MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Trung Quốc chỉ có một vài ca tử vong do COVID-19 sau khi nới lỏng?

29-12-2022 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Việc Trung Quốc bỏ công bố số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong chỉ đếm trên đầu ngón tay những ngày qua càng khiến nhiều nước lo ngại về làn sóng bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc sau khi "mở cửa" với thế giới.

Vì sao Trung Quốc chỉ có một vài ca tử vong do COVID-19 sau khi nới lỏng? - Ảnh 1.

Trung Quốc từ đầu dịch đến nay chỉ có 5.246 ca tử vong do COVID-19. Trong ảnh: bên trong phòng cấp cứu một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Ngày 29-12, Trung tâm Phòng chống dịch Trung Quốc cho biết chỉ ghi nhận 1 ca tử vong trong 24 giờ qua, giảm so với 3 ca tử vong vào ngày trước đó.

Trong vòng 7 ngày tính tới ngày 29-12, Trung Quốc ghi nhận 5 ca tử vong do COVID-19, gồm 1 ca ngày 28-12, 3 ca ngày 27-12 và 1 ca ngày 26-12. Tuy nhiên, các nước khác và nhiều nhà dịch tễ học tin rằng con số tử vong ở Trung Quốc có thể cao hơn nhiều.

Như vậy, Trung Quốc từ đầu dịch đến nay chỉ có 5.246 ca tử vong do COVID-19 , thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Theo quan chức y tế Trung Quốc, nước này chỉ tính các trường hợp tử vong do viêm phổi hoặc suy hô hấp vào số người chết chính thức do COVID-19. Hãng tin AP dẫn lời trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện số 1 của Đại học Bắc Kinh Wang Guiqiang cho biết những ca tử vong ở các bệnh nhân có bệnh nền không được tính là tử vong do COVID-19. Quan chức này giải thích việc điều chỉnh là do biến thể Omicron hiện không còn gây nguy hiểm như trước.

Đây là quy định hẹp hơn hầu hết các nước. Chẳng hạn tại Mỹ, bất kỳ trường hợp nào mà COVID-19 là một yếu tố hoặc góp phần gây tử vong đều được tính là một trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.

“Những người tử vong do COVID-19 vì suy nhiều hệ cơ quan khác nhau, theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì vậy, việc giới hạn chẩn đoán tử vong do COVID-19 đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và suy hô hấp sẽ không đánh giá đúng về số người chết thực sự liên quan đến COVID-19", ông Mike Ryan, người phụ trách các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói.

Tháng trước, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho biết 33% trường hợp tử vong liên quan đến Omicron từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022 tại một bệnh viện lớn là do các nguyên nhân khác ngoài viêm phổi.

Và dù với cách xác định trường hợp tử vong do COVID-19 hẹp như vậy, các chuyên gia y tế cho rằng con số tử vong được công bố mỗi ngày là vô cùng thấp, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang mở cửa trở lại sau gần 3 năm chống dịch và một số chuyên gia dự đoán số ca nhiễm ở nước này có thể lên đến hàng triệu.

Theo ông Ben Cowling - một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Hong Kong, số ca tử vong chính thức ít cũng là do “hiện tại có rất ít xét nghiệm được thực hiện” khi Trung Quốc bãi bỏ quy định xét nghiệm.

Vì sao Trung Quốc chỉ có một vài ca tử vong do COVID-19 sau khi nới lỏng? - Ảnh 2.

Một phòng khám sốt dã chiến ở tỉnh Phúc Kiến ngày 28-12 - Ảnh: REUTERS

Một trong những điều khiến giới chuyên gia lo ngại là cách Trung Quốc xác định ca tử vong do COVID-19 khiến nhiều người không biết tìm sự hỗ trợ y tế khi gặp các biến chứng liên quan như đau tim, suy thận... có thể làm tăng khả năng tử vong ở người mắc COVID-19.

Trước nguy cơ du khách Trung Quốc đổ xô đi du lịch, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản và Đài Loan cho biết họ sẽ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc. Vương quốc Anh cũng đang xem xét một động thái tương tự.

"Chúng tôi chỉ có thông tin hạn chế về những gì được chia sẻ liên quan đến số ca bệnh đang gia tăng, số ca nhập viện và đặc biệt là số ca tử vong. Ngoài ra, số lượng xét nghiệm trên khắp Trung Quốc cũng giảm nên khó biết được tỉ lệ lây nhiễm thực sự là bao nhiêu", Hãng tin Reuters ngày 29-12 dẫn lời một quan chức Mỹ nói.

Trung Quốc đến nay vẫn bác bỏ những chỉ trích về số liệu thống kê COVID-19 của nước này, cho rằng đây là những nỗ lực vô căn cứ và có động cơ chính trị nhằm bôi nhọ Bắc Kinh. Trung Quốc cũng nói rằng có thể có các biến thể trong tương lai nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Trong tuần này, các quan chức Trung Quốc khẳng định Omicron vẫn là chủng chiếm ưu thế trong nước.

Theo Trần Phương

Tuổi trẻ

Trở lên trên