Tiếp cận thị trường dệt may EU trong bối cảnh mới
EU là thị trường lớn và hấp dẫn cho ngành dệt may với kim ngạch nhập khẩu từ các nước thứ ba năm 2023 là 115 tỷ Euro, trong đó, Việt Nam mới chỉ đạt 4,5 tỷ Euro. Do vậy, dư địa cho hàng Việt Nam mở rộng thị phần còn rất lớn. Vấn đề là doanh nghiệp Việt cần cập nhật và tuân thủ nhiều quy định của EU để giữ vững và phát triển thị trường lớn này.
- 01-10-2024Thành viên HĐQT doanh nghiệp dệt may từng hứng chịu cú đấm của “gã khổng lồ” Amazon nộp đơn từ nhiệm sau hơn 10 năm gắn bó
- 30-09-2024Vinatex hạ giá bán, quyết thoái sạch vốn tại một công ty dệt may
- 30-09-2024Dệt may Việt Nam đón đơn hàng chuyển dịch từ Bangladesh, lợi nhuận 9 tháng của Vinatex tăng hơn 70%
Nhiều nhà mua châu Âu có ý định “rời châu Á”
EU là thị trường lớn và hấp dẫn cho ngành dệt may với kim ngạch nhập khẩu từ các nước thứ ba năm 2023 là 115 tỷ Euro. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,5 tỷ Euro, đứng thứ 6 sau Trung Quốc, Bangladet, Thổ Nhỹ kỳ, Ấn độ, Pakistan và chiếm 4,1% thị phần. Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu (XK) truyền thống lớn thứ 2 của Việt Nam khi chiếm 15 - 20% trong tổng kim ngạch XK của ngành.
Với cam kết trong EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi có hiệu lực (hiện đang là năm thứ 4 thực thi hiệp định). Đây được đánh giá là động lực lớn cho ngành dệt may tăng cường XK sang thị trường và chiếm được thị phần lớn hơn so với mức hơn 3% hiện nay. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều thách thức đã được đặt ra với thị trường này, đặc biệt là các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững.
Thương vụ Việt Nam tại EU khẳng định: “Tính bền vững không phải là một sự lựa chọn. Nhiều yêu cầu về tính bền vững về xã hội và môi trường đã trở thành luật và nếu không tuân thủ, sẽ không thể XK hàng may mặc sang châu Âu”. Đồng thời, tính bền vững yêu cầu các công ty thu mua phải chịu rất nhiều trách nhiệm. Ví dụ, một số nhà mua tập trung chủ yếu vào tính minh bạch của chuỗi cung ứng và giảm thiểu lượng khí thải carbon. Một số nhà mua khác lại đầu tư chủ yếu vào điều kiện làm việc và tính tuần hoàn hoặc có một số công ty lại cố gắng làm tất cả. Từ đó, các khách hàng châu Âu tùy thuộc vào chiến lược bền vững để lựa chọn các nhà cung ứng hàng hoá.
Đáng chú ý, theo Thương vụ, nhiều nhà mua hàng may mặc ở châu Âu đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế ở châu Phi. Một số quốc gia đã đầu tư mạnh vào ngành may mặc ở khu vực này (đặc biệt là Ethiopia) và đối với một số hạng mục, châu Phi có thể là lựa chọn thay thế tốt cho châu Á (các sản phẩm cơ bản ở Ethiopia, quần áo mặc ngoài ở Rwanda). Tuy nhiên, do năng suất thấp, thiếu nguyên liệu địa phương và căng thẳng chính trị (Ethiopia), châu Phi vẫn chưa trở thành một lựa chọn thay thế cạnh tranh cho châu Á.
Trước tình hình này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải luôn cập nhật luật mới và thảo luận các giải pháp tiềm năng với khách hàng châu Âu, xác định giải pháp bằng cách chia sẻ suy nghĩ với các đối tác trong chuỗi cung ứng. Việc tuân thủ cần phải trở thành một phần trong hoạt động quảng bá của công ty để mở ra cánh cửa và phát triển hoạt động kinh doanh trong bối cảnh mới đặc biệt trong bối cảnh EU cũng đang giảm dần phụ thuộc vào Trung Quốc và quốc gia XK dệt may thứ 2 thế giới Bangladesh đang gặp khó khăn nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững
Khẳng định cơ hội từ EVFTA trong ngắn và trung hạn là rất lớn, Thương vụ Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần xem xét tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường EU. Và để phát triển bền vững, qua đó gia tăng thị phần tại EU, theo Thương vụ Việt Nam tại EU, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may cần chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. XK và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Cùng với đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA; Chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu đặc biệt là nguyên phụ liệu chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Với các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, các doanh nghiệp dệt may cần đặt trọng tâm vào xây dựng các nhà xưởng, máy móc, chủ động nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.
Để khắc phục vấn đề này, theo Thương vụ, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất; đặc biệt, hướng tới xây dựng các nhà máy lớn, với dây chuyền sản xuất hiện đại, thay vì phát triển nhỏ lẻ; Xem xét đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đổi mới các phương pháp thực hành bền vững cũng như đào tạo lực lượng lao động về công nghệ mới; Chuyển đổi dần sang sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu về hiệu quả năng lượng của eco-design.
Đáng chú ý, Thương vụ lưu ý, các công ty ngoài EU sẽ là đơn vị thực hiện phần lớn các chính sách trong Chiến lược Dệt may của EU, do đó, doanh nghiệp cần triển khai nghiên cứu các quy định liên quan và trao đổi với các đối tác tại châu Âu để có kế hoạch chuyển đổi từ sớm và có kế hoạch dài hạn.
Báo pháp luật