

“Lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử là biện pháp cấp thiết nhằm ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái của con sông cũng như bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Yu nói thêm.

Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, TQ phải thả vào 10.000 con cá? - Ảnh 3.

Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá sông Dương Tử 10 năm (ảnh: SCMP)

Theo ông Yu, việc xây đập Tam Hiệp, cùng tình trạng ô nhiễm nước, vận tải thủy và khai khác quá mức đã khiến các loài thủy sinh sông Dương Tử bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là cá tầm.

Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo sự suy giảm đa dạng sinh học ở sông Dương Tử ngày càng tồi tệ và có thể “không còn cá”.

Năm 2019, cá tầm thìa – loài cá bản địa ở sông Dương Tử, được mệnh danh là vua cá nước ngọt – đã bị tuyên bố tuyệt chủng.

Theo Vương Nam (tổng hợp)

Dân Việt

Trở lên trên