Vì sao xuất khẩu gỗ sụt giảm?
6 tháng đầu năm, trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước thì xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lại theo chiều ngược lại.
- 28-06-20166 tháng đầu năm, rau quả Việt Nam xuất khẩu được hơn 1 tỷ USD
- 27-06-2016Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 15 tỷ USD trong 6 tháng
Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Nếu như 2015 được coi là một năm thắng lợi rực rỡ của ngành gỗ khi xuất khẩu nông, thủy sản đều sụt giảm mạnh mà gỗ vẫn theo đà tăng trưởng tốt thì nửa đầu năm nay, tình thế đã đảo ngược, xuất khẩu gỗ giảm nhẹ 0,1%. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này?
Điều này chủ yếu bắt nguồn từ kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 6 tháng qua đã sụt giảm đáng kể cả về lượng lẫn giá.
Từ năm 2015 trở về trước, bình quân xuất khẩu dăm gỗ đạt khoảng 3,5-4 triệu tấn với doanh thu khoảng 850 triệu USD. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2016, thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ đã được điều chỉnh từ 0% lên 2%. Điều này khiến đối tác giảm cả khối lượng lẫn giá mua dăm gỗ, đặc biệt là đối tác ở Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc cho nên khi có biến động sẽ gây tác động rất lớn. Hiện, giá xuất khẩu dăm gỗ đã giảm từ 8-10 USD/tấn.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay tại các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái…, lượng dăm gỗ tồn đọng rất nhiều, do để lâu không bán được nên có nhiều dăm gỗ gần như sắp hỏng.
Ngoài ra còn có yếu tố nào tác động khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ nói chung sụt giảm không, thưa ông?
Nguyên nhân thứ hai là mặt hàng bàn ghế ngoài trời cũng ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt. Từ trước tới nay, bàn ghế ngoài trời chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường EU. Nếu như trong năm trước, hoạt động xuất khẩu khá tốt thì năm nay vì nhiều yếu tố tình hình không còn được thuận lợi như vậy.
Với kết quả xuất khẩu nửa đầu năm như trên, ông dự báo như thế nào về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả năm nay?
Tính chung cả năm nay, điều dễ thấy là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khó đạt được mục tiêu 7,6 tỷ USD đặt ra. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cũng không đến mức quá khó khăn, ảm đạm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm gỗ. Theo ông, việc Anh rời khỏi EU mới đây sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Anh nói riêng và sang thị trường EU nói chung?
Thực ra, ở thời điểm hiện tại đưa ra những phán đoán tác động của việc Anh rời khỏi EU tới xuất khẩu sản phẩm gỗ còn khá sớm. Tuy nhiên, hiện nay mỗi năm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Anh chỉ khoảng hơn 100 triệu USD. Dự kiến, Anh rời khỏi EU sẽ khiến giảm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường này, nghĩa là giảm khoảng hơn 50 triệu USD. Vì thế, dù có bị sụt giảm xuất khẩu sang Anh thì cũng không ảnh hưởng quá lớn tới xuất khẩu gỗ nói chung.
Điểm đáng lưu ý trong “câu chuyện” Anh rời khỏi EU là tỷ giá có thể bị tác động mạnh, bởi đồng bảng Anh giảm giá nên đồng Euro giảm. Hiện nay, giá xuất khẩu gỗ sang thị trường EU khoảng 1.200-1.800 USD/container, (1 container khoảng 28-30 khối). Anh rời EU dự kiến sẽ làm giá xuất khẩu giảm 5-7% so với hiện tại. Đây là con số sụt giảm khá lớn, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 6, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng đạt 507 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm đạt 3,17 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 67,72% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng là Hoa Kỳ (7,66%), Nhật Bản (1,33%), Hàn Quốc (17,7%), Anh (9,91%), Australia (7,53%) và Hà Lan (4,22%).
Hải quan