Vì sao Telegram là “miền Tây hoang dã” của công nghệ toàn cầu?
Telegram, ứng dụng nhắn tin của CEO Pavel Durov mới bị bắt tại Pháp, đang dần trở thành nơi trú ẩn an toàn cho hoạt động ngoài vòng pháp luật.
- 26-08-2024Nhà sáng lập kiêm CEO Telegram vừa bị bắt giữ tại Pháp: Hành trình từ “Facebook của Nga” đến ứng dụng nhắn tin cạnh tranh với WhatsApp, Instagram, Tiktok
- 26-08-2024CEO bị bắt, Telegram lên tiếng
- 25-08-2024Nóng: CEO kiêm nhà sáng lập Telegram, Pavel Durov vừa bị bắt giữ tại Pháp
Các chuyên gia an ninh mạng lập luận rằng ứng dụng Telegram đang biến thành "web đen" mới, nơi tội phạm mạng trao đổi trắng trợn các dịch vụ bất hợp pháp mà không phải chịu sự quản lý.
Giám đốc Haywood Talcove của LexisNexis Risk Solutions nhìn nhận khi ứng dụng này trở thành nơi lan truyền công cụ độc hại của cộng đồng tin tặc, nó "thực sự giống miền Tây hoang dã".
Tờ Financial Times dẫn ví dụ kênh Telegram Gun Shop America mỗi ngày rao bán súng ống, thuốc phiện và thẻ ngân hàng giả cho gần 26.000 người dùng đăng ký. Kênh này bán một khẩu Glock 9 mm kèm đạn với giá 500 USD, cocaine Bolivian giá 1.000 USD, một thẻ ngân hàng được làm giả có giá 5.000 USD.
Đó chỉ là một trong hàng chục ngàn nhóm và kênh Telegram được các chuyên gia an ninh mạng theo dõi.
Việc ứng dụng nhắn tin này đề cao sự bảo mật của người dùng đã dẫn đến một mặt tối khác. Ông David Maimon, giáo sư Khoa Tư pháp hình sự và tội phạm học tại Trường ĐH bang Georgia (Mỹ), chỉ rõ Telegram hỗ trợ, tạo điều kiện cho tội phạm trực tuyến và ngoại tuyến trên toàn thế giới, gồm lừa đảo, buôn vũ khí, ma túy, thậm chí cả buôn bán người.
Công ty an ninh mạng Guardio Labs nhận thấy một số chiêu lừa đảo thông qua Telegram có thể tạo ra các trang proxy giả kết nối với doanh nghiệp hợp pháp. Ngay cả các tài khoản mà người dùng nghĩ rằng đã xác minh (đánh dấu bằng dấu kiểm màu xanh) cũng là lừa đảo. Những kẻ lừa đảo có nhiều cách nhằm đánh vào lòng tham, như tặng tiền điện tử.
Một bài viết gần đây của tờ New York Times thì khẳng định Telegram đang là nơi diễn ra các cuộc thảo luận giữa những kẻ ấu dâm. Ngoài ra, Telegram còn xuất hiện các group sex với mục đích lừa đảo.
Năm 2020, Hàn Quốc chấn động sau vụ phanh phui "phòng chat thứ N" trên mạng xã hội Telegram. "Phòng chat thứ N" là nơi người dùng trả tiền để xem những nội dung khiêu dâm, bạo lực tình dục, xúc phạm thân thể phụ nữ...
Sự bùng nổ của thế giới ngầm tội phạm trên Telegram chỉ là một khía cạnh trong sự phát triển chóng mặt, rộng lớn hơn của nền tảng này trong những năm gần đây.
Từ một ứng dụng nhắn tin tự do, Telegram hiện là một nguồn tin tức và tài nguyên không thể thiếu với các tổ chức trong những cuộc xung đột trên thế giới. Nhiều năm gần đây, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng Telegram để tổ chức các âm mưu khủng bố, tuyên truyền và yêu cầu bồi thường trách nhiệm đối với các cuộc tấn công.
Tính đến năm 2024, theo Demand Sage - công ty nghiên cứu dữ liệu đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ, Telegram có khoảng 900 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, tăng mạnh so với những năm trước, cho thấy ứng dụng này ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.
Một báo cáo từ Business World cho biết trong 5 - 6 tháng qua, tỉ lệ tội phạm mạng hoạt động trên nền tảng Telegram tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước vụ việc ông Pavel Durov - người sáng lập và Giám đốc điều hành của Telegram - bị bắt ở Pháp, Telegram khẳng định ứng dụng này tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số.
Người Lao động