MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao VCCI kiến nghị giải pháp ngăn sở hữu chéo ngân hàng?

03-08-2023 - 21:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Thay vì giảm tỉ lệ sở hữu ngân hàng, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông.

Đây là một trong những góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia.

Về giới hạn tỉ lệ sở hữu, Điều 54 của dự thảo đề xuất giảm tỉ lệ sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng so với quy định hiện hành. Theo đó, tỉ lệ sở hữu tối đa của cá nhân giảm từ 5% xuống 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Sự thay đổi này, cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng.

VCCI cho rằng mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỉ lệ sở hữu tối đa dường như không phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.

Vì sao VCCI kiến nghị giải pháp ngăn sở hữu chéo ngân hàng? - Ảnh 1.

Theo VCCI, tỉ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Ảnh: Bình An

Lập luận của VCCI, tỉ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như tại Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống.

"Như vậy, dường như quy định về tỉ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7-2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng" - VCCI nêu rõ.

Trong khi đó, tỉ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Bởi tỉ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng.

Ngược lại, tỉ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi đó, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Việc thay đổi pháp luật theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp.

Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng, thay vì giảm tỉ lệ sở hữu, đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông. Trong trường hợp vẫn quy định giảm tỉ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực…

Với quy định ở Điều 34.2 của dự thảo có quy định hạn chế thành viên hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không đồng thời là người quản lý, điều hành doanh nghiệp khác. VCCI cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở việc kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp khác mà thành viên hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp mà thành viên hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên