Vì sao VKSND TP HCM đề nghị mức án nhẹ cho ông Chu Lập Cơ?
Bị cáo Chu Lập Cơ - chồng bị cáo Trương Mỹ Lan, bị VKSND Tối cao truy tố theo khoản 3, Điều 324 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
- 04-10-2024Xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan bị đề nghị án chung thân
- 04-10-2024Công ty Liberty mới xuất hiện trong “tranh cãi” Trương Mỹ Lan – Novaland: Thêm 1 đại gia sở hữu loạt khách sạn đình đám tại Tp.HCM trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
- 03-10-2024Novaland nói không liên quan đến dự án mà bà Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỉ đồng
Ngày 4-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử giai đoạn 2 của vụ án liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM đã đưa ra các cáo buộc và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được xác định là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và chỉ đạo hành vi rửa tiền.
Đại diện VKSND TP HCM nhận định các bị cáo đã phạm tội có tổ chức, thực hiện hành vi nhiều lần và sử dụng những thủ đoạn tinh vi. Đây là các yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với họ.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thực hành quyền công tố cũng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Điển hình là bị cáo Chu Lập Cơ, người đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và xét xử, thể hiện thái độ thiện chí, nỗ lực khắc phục hậu quả của vụ án. Theo kiểm sát viên, bị cáo Cơ đã khắc phục hoàn toàn thiệt hại do hành vi của mình gây ra, với số tiền đã nộp thêm là 14 tỉ đồng.
Trên cơ sở các phân tích và lập luận này, đại diện VKSND TP HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Cơ từ 24-30 tháng tù về tội "Rửa tiền".
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, bị cáo Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quảng trường Thời Đại (Times Square), đã cùng bị cáo Trương Mỹ Lan che giấu, hợp thức hóa và sử dụng số tiền 33 tỉ đồng có được từ các hành vi phạm tội của bị cáo Lan. Số tiền này xuất phát từ các tội danh "Tham ô tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Trương Mỹ Lan thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến ngày 7-10-2022.
VKSND Tối cao truy tố bị cáo Cơ theo khoản 3, Điều 324 Bộ Luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù từ 10-15 năm.
Trong vụ án này, đại diện VKSND đã đề nghị mức án dựa trên sự phân hóa vai trò và trách nhiệm của từng bị cáo, dựa vào mức độ tham gia và phạm tội của các bị cáo.
Theo đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 8-9 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"; và 12-13 năm tù về tội "Rửa tiền".
Người bị đề nghị mức án cao thứ 2 sau bị cáo Lan trong vụ án này là bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB). Theo đó, bị cáo Hoàng bị đề nghị mức án từ 9-10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 6-7 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và 9-10 năm tù về tội "Rửa tiền"; tổng hợp mức hình phạt bị đề nghị lên tới 24-27 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Phương An (cựu phó tổng giám đốc Công ty SPG) bị đề nghị mức án từ 17-20 năm tù cho các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (11-12 năm tù); "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" (2-3 năm), "Rửa tiền" (4-5 năm tù).
Bị cáo Trịnh Quang Công (cựu tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý ACUMEN) bị đề nghị mức án từ 15-18 năm tù cho các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (7-8 năm tù); "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" (3-4 năm), "Rửa tiền" (3-6 năm tù).
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc ) bị đề nghị mức án từ 17-19 năm tù cho các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (12-13 năm tù); "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" (5-6 năm).
Bị cáo Nguyễn Hữu Hiệu (cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Square Việt Nam) bị đề nghị mức án từ 13-15 năm tù cho các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (9-10 năm tù); "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" (4-5 năm).
Các đồng phạm còn lại bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù đến 11 năm tù.
Người Lao Động