Vì sao Việt Nam không có lợi ích rõ rệt từ việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và ASEAN +?
Liệu Việt Nam đã thực sự được hưởng lợi từ việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sau 8 tháng chính thức hình thành cộng đồng này?
- 21-08-2016“Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm”
- 20-08-2016Thủy sản: Không thể đi ‘dép lê’ để hội nhập
- 29-07-2016Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu hội nhập là gì làm sao có chuyện tận dụng được cơ hội!
- 23-07-2016Thách thức hội nhập AEC chuyện cũ chờ hướng đi mới
- 07-07-2016Nhiều rủi ro cho ngành bán lẻ Việt Nam trong hội nhập
Đó là một trong những vấn đề được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đưa ra khi chủ trì phiên họp đánh giá công tác hội nhập kinh tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới vừa diễn ra.
Trước khi tham dự phiên họp này, Phó Thủ tướng cho biết đã "đặt hàng" Tổng cục Thống kê về số liệu thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Đây là một trong những cơ sở để đánh giá lại kết quả tham gia Cộng đồng AEC nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung của Việt Nam.
Lo ngại Việt Nam thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa trong khu vực
Theo đó, Phó Thủ tướng đã cung cấp số liệu về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khối ASEAN sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2016 tới nay. Số liệu được cập nhật tới tháng 7/2016 cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước ASEAN là 22,8 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN là 9,582 tỷ USD, giảm 12,3%, nhập khẩu từ ASEAN sang Việt Nam là 13,215 tỷ USD, giảm 5,1%. Cân đối thương mại hai bên thì Việt Nam nhập 3,633 tỷ USD trong 7 tháng đầu nam nay từ các nước ASEAN còn lại, trong đó nhập siêu lớn nhất là từ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việt Nam chỉ thặng dự với Lào, Campuchia, Myanma khoảng vài chục triệu USD.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: "Số liệu tôi nêu như thế là nhất thời hay xu hướng, cần đề xuất giải pháp thế nào để có kiến nghị về mặt chính sách?" và chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ, rủi ro là trở thành vũng trũng tiêu thụ hàng hóa trong khu vực.
Phó Thủ tướng dẫn chứng cụ thể: "Trong lĩnh vực ô tô, Thái Lan đang nổi lên soán ngôi đầu từ Hàn Quốc, Trung Quốc về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam". Từ đó, ông Huệ yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo nêu ý kiến cần phải làm gì để không bị rơi vào vùng trũng tiêu thụ hàng hóa từ các nước ASEAN.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế những thỏa thuận trong khuôn khổ các thị trường ASEAN hay ASEAN+ không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam vì phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với Việt Nam.
Hàng hóa kém cạnh tranh, người lao động kém năng lực: Đáng lo?
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thì chưa biết nắm bắt cơ hội trong hội nhập, khi tập quán làm ăn của doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu là bán hàng tại cầu cảng, không quan tâm đến việc cắt giảm thuế thị trường trong nước, phó mặc cho thương nhân làm trung gian. Ông Khánh cũng nêu việc kinh doanh dựa theo quan hệ nhiều hơn đã không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Sự thiếu chuẩn bị của các doanh nghiệp khi tham gia vào hội nhập đang đang ra nhiều lo ngại cho các thành viên trong Ban chỉ đạo. Một khảo sát vừa được Tổng cục Thống kê về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam cho thấy, mặc dù có tới 94,5% doanh nghiệp nói có biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với từng hiệp định thì số lượng doanh nghiệp không biết đến khá nhiều, đơn cử như với Cộng đồng kinh tế ASEAN có tới 16,2% không biết; Hiệp định TPP có gần 17%; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản là 33,2%; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu là 35,9%; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc là 37,3%.
Không những thiếu chuẩn bị trong hội nhập khiến hàng hóa Việt Nam kém sức cạnh tranh, mà lao động Việt Nam cũng có nhiều hạn chế. Theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cộng đồng AEC cho phép 12 ngành nghề lao động được dịch chuyển tự do trong nội khối.
Tuy nhiên, nếu như các nước chuẩn bị khá tốt, có nhiều ưu thế hơn hẳn lao động Việt Nam về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, công nghiệp, tính chủ động và sẵn sàng di chuyển thì lao động Việt Nam không có tính chủ động này và chưa tận dụng được cơ hội.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới cần xây dựng báo cáo riêng về các hiệp định; soạn cẩm nang tích hợp các FTA; phối hợp cơ quan truyền thông để thông tin; kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập, các chuyên gia tư vấn… để hỗ trợ doanh nghiệp.