Vì sao vàng SJC 'một mình một chợ', giá tăng cao vô lý?
Trong khi giá vàng thế giới lao dốc, hiện ở vùng thấp nhất kể từ giữa tháng 3 tới nay, thì vàng miếng SJC vẫn neo cao. Chênh lệch lên tới 15 triệu đồng. Chuyên gia cho rằng, giá vàng SJC chấm dứt cảnh "một mình một chợ", cao vô lý, nếu thị trường xóa bỏ tình trạng độc quyền.
- 03-10-2023Giá vàng nhẫn lao dốc không phanh, “bốc hơi” tiếp nửa triệu đồng/lượng
- 02-10-2023Sắp có biện pháp xử lý giá vàng ‘một mình một chợ’
- 01-10-2023Giá Vàng, USD trụ vững trên 'đỉnh'
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa Nghị định 24 về điều kiện kinh doanh vàng trong thời gian tới. Cơ quan này vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến cho rằng, cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng khiến tồn tại chênh lệch giá vàng miếng SJC và và quốc tế, duy trì lâu dài có thể tạo tác động bất lợi. Để tạo điều kiện cho thị trường vàng trang sức mỹ nghệ Việt Nam phát triển, có ý kiến đề xuất coi đây là hàng hóa thông thường, không quy định điều kiện kinh doanh.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Các đại biểu cũng thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Giới phân tích cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần sửa Nghị định 24, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu.
Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết từ năm 2012 đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Việc này khiến đầu vào của thị trường bị nghẽn lại, đẩy giá vàng trong nước lên cao, có thời điểm chênh tới 20 triệu đồng/lượng so với thế giới. Ngân hàng Nhà nước nên cho một số nhà kinh doanh vàng uy tín, có tiềm lực tài chính nhập khẩu vàng.
Ông Hiếu cho rằng, thị trường trong nước cần có sàn giao dịch vàng, tương tự với các kim loại khác như đồng, chì, kẽm. Có sàn giao dịch, thông tin thị trường, bên mua, bán sẽ trở nên minh bạch. Sàn nên giao Ngân hàng Nhà nước làm cơ quan chủ quản.
Về điều kiện kinh doanh, ông Hiếu nêu quan điểm nên giữ nguyên như hiện nay. Ở nhiều nền kinh tế, dù có giá cao, nhưng vàng chỉ như sản phẩm kim loại khác, có cung cầu thị trường điều chỉnh. Nhưng tại Việt Nam, người dân có thói quen tích trữ, thêm vào đó là rủi ro buôn lậu đầu cơ, việc áp dụng điều kiện kinh doanh là cần thiết.
Trong khi đó, góp ý với Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho Dự thảo Báo cáo rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng n ên bỏ vàng trang sức khỏi mục kinh doanh có điều kiện.
Kinh doanh vàng được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Trong ngành nghề này có kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ là ngành có điều kiện. Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng, như các loại vàng khác trong cùng nhóm kinh doanh vàng.
"Bản thân các điều kiện kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này", VCCI cho biết.
Thời gian qua, trong quá trình thực thi Nghị định 24, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tiền phong