MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao TPHCM chậm bứt tốc?

Những khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn, đầu tư máy móc…khiến doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa thế bứt tốc như mong muốn. Ông Hoàng Thọ Vượng - Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM - đã chia sẻ với báo Tiền Phong xung quanh vấn đề này.

Nhiều DN ngành CNHT cho biết gặp nhiều khó khăn về quỹ đất khi muốn mở rộng sản xuất. Thực tế quỹ đất dành cho lĩnh vực này ra sao thưa ông?

Quỹ đất dành cho DN CNHT khá hạn chế và là một trong những yếu tố khiến ngành này chưa phát triển mạnh dù có chính sách kích cầu riêng. Hiện ở TPHCM chỉ có 3 khu công nghiệp và Khu công nghệ cao có phân khu dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này. Tỷ lệ lấp đầy ở phân khu thuộc Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 đạt 93/200ha còn phân khu trong Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có 104ha. Khu công nghiệp cơ khí ôtô có 65ha lại chưa triển khai. Hiện tại các dự án mới trong Khu công nghiệp Hiệp Phước không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên DN không thể thế chấp vay vốn ngân hàng,xin giấy phép xây dựng để triển khai theo tiến độ đầu tư hoặc theo quyết định phê duyệt tham gia chương trình kích cầu của UBND TPHCM.

Khó khăn là dù quỹ đất sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn, nhưng chủ đầu tư các khu công nghiệp thường quy hoạch phân lô diện tích lớn ưu tiên cho các DN lớn để tránh phải điều chỉnh quy hoạch và giảm chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước, nước thải, đường giao thông nội bộ…

Vì sao TPHCM chậm bứt tốc? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM

Ngoài quỹ đất, hiện DN CNHT còn gặp khó khăn gì nữa, thưa ông?

Nhằm giúp DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, từ năm 2018, TPHCM đã có chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT. Dù đã có nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn này và phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN lớn nhưng vẫn còn những tồn tại, khó khăn khiến cho chương trình chưa thể bứt tốc như mong muốn.

Cùng đó, DN cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Do đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của DN Việt Nam như: DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, nên các DN CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế ưu đãi đối với DN CNHT theo Nghị định 111 đang gặp một số vướng mắc trong triển khai nên, hiện doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi. Do đó các chính sách về nguồn vốn, đất đai và thuế đang là các chính sách cần được sửa đổi để triển khai đi vào thực tế nhằm hỗ trợ cho DN CNHT.

Theo ông, các DN CNHT cần làm gì để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

Doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất, từ đó tạo cơ hội giúp DN CNHT có thể nắm bắt, tiếp cận được cơ chế chính sách của Chính phủ, bộ, ngành và TPHCM, từng bước gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng có tính quyết định với DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng được các tập đoàn nước ngoài quan tâm như sự phát triển bền vững, tầm nhìn, chiến lược, văn hoá kinh doanh, đảm bảo sản xuất chất lượng, có tính hệ thống, có sự cạnh tranh về giá. Ngoài ra, DN cũng cần Nhà nước ưu đãi hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi và kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành CNHT. Từ đó giúp các DN vươn lên, làm tiền đề cho các DN tham gia được vào chuỗi sản xuất trong nước và chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM đã có những chính sách gì để hỗ trợ DN CNHT trên địa bàn?

Trung tâm đã xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ DN CNHT theo chương trình kích cầu đầu tư thành phố; tổ chức Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, CNHT tiêu biểu thành phố; hỗ trợ quảng bá, phát triển DN có sản phẩm được bình chọn tại chương trình; tổ chức hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu sản phẩm CNHT...

Cám ơn ông!

Trung tâm phát triển CNHT giúp DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất thông qua các chương trình tư vấn, đào tạo; Hỗ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT và hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN CNHT.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên