Vì sao vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ sụt giảm thấp nhất trong lịch sử?
Số liệu mới nhất của Gallup Poll, chỉ 30% số người được hỏi tin tưởng vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.
- 14-04-2018Nóng: Mỹ kết thúc chiến dịch không kích chớp nhoáng Syria
- 14-04-2018Nóng: Tổng thống Donald Trump vừa ra lệnh không kích Syria
- 13-04-2018Warren Buffett từng khuyên sinh viên không vay nợ như Donald Trump
Sau hơn 1 năm tại vị từ tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đạt mức xếp hạng thấp nhất về vai trò lãnh đạo toàn cầu theo kết quả của các điều tra công chúng thực hiện ở nhiều quốc gia. Số liệu mới nhất của Gallup Poll, chỉ 30% số người được hỏi tin tưởng vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.
Ngược lại, Tổng thống Barack Obama đạt kết quả đánh giá khả quan với 48%. Thậm chí như Tổng thống George W. Bush, người luôn bị chỉ trích bởi cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq còn được đánh giá cao hơn Tổng thống Trump ở 34%.
Ảnh: Dan Anderson/ZUMA
Các nhà lãnh đạo, người dân và các chuyên gia các nước – gọi chung là những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá– đã hoàn toàn đúng khi cho rằng Tổng thống Trump đã thất bại trong vai trò là nhà lãnh đạo toàn cầu:
Ông đã sai lầm khi tìm cách phá bỏ trật tự của một thế giới tự do trên nền tảng của các quy tắc để thực hiện cái gọi là "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" bằng cách đặt "Nước Mỹ là trên hết". Ông đang phá bỏ vai trò truyền thống của nước Mỹ bằng việc rút lui khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế, bỏ rơi các thoả thuận thương mại đa phương, đe doạ những "đối tác xấu chơi", yêu cầu các quốc gia đồng minh phải tự lo, từ chối bảo vệ quyền tự do và nhân quyền, và kết giao với những nhà độc tài.
Nhiều người còn ghét cay ghét đắng phong cách cá nhân của ông chủ Nhà Trắng, cho rằng ông là người thiếu dân chủ, không nắm được đầy đủ thông tin, thiếu nhạy cảm, mâu thuẫn, thích gây gổ, nhỏ mọn...; và thêm nữa ông còn bị mệnh danh là một người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, phân biệt chủng tộc, kỳ thị phụ nữ, theo khuynh hướng "da trắng thượng tôn". Theo kết quả khảo sát mới đây, một nửa người dân Mỹ cho rằng ông Trump đang có vấn đề tâm thần.
Người đứng đầu nước Mỹ sử dụng Twitter làm công cụ chính để truyền thông về các chính sách công và là một phương tiện để công kích cá nhân – điều chưa từng có tiền lệ. Mới đây nhất là việc Tổng thống tuyên bố sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson qua Twitter.
Rất nhiều người cho rằng ông Trump là một người lãnh đạo kém cỏi và mong muốn nhìn thấy ông "về vườn". Đánh giá chưa từng có tiền lệ này về Tổng thống Mỹ, khiến chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn. Tôi sử dụng góc nhìn của ông Trump để đối chiếu với nhận định của những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá. Xin nói rõ là tôi không đồng ý với phong cách lãnh đạo của Tổng thống Trump và rất thắc mắc về nhiều chính sách của ông đưa ra.
Cách thứ nhất để hiểu nội dung của các kết quả khảo sát toàn cầu về Tổng thống Trump là những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá đơn giản là không thích ông.
Bản thân ông Trump có lẽ sẽ không phản đối điều này, thậm chí còn có vẻ chả quan tâm. Có chăng là ông ấy còn cố tình khiêu khích để bị ghét thêm nữa. Bất kì bình luận viên nào cũng phải rất dũng cảm mới có thể bao biện được cho cách hành xử không tế nhị của vị Tổng thống này. Vậy nên tốt nhất hãy cứ coi như đây là một điểm trừ về tính cách của ông chủ Nhà Trắng chứ không nên cố tìm cách để minh giải.
Cách thứ hai để nhìn nhận các cuộc khảo sát này là những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá, ngoại trừ một số, không thích các chính sách đối ngoại của ông Trump. Các chính sách này hoàn toàn đi ngược lại những gì thế giới trông đợi từ nước Mỹ - nên kết quả đánh giá luôn thấp.
Ảnh: Reuters
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew và Gallup Pool, quốc tế không chấp nhận các động thái chính sách đối ngoại của đương kim Tổng thống Mỹ, đặc biệt là nỗ lực xoá bỏ thoả thuận hạt nhân Iran, lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân của một số nước Hồi giáo, rút khỏi Hiệp ước Biến đổi khí hậu cũng như một số thoả thuận thương mại, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, xây dựng bức tường ngăn người nhập cảnh trái phép từ Mexico và các nước Latin, không cho người tị nạn Syria vào Mỹ, và công khai chê bai lãnh đạo, đất nước và người dân của các nước đồng minh. Thêm vào đó là động thái áp thuế nhập khẩu lên hầu hết các quốc gia.
Ngoài lý do các chính sách này đi ngược lại trật tự của thế giới tự do, tại sao những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy? Hầu hết tất cả các quyết định chính sách của ông Trump đều phù hợp với các quan điểm chính sách hiện thời của phe Cộng hoà bảo thủ, và với bất kỳ vấn đề nào thì cũng luôn có một nửa số người dân Mỹ đồng ý với ông.
Và với những thành công của một số chính sách gần đây, phe đối lập với Tổng thống trong đảng Cộng hoà đang ủng hộ ông bởi ông là người thắng thế, chứ không phải vì họ đồng ý với ông. Hệ thống quản trị của chính phủ Mỹ không dựa trên nguyên tắc. Hiện nay, các đảng chính trị lúc nào cũng gằm ghè với nhau trong mọi vấn đề chính sách.
Hơn nữa, việc quản trị tại Mỹ vẫn trong tình trạng rối ren từ nhiều thập kỷ nay: Các thể chế mục rỗng, hệ thống chính trị bế tắc, các thế lực mâu thuẫn rộng rãi, tất cả mọi vấn đề đều bị chính trị hoá, nhiều người cảm thấy bị tụt hậu. Nhìn theo cách của ông Trump thì đây chính là những lý do vì sao người dân Mỹ bỏ phiếu cho ông.
Quan điểm của những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá về năng lực lãnh đạo toàn cầu của ông Trump chắc chắn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, mặc dù các chính sách của Tổng thống thường nhận được sự ủng hộ của một số nghị sỹ Cộng hoà và những cử tri ủng hộ ông nhưng vẫn bị một số nghị sỹ Cộng hoà khác phản đối gay gắt. Cùng với đó là phe dân chủ và đại cử tri đảng Dân chủ.
Phe phản đối, vẫn thường được nhắc đến dưới cái tên "Phe Kháng cự" - điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Hiện tượng này bắt nguồn từ phe đối kháng tại Quốc hội, tại toà án, các cơ quan quản lý hành chính, FBI, CIA, các nhóm vận động chính sách, những kẻ kích động cực đoan, các phong trào chính trị/xã hội, giới tinh hoa chính trị và có thể bao gồm cả những nhân viên Nhà Trắng của ông Trump.
Phe Kháng cự bắt đầu bằng việc cố gắng vô hiệu hoá kỳ bầu cử của ông Trump, sau khi nỗ lực đó không thành thì họ rắp tâm khiến tân Tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ của mình bằng cách khiến ông bù đầu với các vụ điều tra tội phạm, các vụ lùm xùm cá nhân và chính trị, và các hoạt động cản trở mà hiện giờ là những nỗ lực để luận tội phế truất Tổng thống. Ông Trump dường như còn đổ thêm dầu vào lửa bằng việc hành xử ngày càng cực đoan hơn.
Thứ hai, việc tấn công Tổng thống được chính truyền thông trợ giúp và tiếp tay. Tháng 5/2017, Trung tâm Shorenstein của ĐH Harvard tổng kết các bài báo tiêu cực về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump.
Khoảng 80% nội dung về ông Trump trên các báo chính thống là tin tiêu cực, so với con số 41% đối với 100 ngày tại vị đầu tiên của Tổng thống Obama. Đối với các cơ quan truyền thông lớn – CNN, NBC, CBS, New York Times và Washington Post—thì số liệu tổng kết được ghi nhận từ 83-93% nội dung tiêu cực. Thậm chí cả đồng minh truyền thông của ông Trump là FoxNews thì kết quả cũng là 52%.
Ảnh: Reuters
Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng báo chí chính thống đã "đánh" các chính sách của ông một cách thiếu công bằng. Đơn giản là báo chí không thích các chính sách của ông bởi như đã đề cập ở trên, những chính sách này đi ngược lại trật tự của thế giới.
Tuy nhiên, từ góc độ của ông Trump có thể thấy là: với những chính sách khó có thể phê phán được thì báo chí lại quay ngược sử dụng chiến lược nguỵ biện công kích cá nhân để tấn công ông Trump. Khi làm như vậy, báo chí sẽ không phản ánh được chính xác các vấn đề.
Không chỉ báo chí Mỹ mà cả truyền thông quốc tế cũng chống lại ông chủ Nhà Trắng. Truy cập vào các trang BBC, Deutsche Welle, hoặc ABC (Australia Broadcasting Corporation) thì sẽ thấy ngay hình ảnh phản chiếu của những tin bài và bình luận về Tổng thống Mỹ.
Nếu những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá tiếp nhận thông tin chính trị về ông Trump từ những nguồn này thì họ sẽ khiến những người ủng hộ ông Trump băn khoăn về việc làm sao mà những người này có thể có cái nhìn khách quan.
Thứ ba, ông Trump đã tập hợp một giàn lãnh đạo cấp cao đều là những nhân vật cực đoan, cấp tiến và có tư tưởng bảo thủ; những người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại; những người không có tinh thần hợp tác; và dường như tất cả những người đó đều đang đeo đuổi những kế hoạch không cùng đường hướng với Tổng thống.
Ông chủ nhà Trắng đã bổ nhiệm con rể của mình làm Trưởng đoàn đàm phán để hoà giải xung đột Israel-Palestine. Jared Kushner không những không có kinh nghiệm gì về quan hệ quốc tế mà còn không được hưởng quyền miễn trừ an ninh ở cấp độ cho phép ông ta tiếp cận các tài liệu và thông tin mật cần thiết.
Thứ tư, Tổng thống Barack Obama là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá đúng theo những trông đợi của cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, chính phương thức lãnh đạo toàn cầu và các chính sách đối ngoại của cựu Tống thống Mỹ là căn nguyên cho thành công của ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống.
Đánh giá Tổng thống Obama từ góc nhìn của Tổng thống Trump…
Tổng thống Obama đã thay đổi đáng kể vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Chính sách đối ngoại của ông Obama phù hợp tuyệt đối với những quan điểm hiện nay của những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá về hấu hết các vấn đề. Và phương thức lãnh đạo của ông Obama đã giành được sự ủng hộ khắp thế giới.
Về cơ bản, ông đã nhường lại vị thế lãnh đạo của nước Mỹ cho cộng đồng quốc tế. Tổng thống Obama hiển nhiên là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá.
Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama đã tuyên bố từ giờ nước Mỹ sẽ "lãnh đạo từ phía sau". Nước Mỹ từ bỏ chủ quyền lãnh đạo để việc đưa ra quyết định được thực hiện thông qua các tổ chức đa phương và quốc tế. Ông Obama đã đặt bút ký kết Thoả thuận vũ khí hạt nhân Iran và Hiệp ước khí hậu Paris mà không thông qua Quốc hội.
Tổng thống Obama thực hiện chiến lược gọi là "quyền lực mềm"- tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và chỉ sử dụng hành động quân sự như một giải pháp cuối cùng. Ông đã cắt giảm quy mô và năng lực quân sự của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục. Ông từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến Syria và hậu quả là cuộc chiến đó đã kéo dài suốt 8 năm khiến 4,000 người thiệt mang và hàng triệu người đang phải tị nạn tại các nước châu Âu.
Ông Obama lựa chọn giải pháp "Sự kiên trì chiến lược" – chờ đợi để xem các cuộc khủng hoảng có tự xử lý được không. Và ông đã dành 8 năm để quan sát trong khi Triều Tiên đã phát triển xong các loại vũ khí hạt nhân để đe doạ nước Mỹ mà không làm gì để ngăn chặn việc triển khai.
Ông Obama đã sắp xếp lại sự cân bằng quyền lực hiện thời tại Trung Đông khiến nước Mỹ ngày càng sa lầy ở khu vực này. Ông đã từ bỏ các mối quan hệ liên minh truyền thống với Ả Rập Xê Út và các nước đồng minh cùng với Israel, thúc đẩy sự hình thành của khối quyền lực Iran-Nga-Syria.
Chưa hết, chính ông Obama đã chuyển giao Iraq cho Iran và Nga sau khi Mỹ thiệt hại 4,500 quân và 2.4 nghìn tỷ đô la từ năm 2003-2011, chỉ có ông Obma mới làm như vậy.
Ông Obama tránh đối đầu bằng bất cứ giá nào. Trong cuộc họp với người đồng nhiệm Vladimir Putin về việc Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử của hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton, thông tin cho biết ông Obama chỉ yêu cầu ông Putin "hãy dừng việc đó lại", mà không có hình thức trừng phạt nào đối với quốc gia này.
Tổng thống Obama đã lấy lòng lãnh đạo các quốc gia khác bằng việc đưa ra những nhượng bộ đặc biệt để để đội lại những lợi ích không đáng kể. Ông đã xoá bỏ trừng phạt kinh tế đối với quân đội Junta của nước này mà không cần có một đảm bảo nào về việc khôi phục dân chủ.
Trong hai năm tranh cử từ 2015-2017, ông Trump dường như đã hiểu rằng phương thức lãnh đạo toàn cầu và các chính sách chiến lược của ông Obama không được người dân Mỹ ủng hộ, trái với những phản ánh trên báo chí chính thống.
Phong cách lãnh đạo toàn cầu và các chính sách của ông Trump rất dễ hiểu: làm ngược lại tất cả những gì ông Obama đã làm. Điều này không có gì lạ: chỉ cần nhớ lại rằng chính ông Obama đã không ngần ngại đổ lỗi cho người tiền nhiệm của mình là Tổng thống Bush bất kỳ khi nào chính sách của ông thất bại.
(Còn tiếp...)
* For English version, click here.
* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.
Trí thức trẻ