Vì sao tỷ giá USD/VND rơi sâu?
Tỷ giá USD/VND liên tục rơi sâu trên các thị trường trong khoảng một tháng qua.
Ngày 18/6, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại phổ biến quanh 23.290 VND. Nếu so với đợt biến động hồi tháng 3/2020, người gom mua USD ở Việt Nam đã "đứt tay" gần 2% chỉ sau hơn hai tháng.
Ở một kênh phi chính thức, nếu người mua mua được ở thị trường tự do, giá mua USD thậm chí còn "rẻ" hơn mua tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Trên biểu niêm yết của các NHTM, giá USD đã gần trở lại vạch xuất phát đầu năm. Còn so với đỉnh đợt biến động hồi tháng 3, mức giảm đã gần 2%, tập trung trong khoảng một tháng gần đây.
Vậy vì sao tỷ giá USD/VND rơi sâu vậy?
Trước hết, về cân đối cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, nguồn cung USD trở nên dồi dào suốt 5 quý vừa qua.
Trong năm 2019, cán cân tổng thể thặng dư kéo dài quy mô lớn: quý I thặng dư 7,21 tỷ USD, quý II thặng dư 1,93 tỷ, quý III thặng dư 4,85 tỷ và quý IV thặng dư tới 9,26 tỷ USD. Nối tiếp sang quý I/2020, thặng dư khá cao với 3,116 tỷ USD.
Nhìn lại, với thông tin Thống đốc Lê Minh Hưng từng đưa ra, năm 2019 Ngân hàng Nhà nước mua ròng khoảng 20 tỷ USD. Với trạng thái thặng dư lớn nói trên, vẫn còn phần dôi dư trên thị trường mà đầu mối này chưa mua hết, khá lớn với khoảng hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, thống kê cán cân tổng thể thường đi cùng khoản mục lỗi và sai sót; kinh tế ngầm tại Việt Nam khó lượng hóa cụ thể. Theo đó, lượng ngoại tệ từng găm giữ trong dân cư chuyển đổi là một ẩn số.
Ở lượng găm giữ này, nếu theo cách giữ hoặc gửi ngoại tệ thông thường, kết quả sinh lời rất hạn chế trong hai năm qua, thậm chí thiệt với mức độ rơi sâu của tỷ giá nói trên. Trong khi đó, nếu chuyển đổi sang VND gửi ngân hàng, mức độ sinh lợi lớn hơn nhiều.
Theo đó, nguồn cung ngoại tệ từ chuyển đổi trong dân cư là một yếu tố tạo cung và góp phần tác động đến tỷ giá.
Cùng đó, có những yếu tố khác cộng hưởng, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Trước hết, diễn biến của tỷ giá USD/VND bắt đầu có "đứt gãy" khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chuỗi giảm lãi suất và đưa lãi suất USD về gần 0%. Trong nước, trần lãi suất tiền gửi USD vẫn giữ nguyên 0%.
Như vậy, cân đối lãi suất giữa VND với USD trở nên rất lớn. Người gửi VND được lãi suất lên tới quanh 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng; hoặc quanh 6%/năm các kỳ hạn ngắn. Điểm chung, lãi suất VND vẫn vượt trội so với lãi suất USD 0%. Cân đối này tác động chính yếu đến tỷ giá USD/VND.
Ngoài ra, về nguồn cung, cán cân thương mại Việt Nam một vài thời điểm có thâm hụt ngắn hạn, nhưng tổng thể lũy kế qua các tháng đầu năm đều thặng dư đáng kể. Đây là một yếu tố tạo cung thuận lợi, cung lớn thì thường giá giảm.
Nhìn ra bên ngoài, cùng với chính sách lãi suất gần 0% của Fed, một tháng gần đây đồng USD, qua chỉ số USD-Index, cũng liên tục giảm sâu. Từ mốc quanh 100 điểm, hiện chỉ số này chỉ còn quanh 97 điểm. Mức giảm gần 3% đối với một đồng tiền chỉ trong khoảng một tháng như vậy là rất lớn.
Còn với Việt Nam, tỷ giá USD/VND giảm sâu, VND lên giá mạnh, một điểm được nhìn sang: xuất khẩu thêm bất lợi khi dịch Covid-19 đang gây khó khăn.
BizLive