MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao sở hữu "núi vàng đen" số 1 thế giới nhưng nước này không kiếm được tiền bằng Ả-rập Xê-út, Nga?

07-03-2023 - 15:57 PM | Tài chính quốc tế

Lạm phát kinh tế khiến đồng tiền mất giá trị ở Venezuela. Ảnh: CNN

Lạm phát kinh tế khiến đồng tiền mất giá trị ở Venezuela. Ảnh: CNN

Theo dữ liệu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới (303,8 tỷ thùng).

Venezuela giàu tài nguyên khoáng sản

Xếp sau Venezuela về trữ lượng dầu mỏ là Ả-rập Xê-út (297,5 tỷ thùng), Canada (168,1 tỷ thùng) hay Nga (107,8 tỷ thùng).

Ngoài dầu mỏ, Venezuela còn rất giàu quặng sắt, bauxite, vàng , than đá, niken, kim cương.

Về nông nghiệp, diện tích đất canh tác của nước này hiện là hơn 30 triệu ha, trồng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê và ca cao.

Venezuela là quốc gia được thiên nhiên ưu ái. Cho dù là nông nghiệp, dầu khí, khai thác mỏ hay công nghiệp, Venezuela đều có thể phát triển mạnh ở bất cứ khía cạnh nào.

Tuy nhiên, bất chấp nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, quốc gia này vẫn gặp khó khăn về kinh tế.

Từ năm 2015, lạm phát của Venezuela luôn ở mức ba con số hoặc hơn. Ví dụ, lạm phát năm 2022 của Venezuela ghi nhận mức 234%, theo tiết lộ hồi tháng 1/2023 của Phó Tổng thống Delcy Rodriguez .

Trong khi đó, vào thập niên 1990, Venezuela là một cường quốc xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Vậy, tại sao hiện nay dù sở hữu "núi vàng đen" nhưng quốc gia Nam Mỹ lại không tạo ra nguồn thu lớn như Ả-rập Xê-út hay Nga?

 Vì sao sở hữu núi vàng đen số 1 thế giới nhưng nước này không kiếm được tiền bằng Ả-rập Xê-út, Nga? - Ảnh 1.

Giếng dầu gần Neftekamsk của Nga. Ảnh: CNN

Dầu mỏ của Venezuela khó khai thác hơn

Venezuela sở hữu các bể dầu với diện tích lên tới 347.800 km2, chiếm khoảng 38% tổng diện tích của Venezuela (916.445 km2). Có thể nói, gần nửa diện tích của Venezuela là dầu mỏ.

Tuy nhiên, dù có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng phần lớn các bể dầu của Venezuela nằm ngoài khơi hoặc sâu dưới lòng đất.

Do đó, chi phí khai thác dầu bằng công nghệ hiện có là quá cao để có thể sinh lời.

Trong khi, trữ lượng dầu của Ả-rập Xê-út nằm gần bề mặt và trên đất liền, khiến dầu dễ tiếp cận hơn và quá trình khai thác hiệu quả hơn rất nhiều.

Đổi lại, điều này làm cho ngành dầu mỏ của Riyadh sinh lời đáng kể.

 Vì sao sở hữu núi vàng đen số 1 thế giới nhưng nước này không kiếm được tiền bằng Ả-rập Xê-út, Nga? - Ảnh 2.

Giếng khoan dầu ở Venezuela. Ảnh: Bloomberg

Khai thác dầu mỏ ở Venezuela tốn kém hơn

Dầu mỏ của Venezuela được cho là tạo ra khó khăn cho quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển hơn so với một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác.

Hầu hết dầu được sản xuất ở Venezuela đều nặng hoặc thậm chí rất nặng. Dầu nặng hầu như khó nóng chảy ở nhiệt độ phòng, thường phải bơm nước nóng, hơi nước hoặc thêm chất xúc tác để tăng tính lưu biến trước khi khai thác.

Khác với dầu mỏ thông thường, dầu nặng có độ nhớt cao.

Và bất kể loại dầu nặng này được nhũ hóa hay pha loãng, nó không có giá trị quá cao trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Ngoài ra, việc lưu trữ và vận chuyển dầu nặng cũng cần phải sưởi ấm, nếu không nó sẽ nhanh chóng cứng lại và làm tắc nghẽn đường ống, do đó chi phí vận chuyển sẽ rất cao.

Do chất lượng dầu kém, Venezuela cũng phải nhập khẩu dầu nhẹ và trộn với dầu nặng đã tinh chế để cải thiện sản phẩm dầu xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, chi phí khai thác một thùng dầu thô ở Venezuela là khoảng 23,5 USD, trong khi của Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait là dưới 10 USD và của Nga là khoảng 17 USD.

(Tổng hợp: The Paper, Bloomberg, Reuters)

Theo An An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên