Vì sao Vietcombank cô đơn trên đỉnh lợi nhuận?
Vietcombank tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại, tuy nhiên trên đường đua vẫn còn nhiều đối thủ đáng gờm...
- 10-01-2019Ông Nghiêm Xuân Thành: Lợi nhuận năm 2018 của Vietcombank cao kỷ lục, bằng cả ngân hàng đứng thứ 2 và thứ 3 cộng lại
- 09-01-2019Chủ tịch Vietcombank: Đã bán 3% vốn cho nước ngoài thu về 6.200 tỷ, từ hôm nay sẽ giảm 0,5% lãi suất cho vay
Vài năm trở lại đây, thị trường tài chính chứng kiến sự bứt phá và vươn lên mạnh mẽ của Vietcombank (VCB). Không chỉ về lợi nhuận, các chỉ số cơ bản khác như ROA, ROE, chất lượng tín dụng, nợ xấu và năng suất lao động bình quân của nhân viên,... Vietcombank tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Vietcombank đang cô đơn trên đỉnh lợi nhuận? Và con đường trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam vào năm 2020 như mục tiêu của nhà băng này liệu có thênh thang như họ nghĩ?
Đây là lý do Vietcombank cô đơn trên đỉnh lợi nhuận
Thứ nhất, về lịch sử hình thành, tiền thân của Vietcombank chính là Cục ngoại hối trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01/04/1963, khi đất nước còn chia cắt, dịch vụ ngân hàng còn quá xa xỉ với đại đa số người dân, Vietcombank ngay từ khi "chào đời" đã mang sứ mệnh của một ngân hàng thương mại, đặc biệt về hoạt động ngoại thương. Nhắc lại lịch sử, để thấy rằng Vietcombank có sứ mệnh rất khác biệt với các ngân hàng 100% vốn nhà nước hoặc có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn khác như Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, BIDV, hay Vietinbank. Vietcombank không phải gánh quá nhiều các "nhiệm vụ chính trị", an sinh xã hội như các ngân hàng khác. Đó là điều kiện cần để Vietcombank tập trung toàn lực cho việc phát triển thành một ngân hàng thương mại thuần túy với tiềm lực tài chính và sự đầu tư đúng định hướng cách đây hơn 55 năm của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, như đã nói ở trên, là một ngân hàng chuyên về hoạt động thương mại quốc tế nên thật sự hiện nay Vietcombank hầu như không có đối thủ trong các hoạt động liên quan đến ngoại tệ và ngoại thương như: kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, ngoại hối,...Để dễ hình dung, chúng ta hãy nhìn lại sự kiện ThaiBev đã mua lại Sabeco với giá 5 tỷ USD. Và duy nhất chỉ có Vietcombank mới đủ tiềm lực ngoại tệ để đáp ứng cho thương vụ này. Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới từ những năm 1986 và chính thức đẩy mạnh giao thương quốc tế từ cuối thập niên 1990, nhưng Vietcombank đến nay đã có hơn nửa thế kỷ để chuẩn bị, ôm ấp khát vọng và đã chính thức trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam về mặt trận thương mại quốc tế.
Thứ ba, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng có sự ổn định trên một hành trình dài hơn 55 năm. Trong lịch sử phát triển, hàng loạt các ngân hàng TMCP trải qua các biến cố như CB Bank, ACB, DongA Bank, Sacombank, .... Thậm chí, có ngân hàng phải bị sáp nhập như Habubank, DaiA Bank, Tin Nghia Bank, FicomBank. Ngay cả ông lớn như BIDV cũng đang trải qua đại án Trần Bắc Hà. Nói như thế để thấy rằng tầm quản trị, điều hành của Vietcombank đã tạo sự ổn định có chiều sâu cho một hành trình rất dài. Chính sự ổn định về mặt quản trị và tầm nhìn đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của Vietcombank hôm nay.
Thứ tư, vấn đề có tính quyết định cho những thành tựu hôm nay của Vietcombank không thể không nhắc đến đó là vấn đề con người. Vietcombank là một trong những ngân hàng có sự ổn định nhân sự nhất trong hệ thống. Chính tiền thưởng và các chế độ cực tốt của Vietcombank đã là nơi thu hút và giữ chân nguồn nhân sự có chất lượng của ngành ngân hàng. Nếu được lựa chọn, tin rằng hầu hết sinh viên mới ra trường và kể cả những người đang làm ngân hàng vẫn ước mơ và ngước nhìn về Vietcombank.
Thật ra, lương nhân viên của Vietcombank không cao, chỉ dao động tầm 8 - 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, lương cấp lãnh đạo từ Trưởng Phòng đến Giám đốc Chi nhánh của Vietcombank còn thấp hơn các ngân hàng TMCP có quy mô tầm trung như ACB, Sacombank, Eximbank. Nhưng điều đáng nói ở đây là các ngân hàng khác ít khi thu hút được nhân viên của Vietcombank. Bởi một điều đơn giản rằng, dù lương của nhân viên không cao, nhưng các chế độ phúc lợi của Vietcombank rất tốt và tổng thu nhập hàng năm của một nhân viên nghiệp vụ tại Vietcombank không thấp hơn lãnh đạo Phòng của một Ngân hàng TMCP có quy mô trung bình trở xuống. Một nhân viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên, tùy mức độ, tùy Chi nhánh, dù với nhiều cách gọi hoa mỹ khác nhau như phụ cấp, lương kinh doanh chưa quyết toán trong năm,...nhưng tựu chung nói nôm na vẫn là nguồn thu nhập chính thống và rất đáng kể. Có thể ngân hàng ngại hai từ "tiền thưởng" để tránh những ánh mắt của dư luận. Nhưng thực tế nếu một ngân hàng kinh doanh hiệu quả, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thì việc thưởng nhiều cũng là điều hết sức bình thường.
Tóm lại, chính bởi chế độ phúc lợi và chế độ lương, thưởng tốt, Vietcombank đã giữ vững và thu hút được rất nhiều nhân sự giỏi. Và nhân sự giỏi sẽ góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh tốt. Và cứ thế, Vietcombank càng dễ phát triển các mảng kinh doanh trên nền tảng nguồn nhân sự chất lượng và ổn định.
Thứ năm, Vietcombank nhạy bén trong việc nắm bắt được xu thế của thời kỳ mở cửa giao thương. Kể từ khi gia nhập WTO vào ngày 11/01/2007, Việt Nam đã thu hút rất nhiều nguồn vốn FDI. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng góp khoảng 20% GDP cả nước. Và đó chính là điều kiện thuận lợi để một ngân hàng có thế mạnh về ngoại thương, ngoại tệ như Vietcombank nắm bắt cơ hội và tạo sự khác biệt so với phần còn lại. Hiện nay, trong số các ngân hàng Việt Nam, Vietcombank là ngân hàng uy tín nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn ngân hàng giao dịch và mở tài khoản ngoại tệ tại Việt Nam.
Nói về các nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Vietcombank sẽ không bao giờ đủ. Tuy nhiên, rõ ràng Vietcombank đang hội tụ đủ các yếu tố về "thiên thời", "địa lợi" và "nhân hòa" để trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam như tham vọng của nhà băng này vào năm 2020.
Vietcombank mạnh nhưng cần nhìn lại phía sau...
Phải nói rằng, Vietcombank đang trải qua thời kỳ thăng hoa, đang cô đơn trên đường đua lợi nhuận. Nhưng để có thể trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, vươn tầm ra thế giới, thiết nghĩ Vietcombank nên nhìn lại những tồn tại và những đối thủ phía sau.
Một là, vấn đề mạng lưới Vietcombank còn hạn chế hơn so với các ngân hàng khác như Agribank, BIDV, Vietinbank và thậm chí là ít hơn cả Sacombank. Vấn đề mạng lưới không hẳn đã quyết định đến kết quả lợi nhuận. Tuy nhiên, về lâu dài một ngân hàng muốn trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và phát triển khách hàng, cần thiết phải có một mạng lưới rộng lớn và hiệu quả hơn.
Hai là, là một ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank có thế mạnh về mức độ tin tưởng của khách hàng. Tuy nhiên, chính vì yếu tố nhà nước chiếm cổ phần chi phối nên việc tăng vốn điều lệ tại Vietcombank còn chậm. Việc vốn điều lệ không tăng kịp so với quy mô hoạt động sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động kinh doanh của Vietcombank. Đó chính là lý do vì sao trong Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2018 và năm 2019, Chủ tịch Vietcombank - Ông Nghiêm Xuân Thành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu bức thiết phải tăng vốn điều lệ cho Vietcombank.
Bốn là, sự đổi mới công nghệ tại Vietcombank thực sự chưa tương xứng với tầm vóc của vị thế ngân hàng số 1 Việt Nam trong thời đại 4.0. Thậm chí so với các ngân hàng như TPBank, Đông Á Bank thì Vietcombank vẫn còn đứng sau về công nghệ ATM, mặc dù Vietcombank vượt xa về số lượng thẻ phát hành và máy ATM.
Năm là, vấn đề nhân sự ổn định là điều kiện tốt để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, sự ổn định đó phải đặt trong điều kiện tự trau dồi và luôn đổi mới. Nếu sự ổn định mà không đổi mới trong cách làm việc thì nhân viên dễ bị sức ì, giảm sức chiến đấu trong công việc. Vietcombank trải qua hơn 1 thập kỷ thăng hoa (từ sau khi cổ phần hóa vào năm 2008), nhân viên Vietcombank quen với cuộc sống "no đủ" về thu nhập, lương thưởng luôn cao ngất ngưởng so với các ngân hàng bạn. Và thêm nữa, như đã nêu ở trên, Vietcombank chưa từng trải qua giai đoạn khó khăn thực sự, nhân viên chưa được tôi rèn trong gian khó thì đương nhiên sẽ không có kinh nghiệm và sức chịu đựng để vượt lên khi có sóng gió. Vì vậy, để hành trình vươn ra biển lớn, trở thành một ngân hàng mang tầm vóc trong Khu vực và thế giới, Vietcombank hãy tôi rèn cho nhân viên của mình một tinh thần thép.
Sáu là, mặc dù so với các ngân hàng của Việt Nam thì Vietcombank là ngân hàng Việt Nam có uy tín nhất về mặt ngoại thương. Nhưng thật sự độ phổ biến về thương hiệu của Vietcombank tại Việt Nam chưa phải là số 1. Mạng lưới Vietcombank ít, lại chủ yếu tập trung ở đô thị nên ở những vùng xa xôi, người dân chỉ biết Agribank và thậm chí là thương hiệu Sacombank còn phổ biến hơn trong suy nghĩ của người dân. Và đó là lý do mà những năm gần đây, Vietcombank luôn tích cực trong vấn đề truyền thông, đặt pano quảng cáo tại vùng nông thôn.
Bảy là, đồng ý là nhìn toàn cảnh, Vietcombank có chất lượng dịch vụ tốt. Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết của sự chuyên nghiệp về chất lượng dịch vụ, Viectombank vẫn còn những vấn đề đứng sau các ngân hàng TMCP như: việc bảo vệ dẫn dắt xe cho khách hàng, nhân viên mở cửa, rót nước mời khách hàng, việc xử lý rác tại buồng máy ATM,...của Vietcombank chưa thật sự tốt bằng các ngân hàng khác, nếu không muốn nói là cần chấn chỉnh nhiều hơn (buồng máy ATM của Vietcombank chưa không được nhặt rác kịp thời, kể cả ATM ngay trụ sở ngân hàng)...
Mặc dù Vietcombank đăng cô đơn trên đường băng lợi nhuận, nhưng nếu tính năng suất bình quân năm 2018, Vietcombank còn đứng sau Techcombank (trung bình 1 nhân viên Vietcombank tạo ra 1,05 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2018, còn năng suất của nhân viên Techcombank là 1,25 tỷ đồng). Mọi sự so sánh điều khập khiễng, tuy nhiên Vietcombank cũng cần nhìn lại về năng suất lao động của Techcombank. Ngoài ra, theo đề án của Chính phủ sẽ cổ phần hóa Agribank trong thời gian tới, với mạng lưới và vị thế thống lĩnh hệ khách hàng trong nước, Agribank hứa hẹn là một đối thủ xứng tầm với Vietcombank trên đường đua ngôi vị ngân hàng số 1 Việt Nam. Và phía sau đường đua vẫn còn đó những ngân hàng đầy tham vọng như VPBank, Techcombank,...
Trí Thức Trẻ