MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị thế thống trị 64 năm của ô tô Nhật Bản trên đất Thái lung lay vì Trung Quốc: Đại lý chỉ ưu tiên xe 'Made in China', chiến lược giảm giá khiến người dân đổi khẩu vị

31-07-2024 - 10:11 AM | Tài chính quốc tế

Tham vọng và sức cạnh tranh của các thương hiệu đang vô hình chung định hình lại ngành công nghiệp xe hơi.

Một năm trước, Ma Haiyang và 8 đồng nghiệp của mình đã đến Thái Lan mở đường cho GAC Aion - hãng sản xuất xe điện đến từ Trung Quốc. Họ khi đó không có văn phòng, không có nhà máy, không có nhân viên địa phương; về cơ bản là không có nền tảng nào.

Những ngày sau đó, nhóm của Ma gấp rút tìm không gian văn phòng, tuyển dụng đại lý và đưa ra chiến lược kinh doanh. Họ làm việc suốt ngày đêm và 74 ngày sau khi đến Thái Lan đã bán được chiếc xe điện đầu tiên..

“Cơ hội cho các loại xe năng lượng mới của Trung Quốc ra nước ngoài sẽ không kéo dài”, ông Ma, tổng giám đốc Aion khu vực Đông Nam Á nói. “Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn nhanh chóng dấn thân”.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như Aion đang tràn vào thị trường nước ngoài, trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên chứng kiến sự đổ bộ đột ngột. Tham vọng và sức cạnh tranh của các thương hiệu đang vô hình chung định hình lại ngành công nghiệp. Không khó bắt gặp những tấm biển quảng cáo phủ kín thông tin của những chiếc xe công nghệ thông minh.

Các công ty Trung Quốc đang vượt lên trước các đối thủ toàn cầu tại Nhật Bản và Mỹ. Năm ngoái, doanh số các thương hiệu Nhật Bản phổ biến như Nissan, Mazda và Mitsubishi giảm mạnh do người tiêu dùng chuyển sang mua xe điện từ các nhà sản xuất đại lục. Một số đại lý vốn hợp tác với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Mỹ trong nhiều thập kỷ cũng đang bắt đầu chuyển đổi phòng trưng bày, nhường chỗ cho xe Trung Quốc.

Nỗ lực vươn ra thị trường nước ngoài nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, chủ yếu tập trung vào các loại xe năng lượng mới và tham vọng thay đổi cán cân quyền lực ngành công nghiệp ô tô. Sau nhiều năm được chính phủ hỗ trợ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã thành thạo trong việc sản xuất hàng loạt xe điện, thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy và giảm được giá thành.

Nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa, tháng trước, EU tuyên bố áp thuế lên tới 38% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ cũng đã tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Made in China.

Thái Lan tuy nhỏ hơn khi so sánh nhưng đây lại là thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Được mệnh danh là “Detroit của Châu Á”, nơi đây đóng vai trò như một trung tâm sản xuất của khu vực. Vị trí địa lý cũng như mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc cho phép ô tô được nhập khẩu nhanh chóng và thuận lợi.

“Đây là thị trường đầu cầu”, Tu Le, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho biết. “Nó phù hợp với nhiều thương hiệu Trung Quốc vì mức giá thấp hơn”.

Tại một thị trường từng được coi là “thành trì của Nhật Bản”, thay đổi đã diễn ra. Các thương hiệu ô tô Nhật Bản chiếm 86% doanh số bán ô tô mới vào năm 2022, song con số trên đã giảm xuống chỉ còn 75% vào năm ngoái khi BYD, Great Wall Motor và SAIC Motor của Trung Quốc chiếm một thị phần đáng kể.

Năm 2021, Thái Lan cho biết họ muốn xe điện chiếm 30% sản lượng ô tô vào cuối thập kỷ, một mục tiêu đầy tham vọng dường như không thể đạt được nếu không có các công ty Trung Quốc. Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều khoản trợ cấp và giảm thuế để thúc đẩy nhu cầu.

Vị thế thống trị 64 năm của ô tô Nhật Bản trên đất Thái lung lay vì Trung Quốc: Đại lý chỉ ưu tiên xe 'Made in China', chiến lược giảm giá khiến người dân đổi khẩu vị- Ảnh 1.

Do kinh tế suy yếu, doanh số bán xe điện tại Thái Lan trong năm nay đã chậm lại đáng kể, song vẫn tăng 50% so với năm ngoái. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phản ứng bằng cách giảm giá và điều này khiến một số đối thủ cạnh tranh lo ngại.

Chong Baoyu, tổng giám đốc chi nhánh Great Wall Motor tại Thái Lan, cho biết một cuộc chiến giá cả toàn diện sẽ “giết chết ngành công nghiệp” vì khách hàng sẽ hoãn mua xe vì kỳ vọng giá giảm thêm.

“Giảm giá chỉ là giải pháp ngắn hạn”, ông nói.

Bốn năm trước, Great Wall Motor mua lại các nhà máy của General Motors như một phần của kế hoạch thoái vốn. Vào tháng 5, khi EU áp thuế lên xe điện Trung Quốc, hãng thông báo đóng cửa trụ sở tại Munich với lý do thị trường xe điện châu Âu ngày càng thách thức. Ông Chong cho biết công ty có kế hoạch hoạt động tại châu Âu, nhưng triển vọng về thuế quan khiến Great Wall Motor tìm đến Thái Lan.

Sáu công ty xe điện Trung Quốc đã bán xe tại Thái Lan. Ba công ty nữa cũng sẽ tham gia vào thị trường trong năm nay. BYD, Aion, Great Wall, Neta của Hozon Auto và Chery nằm trong số những công ty đã mở hoặc đang xây dựng nhà máy tại Thái Lan.

Wirat Tatsaringkansakul, Phó tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan, cho biết tại một hội nghị: “Khi người Trung Quốc nhìn thấy cơ hội, việc họ làm là dấn thân”.

Sự thống trị của Nhật Bản đối với ngành công nghiệp ô tô Thái Lan bắt đầu từ những năm 1960 khi Nissan Motor và đối tác địa phương, Siam Motors, mở nhà máy ô tô đầu tiên. Sự hỗ trợ của Nhật Bản đã giúp đưa gia đình Phornprapha, chủ sở hữu của Siam Motors, trở thành gia tộc đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan.

Tuy nhiên, ngay cả trong gia tộc Phornprapha, các liên minh cũng đang thay đổi.

Pratarnwong Phornprapha và Pratarnporn Phornprapha, cháu nhà sáng lập Siam Motors, điều hành Rever Automotive - nhà phân phối độc quyền xe BYD tại Thái Lan. BYD, công ty xe điện hàng đầu Trung Quốc, cạnh tranh trực tiếp với đối tác lâu năm của Siam Motors, Nissan và bán được khá nhiều xe vào năm ngoái.

Pratarnwong Phornprapha, giám đốc điều hành của Rever cho biết công ty của họ hoàn toàn tách biệt với Siam Motors. Tháng này, BYD đã mua 20% cổ phần của Rever.

Trong vòng chưa đầy hai năm, Rever mở 110 gian hàng trưng bày trên toàn quốc. Mục tiêu là mở thêm 50 cái nữa vào cuối năm 2024.

Pratarnwong Phornprapha, giám đốc điều hành của Rever, cho biết không có căng thẳng nào trong gia đình, vì Rever tập trung vào xe điện còn Siam Motors sản xuất ô tô truyền thống. “Hiện tại, tôi không nghĩ là có bất kỳ xung đột nào”, ông nói.

Nhà Phornprapha cho biết một trong những thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt là xoa dịu mối lo ngại về độ tin cậy của ô tô Trung Quốc. Mọi người từ lâu dường như đã đặt niềm tin vào các thương hiệu Nhật Bản. “Các sản phẩm của Trung Quốc, 10 năm trước, không được như bây giờ”.

V Group Cars, một mạng lưới đại lý với 44 phòng trưng bày, cho biết phần lớn các chi nhánh của họ chỉ bán xe Trung Quốc. Phòng trưng bày của Mazda, Mitsubishi và Ford Motor đã được chuyển đổi thành địa điểm bán hàng cho Aion, Neta, Chery's Omoda và Jaecoo, Zeekr.

Aion, trong năm đầu tiên tại Thái Lan, đã mở 41 phòng trưng bày. Công ty cũng đã công bố kế hoạch mở một nhà máy tại Indonesia và bắt đầu bán xe tại 9 nước trên khắp Đông Nam Á.

Theo: The New York Times

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên