Vì sao trái phiếu “ế”?
Tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 17,3% so với kế hoạch cả năm hơn 400.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng, áp lực phát hành sẽ dồn về nửa cuối năm, có thể tác động lên lãi suất thị trường trái phiếu.
- 18-07-2022Giá USD tự do vọt lên gần 24.700 đồng, vàng trong nước "bốc hơi" mạnh
- 18-07-2022‘Để chống lạm phát chi phí đẩy, tăng lãi suất không phải là biện pháp phù hợp’
- 18-07-2022Người dân tăng mua euro khi giá giảm
Trái phiếu kỳ hạn ngắn liên tục "ế"
Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm nay khối lượng TPCP phát hành thành công khoảng 69.087 tỷ đồng, đạt 17,3% so với kế hoạch cả năm.
Lãi suất trái phiếu bình quân 2,45%/năm cao hơn mức 2,26%/năm cùng kỳ năm 2021, kỳ hạn trái phiếu bình quân 14,75%/năm so với cùng kỳ năm ngoái là 12,19%/năm. Kỳ hạn trái phiếu có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây cho thấy việc tái cơ cấu danh mục nợ TPCP đang phát triển theo hướng bền vững, nâng cao khả năng huy động vốn của Chính phủ.
Ảnh minh họa
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 6 tháng đầu năm nay TPCP kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu thất bại. Trong khi đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 31.612 tỷ đồng (đạt 22,6% kế hoạch năm), 15 năm là 26.555 tỷ đồng (đạt 17,7% kế hoạch năm), 20 năm là 2.265 tỷ đồng (đạt 7,5% kế hoạch năm) và 30 năm là 8.625 tỷ đồng (đạt 24,6% kế hoạch năm).
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành TPCP kỳ hạn dài trên 10 năm đều giảm mạnh. Cụ thể: kỳ hạn 10 năm giảm 57,9%, 15 năm giảm 31,3%, 20 năm giảm 34,1%, riêng kỳ hạn 30 năm tăng nhẹ 8,4%. Mặc dù, lãi suất tăng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn như 1 năm tăng 140 điểm và 2 năm tăng 148 điểm.
Kho bạc Nhà nước lý giải nguyên nhân các phiên gọi thầu và huy động vốn qua kênh TPCP thất bại nguyên nhân chính do những tác động bất lợi từ thị trường thế giới. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên cao… ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước, dẫn đến khối lượng dự thầu giảm, lãi suất dự thầu tăng.
Mặt khác, hiện nay các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn là khách hàng mua lớn trên thị trường TPCP. Trong hai quý đầu năm, các ngân hàng tập trung đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo đó, tín dụng tăng cao trong khi huy động vốn không theo kịp, khiến các ngân hàng không còn dư dả để đổ vào trái phiếu.
Áp lực tăng lãi suất
Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, diễn biến của thị trường TPCP trong 6 tháng đầu năm cho thấy người mua đang đòi hỏi mức lãi suất TPCP cao hơn so với mức mà bên bán đưa ra. Hiện nay các NHTM vẫn nắm giữ trên 50% thị phần, số còn lại do các định chế tài chính có nguồn vốn dài hạn hơn nắm giữ, như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư khác. Do đặc thù của NHTM chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn, nên thường đầu tư vào TPCP kỳ hạn ngắn, thường là 3-7 năm. Tuy nhiên tỷ trọng trái phiếu phát hành không thành công lại tập trung trong nhóm kỳ hạn này.
Vị này phân tích: theo dõi các phiên đấu thầu TPCP trong 6 tháng đầu năm nay có thể thấy, nhiều phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn dưới 10 năm có tổng giá trị đặt thầu cao hơn giá trị gọi thầu, song giá trị trúng thầu bằng không hoặc rất thấp do mức lãi suất kỳ vọng giữa bên mua và bên bán không gặp nhau. Đó là lý do tại sao khối lượng gọi thầu của Kho bạc Nhà nước vẫn theo đúng kế hoạch, trong khi tỷ lệ trúng thầu rất thấp.
Theo các chuyên gia, lãi suất TPCP luôn được coi là thước đo về tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương các nước tăng lãi suất, kiểm soát lạm phát, thời kỳ "tiền rẻ" hỗ trợ cho kinh tế thế giới đã kết thúc. Tại Việt Nam, mức lãi suất TPCP bình quân trong năm 2021 (2,26%/năm) có thể coi là thấp nhất trong lịch sử từ khi hình thành thị trường này. Khi lãi suất TPCP tăng lên, chính là chỉ báo rõ rệt nhất cho thấy áp lực lên điều hành lãi suất của Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Dữ liệu từ thị trường trái phiếu cũng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 3,24%, cao hơn Thái Lan 0,34% trong khi thấp hơn 4,01% so với Indonesia và 1,03% so với Malaysia. Khoảng cách giữa lãi suất TPCP Việt Nam và Mỹ nới rộng ở hầu hết các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 20 năm trong tháng 6). TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, lãi suất TPCP của Việt Nam liên tục duy trì mức thấp hơn so với các nước, thậm chí thấp hơn cả TPCP Mỹ, là một hiện tượng cho thấy đang có tắc nghẽn trong sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Ông Nghĩa lý giải, nguyên nhân sâu xa do giải ngân vốn đầu tư công trong các năm gần đây đều rất chậm dù có không ít dự án quy mô lớn được khởi công, trong khi đầu tư công là nguồn đầu ra lớn và quan trọng của vốn TPCP.
Chính vì đầu tư công chậm nên Kho bạc Nhà nước không chịu áp lực phải phát hành thêm trái phiếu, chỉ phát hành mới để tái cấu trúc các khoản nợ của ngân sách, bằng cách nâng khối lượng TPCP kỳ hạn dài hơn. Thậm chí, Kho bạc Nhà nước có phát hành thành công TPCP kỳ hạn ngắn thì giải ngân chậm khiến tiền thu về không chi tiêu ngay được. Do đó Kho bạc Nhà nước những năm gần đây tập trung vào những loại trái phiếu dài hạn để cơ cấu lại nợ.
Theo các chuyên gia, lãi suất TPCP nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới, bởi theo thông lệ thì áp lực giải ngân vốn đầu tư công thường tập trung vào các tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 35% kế hoạch cả năm. Với quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, áp lực huy động vốn sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình thu ngân sách được dự báo sẽ kém thuận lợi hơn trong các tháng cuối năm do một số chính sách hỗ trợ nền kinh tế, giảm thuế đối với xăng dầu vừa được áp dụng, cũng sẽ làm tăng áp lực huy động vốn ngân sách qua kênh TPCP.
Thời báo ngân hàng