Vì sao tôi khuyên bạn nên tiết kiệm tiền? Không phải là để làm giàu, mà là bởi 3 nguyên nhân cốt tử khác
"Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì chẳng thể làm được gì”, nghe có vẻ trần trụi, nhưng đó lại là câu nói chân thực nhất.
- 13-03-2020Ghen tỵ với cuộc sống của người khác chỉ khiến bạn đáng thương hơn: Thay vì dành cả đời mong ai đó bất hạnh, hãy tự tìm niềm vui cho chính mình!
- 13-03-2020Chuyện chưa kể về "bàn tay vàng" Aleen Keshishian: Từ cô gái di cư cho tới "bà trùm giải trí" quyền lực nắm vô số bí mật của Jennifer Aniston, Selena Gomez
- 13-03-2020Bị xử thua kiện và phải bồi thường, xưởng sản xuất bóng đá không ngờ nhờ đó mà kiếm bộn tiền và nổi tiếng khắp thế giới
Cách đây vài ngày, tôi có đọc được một bài viết có tiêu đề "Lời nhắn nhủ của một người trung niên: người trẻ, hãy tiết kiệm tiền sớm lên một chút", đại ý muốn khuyên nhủ mọi người nhân lúc còn trẻ, học cách tiết kiệm tiền.
Ở dưới phần bình luận của bài viết, có một độc giả để lại câu hỏi rằng, không biết tác giả đã từng nghe qua câu nói này của Warren Buffett chưa, "Một khi có tư tưởng tiết kiệm, bạn sẽ không còn tinh lực để đi bồi dưỡng ra một cái đầu biết kiếm tiền nữa", ý muốn nói, tiền không phải tiết kiệm mà ra mà là kiếm mà ra. Một độc giả khác cũng bình luận rằng "Tiết kiệm tiền làm cái gì, đợi để phá giá ư?"
"Tiền không phải tiết kiệm mà ra", câu nói này có lý, Warren Buffett là một nhà đầu tư, không đầu tư kiếm tiền, chỉ biết mang tiền vào ngân hàng gửi, há chẳng phải nực cười? Nhưng vấn đề ở chỗ, người ta là "thần cổ phiếu", người bình thường có thể so sánh với ông ư? Bạn có thể tiêu tiền rồi kiếm lại gấp hàng ngàn hàng vạn lần không?
"Tiết kiệm tiền, đợi phá giá ư?", đây cũng là thực tế, nhưng không tiết kiệm tiền, đến tiền phá giá bạn cũng chẳng có.
Hơn nữa, chỉ tiêu tiền, tiêu hết sạch tiền, không lẽ có thể giúp bạn sống cuộc sống mà mình muốn ư?
Tôi cho là rất khó, bởi lẽ, về mặt bản chất, vốn đều được tích lũy trên cơ sở một lượng vốn nhất định, ý muốn nói, chỉ khi bạn có tiền trong tay, bạn mới có thể "thu hút" được nhiều tiền hơn về phía mình.
Chẳng hạn, có một độc giả khác nói rằng, anh ấy luôn có thói quen tiết kiệm tiền, sau nhiều năm, anh cầm 3 tỷ đi mua nhà, giá nhà đất lúc bấy giờ chỉ là 30 triệu một mét vuông, còn hiện tại đã tăng lên gấp đôi, tức là tài sản mà anh ấy sở hữu cũng đã tăng giá lên gấp đôi.
Nếu khi đó anh ấy không tiết kiệm tiền liệu có thể mua được nhà để rồi sở hữu được khối tài sản gấp đôi như vậy không?
Chắc chắn là không, bởi lẽ nếu không có tiền, dù có nhìn thấy cơ hội, cũng chỉ có thể trơ mắt ra nhìn.
Tiết kiệm tiền, rốt cuộc quan trọng ra sao?
1. Tài khoản tiết kiệm của bạn, quyết định quyền lựa chọn của bạn
Có câu "một phân tiền, một phần thu hoạch", trong tay bạn có bao nhiêu tiền, quyết định bạn mua được cái gì và có một cuộc sống ra sao.
Còn nhớ lần đầu tiên khi đi xem nhà, chủ nhà đưa ra cho tôi 3 lựa chọn.
Căn thứ nhất có cửa sổ, phòng tắm, điều hòa, máy giặt và tủ lạnh, bày biện cũng rất tinh tế. Đây chính xác là những gì tôi mong đợi. Nhưng lúc đó tôi không có đủ tiền để thuê căn này.
Căn thứ hai có cửa sổ, phòng tắm, ánh sáng rất tốt. Mặc dù không có điều hòa, nhưng thông gió rất tốt, rẻ hơn so với căn thứ nhất. Nhưng, tôi vẫn không thuê nổi.
Căn thứ ba không có cửa sổ, không điều hòa, máy giặt hay tủ lạnh, ánh sáng cũng không tốt, không lát sàn, phòng tắm là phòng dùng chung cho 4 hộ. Và đây là căn duy nhất tôi có đủ khả năng chi trả.
Thời điểm tôi thuê nhà là mùa đông. Vì không có cửa sổ, căn phòng cực kỳ ấm áp. Tuy nhiên, vào mùa hè thì thật sự tồi tệ. Căn phòng giống như một chiếc nồi hấp lớn, ngột ngạt và nóng bức, vào buổi tối, bên ngoài thậm chí còn mát mẻ hơn cả ở trong phòng.
Vì trời quá nóng vào buổi tối nên tôi không thể ngủ ngon, hệ lụy là tinh thần không được tỉnh táo vào hôm sau, không những bị lãnh đạo quở trách mà tình hình sức khỏe tôi cũng ngày một kém đi.
Cuối cùng, tôi thực sự bị ốm, nhưng tôi vẫn không muốn đến bệnh viện, kiên trì được 1 tuần, cuối cùng tôi cũng vẫn phải vào bệnh viện.
Nếu khi đó tôi có nhiều tiền hơn, tôi đã có thể chọn căn thứ nhất hoặc căn thứ hai, như vậy tôi sẽ được sống thoải mái hơn, cũng có thể làm việc với một trạng thái tinh thần tốt hơn.
Đây không chỉ là vấn đề thuê phòng, đời người dài như vậy, khó tránh được những lúc phải đối mặt với sinh lão bệnh tử, những lúc như vậy mà không có tiền, bạn chỉ có thể chọn lựa chọn kém nhất, mà những lựa chọn đó, có thể sẽ khiến bạn hối hận cả đời.
2. Tài khoản tiết kiệm của bạn bao nhiêu, quyết định bạn có bấy nhiêu dũng khí nói "không"
Ở nơi làm việc, rất thường xảy ra hiện tượng như này, có người rất đường hoàng, gặp phải chuyện không hợp lý, họ sẽ ngay lập tức nói "không", nếu sự việc gì đó khiến họ bất bình, không hài lòng, họ sẽ tranh cãi, nói lý với đối phương tới cùng; nhưng cũng có những người, rất sợ đắc tội với người khác, rõ ràng là đối phương quá đáng, nhưng vẫn phải trưng ra khuôn mặt cười, như kiểu bản thân làm sai điều gì đó.
Mới đầu, tôi nghĩ rằng đó là do sự khác biệt về tính cách tạo ra sự khác biệt trong thái độ.
Nhưng, tiếp xúc càng nhiều với những người như vậy, tôi phát hiện ra một sự thật đau lòng: những người dám nói "không" thường là những người có tiền.
Gia đình họ có thể có tài sản hàng trăm triệu, họ đi làm chẳng qua chỉ là để tích lũy kinh nghiệm, còn những người không dám nói không, gia cảnh của họ thường khá nghèo, họ còn có em trai em gái đang tuổi đi học, hoặc gia đình có con cái, có cha mẹ hai bên cần chăm sóc, họ căn bản là không dám nghỉ việc.
Nó cho ta thấy một đạo lý: Tài khoản tiết kiệm của bạn bao nhiêu, quyết định bạn có bấy nhiêu dũng khí nói "không".
Nếu bạn không thiếu tiền, vậy thì chỉ cần không vui một phát, bạn nói đi là đi, để lại cho đối phương một cái quay đầu bước đi thật lộng lẫy.
Nhưng nếu bạn thiếu tiền, vậy thì dù có không vui, dù có cảm thấy bất công, cũng phải nhẫn nhịn ôm lấy cục tức, tủi thân nhưng không thể làm gì khác.
Dạo trước, công ty có một đồng nghiệp mới đến, cậu ta luôn miệng kêu công ty chỗ này không ổn, chỗ kia không tốt.
Sau này, mọi người đều khuyên cậu ta: "Không tốt nhiều như vậy, hay cậu nghỉ việc tìm chỗ khác đi!"
Cậu ta lại nói: "Tôi giờ làm gì có tiền, sao dám nghỉ việc. Chỉ cần một tháng không có thu nhập thôi, với mức tiêu của tôi thì làm sao mà sống nổi đây!"
Vì trong tay không có tiền, thà chịu ấm ức chứ không chịu nghỉ việc.
Nhưng nếu trong tay có tiền, nhà dư của thì sao?
Kết quả tự nhiên sẽ khác, cậu ta có thể thích nghỉ lúc nào thì nghỉ, đi tìm một công việc tốt hơn, thích hợp với mình hơn. Thậm chí cả khi vì chưa tìm được việc, tạm thời chưa có thu nhập thì cũng chẳng làm sao.
Vì vậy, tôi muốn khuyên mọi người, bất kể thu nhập bao nhiêu, nhất định phải dành ra một khoản tiết kiệm.
Tiết kiệm tiền, có lẽ không thể biến bạn thành ông nọ bà kia, nhưng ít nhất, khi đối mặt với việc mà bạn không thích, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
3. Tài khoản tiết kiệm của bạn, có thể gia tăng tỷ lệ nắm bắt cơ hội cho bạn
Tôi phát hiện ra rằng, rất nhiều người trẻ đều có chung một quan điểm rất kì lạ, cho rằng tiền tiêu đi rồi thì mới có giá trị, không tiêu thì sẽ chỉ là một tờ giấy, vì vậy nhất định phải tiêu tiền, chứ không nên tiết kiệm.
Nghe qua có vẻ rất có lý, nhung nghĩ cho kĩ thì bạn sẽ phát hiện ra, kiểu tư tưởng này thực ra không hề logic.
Một đồng tiền tiêu đi chỉ có thể cho ra giá trị của một đồng; nhưng một triệu đồng tiêu đi sẽ cho ra giá trị của một triệu đồng.
Mỗi một đồng tiêu đi, thực ra là đang tiêu đi tương lai của mình.
Ý gì?
Lấy một ví dụ như sau.
Giả sử bạn bỗng nhiên phát hiện ra một cơ hội rất quý giá, cơ hội này có thể giúp bạn ngay lập tức "chuyển mình", nhưng, trong tay bạn lại không đủ tiền. Vậy bạn phải làm sao?
Không thể nào "tay không tấc sắt" đi nói với nhà đầu tư rằng, tôi có một ý tưởng rất sáng tạo, nhất định có thể làm ra tiền!
Là một nhà đầu tư, họ hầu như mỗi ngày đều trông thấy những nhà khởi nghiệp như vậy, dựa vào đâu mà họ đầu tư cho bạn?
Có câu: "Cha có mẹ có, không bằng tự mình có."
Vì vậy, chỉ khi trong tay có tiền, bạn mới có thể nắm bắt được cơ hội, mới có thể hiện thực được suy nghĩ của bản thân.
"Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì chẳng thể làm được gì", nghe có vẻ trần trụi, nhưng đó lại là câu nói chân thực nhất.
Không tiền, bạn chẳng thể làm được việc gì.
Trong tay không có tiền, trong tài khoản không có tiền tiết kiệm, sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn thêm khó khăn hơn mà thôi.
Vì vậy, tranh thủ lúc còn có thể kiếm tiền, nhất định phải học cách tiết kiệm, thứ bạn tiết kiệm không chỉ là tiền mà còn là sự tự tin và cơ hội.
Chỉ khi khi trong túi có tiền, bạn mới có thể có được nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống của mình.
Trí thức trẻ