MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Trung Quốc ngày càng "khát" vàng?

31-01-2022 - 09:36 AM | Tài chính quốc tế

Vì sao Trung Quốc ngày càng "khát" vàng?

Năm 2021, Trung Quốc tiêu thụ tới 1.000 tấn vàng, chủ yếu là dành cho nhu cầu mua sắm trang sức và tích luỹ.

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc hấp thụ lượng vàng khổng lồ. Theo thống kê của Kitco, nhập khẩu ròng từ Trung Quốc thông qua Hong Kong tính đến tháng 12/2021 đạt 334,1 tấn, cao nhất kể từ năm 2018 và tăng hơn bảy lần so với mức 40,9 tấn trong năm trước đại dịch.

Trong khi đó, Hiệp hội vàng Trung Quốc cho hay chỉ trong 9 tháng đầu năm, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và các quy chế giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ, nền kinh tế quốc gia tỷ dân vẫn tiêu thụ 813,59 tấn vàng, cao hơn 48% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm 2021, con số này sẽ đạt kỷ lục và vượt xa mốc 1.000 tấn từng được ghi nhận năm 2019.

Phần lớn vàng ở Trung Quốc phục vụ cho nhu cầu mua sắm trang sức của người dân và tích luỹ dưới dạng vàng miếng - vàng thỏi, chiếm trên 90%, trong khi lượng dùng trong công nghiệp chỉ chưa đầy 1/10. Nguồn cung trong nước chỉ đạt 234,75 tấn, giảm 26,18 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, do đó, phần lớn lượng vàng tiêu thụ có nguồn gốc từ Thuỵ Sĩ.

Nhờ Trung Quốc, Thuỵ Sĩ đã có một năm bán hàng thành công cho thị trường châu Á khi ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao kỷ lục kể từ năm 2018. Lượng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng lên 507 tấn từ mức 148 tấn năm 2020, trong khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 50%. Xu hướng này khác hẳn với Mỹ và châu Âu, khi lượng xuất khẩu sang Mỹ từ 508 tấn năm 2020 giảm còn vỏn vẹn 113 tấn, riêng với Anh là 76 tấn từ mức 130 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc theo số liệu công bố của Hội đồng vàng Thế giới là 1.948 tấn, nhưng con số thực tế trong cư dân được cho là lớn hơn hàng chục lần. Tuy nhiên, tính riêng phần của Chính quyền Bắc Kinh cũng cho thấy mức dự trữ lớn đáng kể. Vậy tại sao Trung Quốc lại tích trữ nhiều vàng đến thế?

Theo các chuyên gia, đây chẳng phải bí mật gì lớn. Trung Quốc không giấu tham vọng đưa đồng nhân dân tệ thay thế USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế có sức mạnh lớn nhất. Muốn thế, quốc gia này cần có đủ số vàng dự trữ để đảm bảo giá trị của đồng nội tệ. Thậm chí, vai trò này còn được hỗ trợ bởi loại tiền kỹ thuật số e-CNY mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát triển và sẽ được chính thức giới thiệu tại thế vận hội mùa đông Bắc Kinh tháng 2/2022.

Theo Trần Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên