MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao sông Amazon dài nhất thế giới nhưng không có cây cầu nào bắc qua? Câu trả lời khiến nhiều người phải bất ngờ

12-12-2023 - 10:37 AM | Sống

Vì sao sông Amazon dài nhất thế giới nhưng không có  cây cầu nào bắc qua? Câu trả lời khiến nhiều người phải bất ngờ

Việc xây cầu qua sông Amazon có thể hại nhiều hơn là lợi.

Sông Amazon hùng vĩ là một trong những con sông lớn nhất và dài nhất thế giới. Với chiều dài hơn 4.000 dặm (6.400 km) và lưu lượng trung bình 219,00 m3 nước mỗi giây, song Amazon chỉ có một đối thủ duy nhất là sông Nile ở Châu Phi. Tuy nhiên, khác với dòng sông nổi tiếng của châu Phi, song Amazon không hề có cây cầu nào bắc qua. Thực tế, dòng sông vẫn gắn liền với cuộc sống của con người suốt hàng nghìn năm qua, vậy tại sao chính phủ các nước vẫn chưa khởi công bất cứ cây cầu nào dọc theo con sông này? Câu trả lời sẽ làm bạn phải bất ngờ!‏

Dòng sông vĩ đại, mạnh mẽ và khó đoán

‏Trước tiên, Amazon là một con sông khổng lồ. Như vậy, bất kỳ dự án xây dựng nào trên sông cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Ngoài ra, dòng sông vĩ đại cũng mang sẵn những rào cản tự nhiên. Thử thách đầu tiên và rõ ràng nhất chính là dòng nước. Tốc độ và thể tích nước chảy của sông Amazon luôn trong tình trạng thay đổi liên tục.‏

photo-1702352493140

‏Trong mùa khô, từ tháng 6 đến tháng 11, chiều rộng trung bình của sông Amazon từ 3,2 đến 9,6 km, tùy thuộc vào vị trí. Tuy nhiên, trong mùa mưa, từ tháng 12 đến tháng 4, dòng sông có thể rộng tới 48 km! Đồng thời, vào cao điểm của mùa mưa, dòng nước chảy rất mạnh với tốc độ 6,4 km/h. Những điều này khiến các kế hoạch xây dựng gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng với con sông hay thay đổi.‏

‏Các kỹ sư sẽ cần phải xem xét các yếu tố nói trên, đồng thời lưu ý đến sự xuống cấp cấu trúc có thể xảy ra do dòng nước liên tục tác động lực vào các trụ đỡ của cây cầu. Rõ ràng chỉ riêng dòng nước sông Amazon đã đủ gây khó khăn cho việc xây dựng bất cứ cây cầu nào.‏

Môi trường nhạy cảm và địa chất phức tạp

‏Một dòng sông chảy xiết với những khu rừng nhiệt đới ở hai bên kéo dài hàng ngàn km là điều kiện hoàn hảo cho môi trường đầm lầy. Việc xây móng cầu trong môi trường như vậy sẽ đòi hỏi phải sử dụng các cầu cạn dẫn vào rất dài và móng cũng phải rất sâu.‏

photo-1702352494252

‏Walter Kauffmann, chủ tịch Kỹ thuật kết cấu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) Zurich, cho biết tình trạng luôn thay đổi của dòng sông cùng với sự xói mòn liên tục của trầm tích sẽ khiến việc xây dựng bất kỳ công trình xây dựng nào cũng cực kỳ khó khăn.‏

‏Ngoài đặc điểm địa chất của khu vực, việc xây dựng cầu có thể phá vỡ sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái Amazon. Con sông này đóng vai trò như huyết mạch cho 3 triệu loài động vật và 2.500 loài cây sống ở vùng biển và các khu rừng xung quanh. Các dự án xây dựng cầu quy mô lớn hoàn toàn có khả năng gây tổn hại đến tính đa dạng sinh học của khu vực rộng lớn này.‏

‏"Báo cáo đánh giá về Amazon năm 2021" cũng nêu rõ rằng nạn phá rừng và sự xâm lấn liên tục của con người trong khu vực đang khiến hơn 10.000 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Bất kỳ công trình xây dựng nào trong khu vực này đều sẽ làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu sinh vật, bao gồm cả con người.‏

Dự án sẽ không chỉ ảnh hưởng đến động vật và thực vật trong khu vực

‏Theo Kauffmann, nhu cầu xây cầu trên sông Amazon chưa thực sự cấp thiết. Phần lớn Amazon chảy qua các khu vực dân cư thưa thớt với rất ít tuyến đường nối qua cầu.‏

‏Ngoài ra, các thị trấn, thành phố ven sông đã có mạng lưới tàu thuyền và phà đa dạng để vận chuyển hàng hóa và người dân từ bên này sang bên kia. Đầu tư vào một dự án có quy mô lớn như xây cầu sẽ chỉ mang lại lợi ích tối thiểu cho người dân địa phương và thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến họ.‏

photo-1702352495549

‏Quyết định xây dựng đường cao tốc dài hơn 150km xuyên qua Amazon đã bị các nhà hoạt động vì môi trường chỉ trích rất nhiều do có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của các bộ lạc bản địa sống trong khu vực này. Việc xây cầu dọc sông cũng gây ra những mối đe dọa tương tự do công nhân xây cầu liên tục việc vận chuyển vật liệu và nơi ở.‏

‏Như vậy, do không cần thiết cho phúc lợi của người dân cũng như lợi ích của nền kinh tế, nên việc không xây cầu trên sông Amazon là điều hoàn toàn hợp lý. 

Hoa Thu

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên