MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao VTV không nắm thực quyền điều hành tại K+?

22-04-2016 - 16:53 PM | Doanh nghiệp

VTV đề xuất lên Phó Thủ tướng xin thoái vốn khỏi K+ nếu như áp dụng các biện pháp cải tổ liên doanh này không thành công. VTV cũng giải thích lý do tại sao công tác quản lý điều hành tại K+ lại hoàn toàn phụ thuộc vào phía đối tác Pháp.

Trong một lần trả lời chúng tôi gần đây, một lãnh đạo cấp cao của VTV giải thích lý do vì sao VTV nắm 51% vốn điều lệ trong Liên doanh VSTV (thương hiệu K+) nhưng lại không nắm quyền điều hành. Trong Điều lệ của VSTV cũng quy định, VTV nắm giữ vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc, nhưng Tổng giám đốc lại phải ủy quyền cho Phó Tổng giám đốc là người Pháp điều hành.

Theo vị lãnh đạo VTV, khi thành lập liên doanh vào năm 2009, VTV không có tiền, VTV góp 51% vốn là tính từ các loại tài sản như nhà cửa, giá trị của gần 100.000 thuê bao, hệ thống truyền dẫn phát sóng để góp vào, chứ VTV không góp bằng tiền mặt. Vốn điều lệ của liên doanh khi đó là 20 triệu USD, nhưng để hoạt động được cần phải có 34 triệu USD ngay từ ban đầu, do đó phải đi vay, mà chính bên Canal+ cho vay.

“Cũng may mà đối tác cho vay, chứ không cũng rất khó khăn. Tính trên giấy phép, vốn VTV cao hơn, nhưng tiền “tươi” phía Canal+ bỏ vào nhiều hơn, nên VTV thỏa thuận ủy quyền cho đối tác nắm quyền điều hành. Bấy lâu nay K+ lỗ nặng có nhiều lý do, nhưng cũng có một nguyên nhân là phải trả lãi vay nhiều quá. Nên VTV có quan điểm là sẽ xin Chính phủ cho thoái vốn khỏi K+, VTV sẽ chỉ kiểm soát nội dung thôi”, vị quan chức VTV nói.

Hồi tháng 1/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có văn bản chỉ đạo về Đề án sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc VTV. Theo đó, VTV tiếp tục duy trì phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+). Như vậy, trong năm 2016, VTV sẽ chưa tiến hành tái cơ cấu, hay thực hiện cổ phần hóa K+ mà VTV sẽ tiếp tục nắm giữ 51% vốn tại liên doanh này.

Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV đã ký văn bản gửi lên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh để báo cáo về tình hình tổ chức hoạt động, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại VSTV. VTV cho biết, công tác quản lý điều hành tại VSTV hoàn toàn phụ thuộc vào phía đối tác Pháp theo quy định tại Điều lệ.

VSTV được thành lập năm 2009, là đơn vị do VTVcab và Tập đoàn Canal+ International Development của Pháp góp vốn. Sau đó, VTV đã tiếp quản phần vốn của VTVcab (chiếm 51%).

Theo báo cáo của VTV, sau 6 năm hoạt động doanh thu của VSTV tăng từ 160 tỷ đồng/năm lên 1.269 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi năm VSTV nộp vào ngân sách hơn 100 tỷ đồng thuế VAT, thuế nhà thầu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân.

Từ một gói kênh duy nhất gồm 23 kênh vào năm 2009, đến nay VSTV đã cung cấp cho người xem hơn 130 kênh trong nước và quốc tế. Số lượng thuê bao tăng trưởng hàng năm. Nếu như năm 2009 K+ chỉ có hơn 95.000 thuê bao thì đến 2015 đã có hơn 800.000 thuê bao.

Tăng trưởng thuê bao tốt nhưng từ khi đi vào hoạt động, K+ luôn trong trình trạng thua lỗ. K+ vẫn kinh doanh lỗ đến hết năm 2015 (83 tỷ đồng), dù thời điểm 30/6/2015 được công bố là hòa vốn. Lỗ lũy kế của K+ đến hết 2015 là 1.979 tỷ đồng, khoản vay nợ khoảng 1.800 tỷ đồng. VSTV dự báo năm 2016 sẽ vẫn lỗ hơn 260 tỷ đồng và năm 2017 là 120 tỷ đồng.

Hiện thời số vốn vay của K+ là 66 triệu USD, chiếm 77% trong tổng số vốn đầu tư 86 triệu USD nên chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn, tỷ giá USD biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi. Hiện, chi phí lãi vay của VSTV mỗi năm hơn 100 tỷ đồng, chưa kể trượt giá ngoại tệ.

Trong thời gian tới, VTV đưa ra nhiều giải pháp để cải tổ VSTV như: sẽ đàm phán với đối tác về những thỏa thuận tại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ công ty, những vấn đề chưa phù hợp với thực tế, bao gồm cả việc điều chỉnh công việc quản lý, điều hành hoạt động của VSTV.

Mặt khác, VTV sẽ chỉ đạo người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định pháp luật khi tham gia các nghị quyết của Hội đồng thành viên VSTV, tích cực tìm mọi giải pháp tăng nguồn thu, giảm chi phí, bảo đảm hoạt động kinh doanh có hiệu quả và giảm lỗ các năm trước.

“Trong trường hợp áp dụng mọi giải pháp mà không đạt được mục tiêu, VTV sẽ đề nghị thoái vốn tại VSTV và sẽ có phương án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt,” báo cáo của VTV nêu rõ.

Một nguồn tin riêng của từ K+ cho hay, phía Canal+ muốn rót thêm vốn vào K+, nhưng tăng vốn thì cả hai bên phải cùng tăng, mà phía VTV lại không muốn đầu tư thêm, nên phải giải quyết vốn kinh doanh bằng cách vay Canal+. Nếu có thêm vốn điều lệ vào đỡ phải đi vay, không phải trả lãi vay mới có thể thoát lỗ được. Hiện tại, K+ có giá trị thương hiệu tốt nên nếu thoái vốn VTV sẽ lãi to so với số vốn hơn 10 triệu USD ban đầu. Do đó liên doanh này rất mong được Chính phủ phê duyệt chủ trương cho VTV thoái vốn để có thể chủ động trong kinh doanh.

“Canal+ có dư tiền và sẵn sàng mua lại phần vốn của VTV”, nguồn tin này tiết lộ.

Theo M.Q

ICTnews

Trở lên trên