Vì sao vấn nạn cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo vẫn hoành hành?
Hàng trăm nghìn thuê bao, hàng triệu SIM không chính chủ bị xử lý nhưng vì sao tình trạng cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo chưa giảm mà còn biến tướng tinh vi hơn?
- 19-08-2023Nhờ AI phác họa, cộng đồng thỏa sức chiêm ngưỡng dung nhan kiệt xuất của dàn mỹ nhân Conan
- 19-08-2023Xin ý kiến thêm về việc đổi tên "thẻ căn cước công dân" thành "thẻ căn cước"
- 19-08-2023Đến hacker cũng bị 'nghiệp quật' bởi mã độc của các hacker cao thủ khác
Vì sao vấn nạn cuộc gọi rác quảng cáo, lừa đảo vẫn hoành hành- - VTV.VN
Dù khóa 2,5 triệu SIM, vẫn dễ dàng mua SIM mà không phải đăng ký
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin chính chủ với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác.
Những tưởng chiến dịch rầm rộ này sẽ mở ra một môi trường viễn thông lành mạnh hơn, nhưng người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái và cả những cuộc gọi lừa đảo. Một trong những lý do chính là việc mua SIM rác vẫn còn rất dễ dàng, cả từ các cửa hàng và trên mạng xã hội.
Tại một tuyến phố ở Hà Nội chuyên bán SIM điện thoại, tháng 3 năm nay, phóng viên VTV có thể dễ dàng mua SIM đã kích hoạt sẵn ở đây mà không phải xuất trình giấy tờ, căn cước công dân. Cửa hàng đã bị xử phạt và thu hồi SIM vi phạm. Giờ đây, sau 5 tháng, sau nhiều nỗ lực chuẩn hóa thông tin thuê bao và thanh tra toàn quốc để loại bỏ SIM rác, việc mua SIM vẫn hoàn toàn dễ dàng như vậy.
Việc mua SIM vẫn hoàn toàn dễ dàng
Khi tải ứng dụng của nhà mạng về máy điện thoại để kiểm tra thông tin, thì đây là SIM đã được kích hoạt sẵn. Không chỉ mua SIM dễ dàng ở nhiều cửa hàng, SIM còn được bán trực tiếp tràn lan trên các nền tảng như Tiktok, Shopee. Thậm chí có thể mua số lượng lớn hàng trăm SIM cũng không phải đăng ký giấy tờ gì.
SIM rác được bán trực tiếp tràn lan trên các nền tảng như Tiktok, Shopee
Sim rác vẫn bán tràn làn và có thể mua dễ dàng. Nên cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối.
Đề xuất không cho đại lý bán SIM
Mỗi ngày trung bình có 60.000 SIM điện thoại mới được bán ra thị trường. Khi mà người mua dễ dàng mua ở các cửa hàng bán lẻ, không ai đối soát thông tin, giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính chủ của SIM thì SIM rác vẫn tha hồ tung hoành. Đây là điều mà cơ quan quản lý cũng đã nhận ra.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Nếu vẫn còn vi phạm tình trạng đó tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất để chặn, không cho bán đối với các kênh phân phối đó nữa. Thứ hai là không cho khuyến mại tràn lan, gây ra các cuộc gọi miễn phí rất rẻ, tạo nên các cuộc gọi rác đến khách hàng".
Thực ra ngay cả khi siết SIM chính chủ, cuộc gọi rác vẫn có thể hoành hành. Vì theo quy định, mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 SIM chính chủ trên một nhà mạng viễn thông. Với năm nhà mạng, trung bình một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty dịch vụ với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để "dội bom" người dùng.
Từ năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai nhiều chiến dịch ngăn chặn cuộc gọi rác.
Nhiều chiến dịch ngăn chặn cuộc gọi rác
Gần đây bên cạnh các SIM điện thoại truyền thống, các địa chỉ IP nước ngoài cho phép tạo tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam. Đây cũng là một thách thức với các cơ quan quản lý.
Ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: "Chắc chắn chúng tôi phải tăng cường ngăn chặn. Hiện nay có những cuộc gọi chúng ta có thể từ chối ngay như có các dấu hiệu mà có dấu +, 00 của quốc tế. Thì những cuộc đó chúng ta từ chối và không nghe. Đề nghị các cơ quan quản lý về quảng cáo yêu cầu các doanh nghiệp phải thống kê,để ngăn chặn tình trạng bỏ qua quy định phải định danh và gọi điện đến làm phiền khách hàng".
Trong đợt thanh tra vừa qua, bước đầu cơ quan chức năng đã khóa 5,2 triệu SIM của các cá nhân sở hữu trên 10 SIM điện thoại. Cục viễn thông cũng cho biết đến hết tháng 8 sẽ hoàn thành việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn sẽ chỉ bắt cóc bỏ đĩa nếu những SIM rác mới cứ tiếp tục được sinh ra do những lỗ hổng. Trong bối cảnh số vụ lửa đào trực tuyến nửa đầu năm nay tăng gần 65% so với cùng kỳ thì cần những giải pháp căn cơ hơn nữa, thay vì chỉ khóa cuộc gọi hay phạt hành chính với các SIM rác, cuộc gọi rác.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam.
VTV