Vì sao TPHCM chậm di dời nhà ven kênh rạch?
Dự kiến đến hết năm 2025, TPHCM chỉ bồi thường, di dời được 4.250 căn nhà trên và ven kênh rạch, đạt 65% so với chỉ tiêu đề ra.
- 25-11-2023Gần 600 căn hộ chung cư Bảo Sơn chưa nghiệm thu đã ‘lùa’ dân vào ở
- 25-11-2023Chủ tịch UBND TP HCM: Phải chỉ ra được giá trị mới khi điều chỉnh quy hoạch chung!
- 25-11-2023Nam Long đồng hành cùng khách hàng bằng loạt giải pháp tài chính thiết thực
Không đạt chỉ tiêu
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố có 5 tuyến kênh rạch chính dài hơn 105 km trong phạm vi nội thành, giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực rộng 14.200 ha. Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm. Để cải thiện môi trường đô thị, từ năm 1993, TPHCM thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời vẫn diễn ra rất chậm.
Tổng số căn nhà trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ năm 1993 đến nay). Nhìn chung, các giai đoạn thực hiện chương trình giải tỏa, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch đều đạt chỉ tiêu khá thấp (dưới 50%).
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1993 - 2020, TPHCM mới di dời được hơn 38.185 trên tổng số hơn 65.000 nhà cần di dời; giai đoạn từ năm 2021 - 2025, TPHCM mới chỉ di dời được 2.867 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng di dời nhà ven và trên kênh rạch diễn ra chậm chủ yếu là do khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Tính đến nay, mới có 5/14 dự án được tiếp tục bố trí vốn để bồi thường, tái định cư. Trong khi đó, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch được đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, nhưng so với các dự án hạ tầng khác lại không được chọn là cấp bách, ưu tiên hàng đầu.
Mặt khác, các dự án còn vướng ở thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... như dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đầu tư theo hình thức BT từ năm 2009. Công ty đã thực hiện xong giai đoạn 1 (giải tỏa nhà trên kênh). Năm 2015, Resco tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là giải tỏa nhà ven kênh. Tuy nhiên, do Luật Đất đai 2013 có hiệu lực dẫn đến một số vướng mắc. Điều này dẫn đến dự án chậm giao đất cho nhà đầu tư, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn và đến nay dự án “đứng hình”.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, với tình hình này dự kiến đến hết năm 2025 cũng chỉ bồi thường, di dời được 4.250 căn, đạt 65% so với chỉ tiêu đề ra.
Theo ông Long, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên là từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đã không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Nhà đầu tư không còn được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch nên không hấp dẫn trong việc mời gọi đầu tư.
Trong khi đó, việc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cũng gặp khó khăn trong việc bố trí vốn. Các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch dù đã được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục dự án trọng điểm , cấp thiết nhưng không được chọn là dự án cấp bách, cần ưu tiên như các dự án khác.
Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân cũng không đơn giản. Nhất là khi đa số nhà, đất đều có pháp lý phức tạp, không có quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm một phần trên đất hành lang, một phần trên mặt nước kênh rạch.
Vận dụng Nghị quyết 98
Phát biểu tại hội thảo mới đây, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết, trong giai đoạn 1993 - 2005, việc giải tỏa di dời luôn đạt chỉ tiêu 100%. Nguyên nhân chủ yếu do TPHCM đã áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, tạo nguồn vốn đầu tư khu tái định cư, để di dời hộ sinh sống trên và ven kênh rạch đến nơi ở mới khang trang và sạch đẹp.
Từ năm 2016 - 2020, TPHCM mới chỉ bồi thường và di dời được 2.479 trong tổng số 20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 12,4% so với chỉ tiêu. Các dự án hoàn thành, chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhưng đa số cũng chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư từ vốn ngân sách, trong khi chưa kêu gọi được dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Do đó, ông Tân hiến kế, Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở ven, trên kênh rạch. Cụ thể, có thể sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, ngân sách TPHCM được hưởng toàn bộ số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời nhà ven kênh rạch.
Tương tự, ông Lý Thanh Long cho biết, sắp tới Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND TPHCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Sở cũng hướng dẫn UBND các quận, huyện, cụ thể là quận 6 giải quyết dứt điểm 88 căn chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2.
Đặc biệt, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án, trình UBND TPHCM giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên, ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi đề án được UBND TPHCM thông qua, sẽ tạo điều kiện để UBND các quận, huyện triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.
Tiền Phong