Vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh thấp nhất trong vòng 5 năm?
Tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố là một trong những nguyên nhân khiến GRDP Hà Tĩnh đạt thấp
Theo báo cáo từ Cục thống kê Hà Tĩnh, GRDP 6 tháng đầu năm nay của Hà Tĩnh ước đạt 23.529 tỷ đồng, chỉ tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
- 01-07-2022Doanh nghiệp chuẩn bị tiền tỷ cho tăng lương tối thiểu từ 1/7
- 01-07-2022Địa phương lần đầu tiên lọt top 10 tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI lớn nhất cả nước có tiềm năng gì?
- 01-07-2022Giải ngân vốn ODA chỉ đạt 9,12% trong nửa đầu năm 2022
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,22%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 8,34%, làm giảm 3,47 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,97%, đóng góp 2,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,04%, đóng góp 1,11 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.
Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 36,86%...
Sản lượng lúa ước tính đạt 334.874 tấn, giảm 14.919 tấn so với cùng kỳ năm trước; các dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện; sản xuất thủy sản vẫn duy trì mức tăng nhẹ, tổng sản lượng ước đạt trên 26.147 tấn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 28.166,5 tỷ đồng, tăng 13,06% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 15.243 tỷ đồng, tăng 32,61% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đã phản ánh kết quả tích cực của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 7,26% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,58% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Cục thống kê Hà Tĩnh, sở dĩ tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Tĩnh đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua do Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố, đang phải ngừng hoạt động. Đến nay, tổ máy này chưa khắc phục được.
Sản lượng của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong nửa đầu năm nay đạt được 2,67 triệu tấn thép
Ông Trần Thanh Bình, Cục trưởng Thống kê Hà Tĩnh cho biết: “Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vũng Áng I là hai động lực tăng trưởng chính của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tháng 9/2021 tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I gặp sự cố hỏng tuabin, đến nay chưa khắc phục được. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty này chỉ sản xuất 1,8 tỷ kWh, giảm hơn 53% (2,1 tỷ kWh). Tổng sản lượng điện của tất cả nhà máy trên toàn tỉnh chỉ đạt 4,1 tỷ kWh, giảm 36,34% so với cùng kỳ. Đây là lý do chính làm cho tổng sản phẩm trong tỉnh không có tăng trưởng”.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, đơn vị vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I cho hay, việc sửa chữa phụ thuộc vào kỹ sư và công nghệ nước ngoài nên thời gian khắc phục lâu. Hiện một số trục đã được đưa sang Indonesia sửa chữa, cuối năm nay có thể đem về lắp chạy thử. Dự kiến tháng 2/2023, tổ máy số 1 mới hoạt động trở lại.
Cũng theo ông Minh, ngoài sự cố hỏng tuabin, nguyên nhân khiến sản lượng điện của Hà Tĩnh sụt giảm còn do giá than tăng cao, biến động nhiên liệu thế giới, nhu cầu thị trường không lớn... nên sản lượng huy động cầm chừng theo kế hoạch.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là Formosa trong nửa đầu năm sản xuất được 2,67 triệu tấn thép. Đây là kết quả đáng ghi nhận nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì chỉ tăng 0,24%. Do đó, doanh nghiệp này chỉ đóng góp 0,47 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của tỉnh. Trong khi các động lực tăng trưởng chính là Formosa và Nhiệt điện Vũng Áng 1 sản xuất sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp thì sản xuất công nghiệp vẫn chưa có các năng lực mới tăng thêm để đóng góp vào tăng trưởng chung.
Để tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm sự phụ thuộc vào Formosa , trong đề án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Hà Tĩnh đã ưu tiên phát triển bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Năm 2030, Hà Tĩnh phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050.
Diễn đàn Doanh nghiệp