Vì sao tỉnh Đắk Nông muốn làm sân bay, cao tốc?
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông lý giải, việc làm sân bay và đường cao tốc góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng.
- 22-03-2021Đắk Nông tham gia vào cuộc đua đề xuất quy hoạch sân bay
- 19-03-2021Tiến độ sửa chữa đường băng tại 2 sân bay lớn nhất nước ra sao?
- 19-03-2021UBND tỉnh Hà Nam: Quỹ đất dự kiến 1.350 ha tại Hà Nam sẽ không đảm bảo cho quy hoạch sân bay thứ hai Vùng Thủ đô
Ngày 23/3, nguồn tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, vừa có văn bản góp ý quy hoạch tổng thể mạng lưới cảng hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có đề nghị đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch xây dựng.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông nhiều lần gửi văn bản và trực tiếp đề nghị với các cơ quan
Trung ương để quy hoạch xây dựng sân bay Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp), nhưng chưa được chấp thuận. Việc xây dựng sân bay này, ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, còn có mục đích vào quốc phòng.
Lý giải việc đề xuất quy hoạch sân bay Nhân Cơ, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương chỉ có duy nhất một phương thức vận tải đường bộ; địa hình khó khăn nên việc đi lại không thuận lợi, hạn chế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế và du lịch.
Trước đó, tháng 1/2020, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đắk Nông nghiên cứu phương án về việc xây dựng sân bay lưỡng dụng Nhân Cơ; qua đó, bộ hướng dẫn UBND tỉnh Đắk Nông làm việc với Bộ Quốc phòng để đề xuất sân bay quân sự trước; sau khi hình thành sân bay quân sự sẽ căn cứ nhu cầu vận chuyển hành khách tiếp tục đề xuất sử dụng làm sân bay lưỡng dụng.
Mới đây, đoàn công tác tỉnh Đắk Nông do ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước để bàn về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc nối 2 tỉnh này.
Theo quy hoạch được duyệt, tuyến cao tốc (đoạn Đắk Nông - Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 212km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông có điểm đầu cao tốc tại sông Sêrêpôk với chiều dài khoảng 110km; đoạn qua tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 102km; điểm cuối đường cao tốc kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (tỉnh Long An), quy mô từ 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/giờ.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Thanh Danh cho biết, tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn, vì vậy làm đường cao tốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ở địa phương. Trong quá trình triển khai, tỉnh cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ của tỉnh Bình Phước. Địa phương sẽ triển khai quyết liệt các bước để dự án sớm được triển khai đầu tư…
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Đắk Nông thống nhất đề xuất đoạn qua tỉnh Đắk Nông dự kiến đầu tư với quy mô 4 làn xe; trong đó nền đường rộng 24,75m, mặt đường rộng 15m, dải phân cách 2,25, lề 7,5m. Đoạn qua tỉnh Bình Phước dự kiến đầu tư với quy mô từ 4 - 6 làn xe; trước mắt đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe phần đường; phần cầu tương đương 6 làn xe.
Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 3 sân bay dân dụng đang hoạt động (gồm sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Liên Khương), mỗi sân bay cách nhau khoảng 200km. Nếu đề xuất của tỉnh Đắk Nông được chấp thuận thì sẽ có thêm sân bay Nhân Cơ, cách sân bay Buôn Ma Thuột đang khai thác khoảng 130 km
Tiền phong