Vì sao Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam lỗ hàng nghìn tỷ đồng?
Nhiều dự án của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) có hiệu quả thấp, không thoái được vốn; nhiều công ty con của Vicem hoạt động chưa hiệu quả như Vicem Tam Điệp lỗ 1.117 tỷ đồng, Xi măng Hạ Long lỗ 199 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).
Trong năm 2017, tổng doanh thu của Vicem đạt 2.714 tỷ đồng (tăng 205% so với 2016), trong đó doanh thu hoạt động tài chính là 2.002 tỷ đồng; lợi nhuận thực hiện đạt 1.403 tỷ đồng (tăng 529% so với 2016).
Nguồn lợi nhuận này chủ yếu được chia của hai công ty con hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 và một số công ty liên kết khác.
Cho tới hết năm 2017, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Vicem đạt 13/163 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là xi măng và clinker. Tổng giá trị cổ tức, lợi nhuận thu về là 1.914 tỷ đồng. Tỷ suất cổ tức, lợi nhuận được chia/tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là 15%.
Bộ Tài chính cũng nêu rõ, một số khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Vicem hiệu quả thấp, không thoái được vốn. Một số dự án được Bộ Tài chính "điểm mặt" như Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai... Nhiều công ty lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như Công ty Vicem Xi măng Tam Điệp, Công ty cổ phần: Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông đà 12...
Đáng chú ý, Vicem có khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú – Kratie và Đồng Nai – Kratie. Trong Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2013 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Vicem đã triển khai thoái toàn bộ vốn tại hai công ty trên nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia.
Không những vậy, một số công ty con sản xuất xi măng khác như Vicem Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai…, doanh thu và lợi nhuận năm 2017 sụt giảm mạnh. Nhiều công ty con lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn, mất vốn, mất khả năng thanh toán thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt như Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Sông Thao.
Đáng chú ý tại Vicem Tam Điệp, năm 2017, doanh thu đạt 1.308 tỷ đồng (bằng 85% so với năm 2016), lợi nhuận 3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.189 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 1.117 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 72 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 24 lần, hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 0,32.
Như vậy, Công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của Công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ Công ty mẹ.
Ngoài ra, Công ty cổ phẩn Xi măng Hạ Long trong năm 2016 (sau khi Vicem tiếp nhận từ Tổng công ty Sông Đà về), công ty có lãi và cân đối được trả nợ các khoản vay nhưng sang năm 2017 doanh thu của công ty chỉ đạt 1.976 tỷ đồng (bằng 80% so với năm 2016), kết quả sản xuất kinh doanh lỗ 199 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2017, công ty này có số lỗ lũy kế là 3.691 tỷ đồng dẫn tới vốn chủ sở hữu âm 2.229 tỷ đồng. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,09 lần cho thấy công ty bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, khó khăn trong việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp. Nhiều công ty con khác có lợi nhuận chỉ từ 5 tỷ đến 8,8 tỷ đồng trong năm 2017.
VTCnews