MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị thế các ngân hàng đã thay đổi đáng kể

25-08-2017 - 07:33 AM | Tài chính - ngân hàng

3 ngân hàng lớn nhất vẫn lớn nhất nhưng thứ tự từ 1 đến 3 không còn như cũ. Trong nhóm cổ phần, những nhà băng top đầu đã xáo trộn đáng kể trong khi nhiều “chú bé tí hon” cách đây 5 năm giờ cũng đã thành những thanh niên cường tráng.

Sau giai đoạn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng 2012-2016, tình hình hệ thống ngân hàng nói chung và bản thân các ngân hàng nói riêng đã có nhiều thay đổi. Nhiều thương hiệu ngân hàng đã biến mất trên thị trường thông qua việc sáp nhập với nhà băng khác (có đến 8 ngân hàng), trong khi cũng không có ít những cái tên của khối ngoại còn lạ tai với nhiều người lại ầm ầm tiến vào thị trường (gần chục ngân hàng 100% vốn ngoại đã có mặt ở Việt Nam).

Tất nhiên trong làn sóng chung ấy, không thể không nhắc đến những sự thay đổi về vị thế của các ngân hàng nội. Có ngân hàng vẫn nỗ lực duy trì vị thế và tạo khoảng cách xa với các ngân hàng nhóm sau, nhưng cũng có những ngân hàng cách đây 5 năm còn nuôi mộng top đầu nay đã thành hiện thực, song cũng có những ngân hàng đang dần tự đánh mất mình vì không thể bứt tốc và để đối thủ cạnh tranh vượt qua.

Đầu tiên không thể không nhắc tới là nhóm 3 ngân hàng dẫn đầu gồm VietinBank, BIDV và Vietcombank. Nếu như cách đây 5 năm, VietinBank đứng vững ngôi vị đầu bảng về mọi mặt thì nay không còn nguyên vẹn nữa. BIDV giờ đã vươn lên số 1 về tổng tài sản, nhân sự và mạng lưới trong khi Vietcombank đứng đầu về lợi nhuận, Vietinbank chỉ giữ đầu bảng về vốn chủ sở hữu. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Vietcombank được đánh giá cao nhất, tiếp theo là BIDV và cuối cùng mới đến VietinBank.

Ở nhóm cổ phần, nếu như cách đây 5-6 năm những cái tên như Sacombank, ACB, Eximbank luôn dẫn đầu thì nay đã được thay thế bởi VPBank và Techcombank. Các ngôi sao đổi ngôi là bởi ACB rơi vào biến cố 2012 với hàng loạt lãnh đạo bị bắt giữ, Eximbank thì kinh doanh sa sút và không tìm được đường hướng mới để bật dậy trong khi Sacombank như diều đứt dây sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, còn VPBank và Techcombank lại là những cánh diều không chỉ được kéo lên đúng chiều gió thổi mà còn gặp gió lớn nên chỉ việc bay và càng ngày càng xa.

Cũng may MB dù không có sự tăng trưởng đáng kể nào ngoại trừ năm nay, song cũng vẫn giữ được vị thế do không bị đi xuống.

Ở nhóm các ngân hàng nhỏ hơn, OCB, Bac A Bank, VIB hay TPBank giống như những chú bé tí hon ngày nào giờ đã trưởng thành. Không chỉ thương hiệu được phủ xa hơn cùng mạng lưới mở rộng nhanh chóng mà tình hình kinh doanh của các ngân hàng này cũng tốt lên trông thấy với lợi nhuận không dưới 500 tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới những cái tên như OceanBank lớn mạnh một thời nhưng nay lại rơi vào cảnh “ngân hàng 0 đồng” cùng với dàn lãnh đạo lên đến hơn 50 người đang vướng vòng lao lý; hay như DongABank – một đối thủ đáng gườm của các ngân hàng nhóm 2 - nay cũng rơi vào kiểm soát đặc biệt. Còn 2 ngân hàng nữa khó khăn từ trước là GP.Bank và VNCB, nay đã khoác lên mình chiếc áo mới do NHNN sở hữu hoàn toàn song vẫn chưa thoát khỏi cái tên ngân hàng 0 đồng như người anh OceanBank.

Bên cạnh những cái tên ấy, vẫn còn những ngân hàng thời gian qua đã nỗ lực tự khẳng định mình song vẫn chưa bứt phá lên được do quy mô quá nhỏ bé. Hay cũng còn những ngân hàng dù bề ngoài có quy mô lớn, có tên tuổi lâu năm song vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà chưa thực sự tạo được dấu ấn nào để khẳng định vị thế xứng tầm của mình.

Thời gian tới đây, với guồng quay không ngừng của hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu, vị thế các ngân hàng nội nói riêng và hệ thống ngân hàng ở Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa. Ai cũng đặt mục tiêu đứng đầu nhưng nếu không có hành động phù hợp thì không chỉ mãi đứng nhìn mục tiêu mà còn bị các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng nhỏ, vươn lên và bỏ lại phía sau.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên