Vì sao Thủ tướng yêu cầu ‘tìm người tài, không tìm người nhà’?
“Chúng ta tìm người tài, chứ không không tìm người nhà” là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác cán bộ. Vì sao Thủ tướng đặt ra vấn đề này trong bối cảnh hiện nay?
- 06-08-2016Bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh và nạn “con ông cháu cha“
- 05-08-2016Chuyên gia nói gì về việc điều tra khoản lỗ 3.300 tỷ đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh?
- 05-08-2016Ông Trịnh Xuân Thanh để thua lỗ nghìn tỷ: Cần xét trách nhiệm hình sự
- 04-08-2016Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Ai sai cũng sẽ bị xử lý
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý 9 vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trong đó, có câu chuyện về công tác cán bộ.
“Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”, Thủ tướng nói.
Việc Thủ tướng yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân, bởi đây cũng là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Ngay trong các cuộc tiếp xúc cử tri trong mấy ngày qua của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác cán bộ luôn luôn được nhắc đến.
Tại Hải Phòng, khi Thủ tướng đề nghị muốn nghe thêm nhiều ý kiến, để nắm được những bức xúc của cử tri, hơi thở cuộc sống, cử tri Nguyễn Trọng Lô, một cán bộ lão thành cách mạng, đã nhắc lại câu nói trên của Thủ tướng và khẳng định đã chứng kiến nhiều trường hợp “ưu tiên người nhà” trong tuyển dụng cán bộ khi mà “nhiều người giỏi hơn không chọn mà chọn con, cháu mình, bạn mình”.
Thông điệp về công tác cán bộ đã được Thủ tướng nhiều lần nhắc lại tại các sự kiện khác nhau. Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội ngày 26/7, Thủ tướng đã nhấn mạnh, tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Ông nhắc tới những câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trãi: “Nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu” và của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ông tha thiết đề nghị phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.
Mới nhất, phát biểu chỉ đạo hội nghị ngày 5/8 của ngành Giáo dục, ông khẳng định muốn xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc, phải chấn hưng giáo dục, bồi đắp nguyên khí quốc gia.
Sở dĩ Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu này là bởi tầm quan trọng đặc biệt của công tác cán bộ. “Công tác cán bộ rất quan trọng, con người là quyết định”, ông nói với các thành viên Chính phủ.
Trước hàng loạt vấn đề của đất nước đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần, trách nhiệm của những người lãnh đạo, càng cần sự có mặt của những người tài trong việc nước nói chung và trong đội ngũ cán bộ nói riêng. Thủ tướng đã nêu ra hàng loạt giải pháp, định hướng lớn về Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động, nhưng những giải pháp đó khó có thể được thực thi và phát huy hiệu quả, nếu thiếu những con người đủ khả năng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân.
Mặt khác thì như Nguyễn Trãi Từng nói, nước Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu, nhưng cũng có khi “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, với hàm ý việc tìm cho ra người tài chưa bao giờ là việc đơn giản. Những tranh cãi gần đây về việc làm thế nào để thu hút được đội ngũ các nhà khoa học, các lưu học sinh ở nước ngoài về đất nước cũng chứng tỏ điều đó.
Thực tế cho thấy, công tác cán bộ của chúng ta lâu nay vẫn còn không ít bất cập, nhất là tình trạng “chọn người nhà chứ không chọn người tài”, mà những ví dụ đang rất “nóng” và có cơ sở để nghi ngờ là việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Tổng công ty Sabeco.
Những vụ việc như vậy không chỉ làm đội ngũ cán bộ suy yếu về năng lực, phẩm chất mà còn khiến người dân phai nhạt niềm tin, những người tài cũng ngần ngại khi muốn tham gia đóng góp vào việc nước. Điều đáng mừng là trước những vụ việc trên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, với thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đấu tranh phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ.
Tinh thần của Thủ tướng khiến nhiều người nhớ tới Tô Hiến Thành, danh thần đời Lý được lưu danh sử sách với câu chuyện tiến cử hiền tài. Trước khi mất, khi được hỏi, Tô Hiến Thành đã tiến cử Trần Trung Tá, người có thực tài, thay mình phụ chính nhà vua mà nhất quyết không tiến cử Vũ Tán Đường.
Bà Thái hậu ngạc nhiên: Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang cho ông, sao ông không nói tới là làm sao? Còn Trần Trung Tá là kẻ luôn thờ ơ với ông, mà sao ông vẫn ưa chuộng vậy? Tô Hiến Thành đáp: Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Vũ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!
Suy cho cùng, điều người tài cần nhất là sự đánh giá và sử dụng con người trên nguyên tắc công bằng, tuyệt đối không phân biệt đối xử, tuyệt đối không có đặc quyền đặc lợi. Người dân tin tưởng, kỳ vọng quyết tâm và cam kết từ những người lãnh đạo cao nhất sẽ giúp ngày càng có thêm nhiều hiền tài ra sức cống hiến vì sự nghiệp chung của đất nước.
Chinhphu.vn