VIB Bank lên sàn với giá cao hơn cổ phiếu của Vietinbank và BIDV, “điều kỳ diệu” gì sẽ được tạo ra?
Lẽ nào “ngân hàng top 1 lại chịu kém hơn ngân hàng top 2”, nhất là khi chỉ số định giá P/E cả CTG, BID và MBB đều thấp hơn VIB.
- 30-12-2016VIB lên sàn với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phiếu
- 15-12-2016Ngân hàng VIB sẽ "tính toán" điều gì sau khi niêm yết?
- 09-11-2016VIB hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 5.644 tỷ đồng
Hôm nay, ngày 09/01/2017, hơn 564,4 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 17.000 đồng/cp. Mức giá này chỉ xếp sau VCB (giá 37.900 đồng), ACB (giá 20.000 đồng) và cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch gần nhất của cả 2 ông lớn là CTG - Ngân hàng Vietinbank (giá 16.650 đồng) cùng BID – Ngân hàng BIDV (giá 15.750 đồng).
Giá cổ phiếu các ngân hàng lớn được kỳ vọng tăng hơn nữa
Khi VIB công bố giá chào sàn 17.000 đồng, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào một “cuộc chơi” nào đó đối với CTG, BID – những ông lớn đang có thị giá thấp hơn 17.000 đồng, vì lẽ nào “ngân hàng top 1 lại chịu kém hơn ngân hàng top 2”, nhất là khi chỉ số định giá P/E cả CTG, BID và MBB đều thấp hơn VIB. Cùng với một số thông tin hỗ trợ thì quả thực những cổ phiếu ngân hàng này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những phiên gần đây.
“Điều kỳ diệu” đó được gọi là “hiệu ứng VIB lên sàn” với kỳ vọng giá các cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng cao hơn nữa. Đặt trong sự so sánh với một số cổ phiếu ngân hàng khác, phong độ của VIB đang có phần giống với ACB.
Sau VIB, một số ngân hàng khác cũng rục rịch lên sàn như Techcombank, Kienlongbank. Các ngân hàng còn lại cũng không thể từ chối việc lên sàn trong năm nay với mức giá được đồn đoán đều cao hơn khá nhiều so với mệnh giá. Có thể điều đó sẽ tạo ra hiệu ứng như VIB, tạo cảm giác rằng các cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán hiện tại đều đang rẻ.
Trên thị trường OTC cuối tuần qua, giá cổ phiếu VIB đã được đẩy qua con số 19.000 đồng. Môi giới OTC cho biết, việc mua gom cổ phiếu VIB của một số nhà đầu tư đã diễn ra từ khá lâu với một phong cách rất bình tĩnh. Khác với những “tay to” thường thích mua lô lớn, những nhà đầu tư này gom dần cả những lô nhỏ chỉ từ 6.000 – 7.000 đơn vị.
Môi giới cũng nhận xét, tuy trong công bố thông tin, VIB chỉ có một cổ đông lớn nắm giữ trên 5% là Commonwealth Bank of Australia (CBA) sở hữu 20%, còn các lãnh đạo như ông Đặng Khắc Vỹ- Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Xuân Hoàng – Thành viên HĐQT đều nắm dưới 5% nhưng cơ cấu cổ đông của ngân hàng này rất cô đặc.
Vì sao VIB có giá 17.000 đồng?
Bản công bố thông tin của VIB không cho biết phương pháp định giá cổ phiếu nhưng theo số liệu công bố, giá trị sổ sách của Ngân hàng Quốc tế tại thời điểm cuối tháng 9/2016 là 17.596 đồng. Năm trước, giá trị sổ sách cũng đạt 17.773 đồng.
Vì vậy có thể cho rằng giá tham chiếu lên sàn của VIB được dựa trên giá trị sổ sách. Các cổ phiếu CTG, BID và MBB cũng đang giao dịch tại mức giá khá tương đồng với giá trị sổ sách của ngân hàng.
Đánh giá về VIB, một số chuyên gia trong ngành nhận định, đây là một ngân hàng khá khác biệt. Nằm trong nhóm các ngân hàng có quy mô trung bình, hoạt động khá ổn định nhưng không có điểm gì thực sự ấn tượng, cả trong kết quả kinh doanh lẫn sản phẩm tài chính.
Xét về tỷ suất sinh lời ROE và ROA, VIB đứng gần áp chót so với các ngân hàng top.
Xét về chỉ số biên lợi nhuận lãi ròng (NIM), trong số các ngân hàng TMCP lớn, VIB chỉ đứng trên Sacombank (STB).
Xét về tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm 2016, VIB cao hơn MBB và ACB nhưng thấp hơn TCB và STB.
Tuy nhiên, đây lại là ngân hàng được Moody’s xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong số 10 ngân hàng lớn tại Việt Nam trong năm 2015 và đến quý 3/2016 tiếp tục được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở ở mức B2. VIB cũng là 1 trong 10 ngân hàng thương mại đầu tiên được Ngân hàng nhà nước lựa chọn để thí điểm thực hiện Basel II.
Quản trị rủi ro có lẽ là điều mà nhà đầu tư đánh giá cao nhất về VIB trong bối cảnh các ngân hàng đang phải tăng cường hoạt động này. Trong bản công bố thông tin, VIB cho biết thị phần huy động chiếm 5% thị phần huy động của hệ thống ngân hàng, thị phần cho vay chiếm khoảng 5,5%.
Một điểm cũng khiến VIB được đánh giá cao hơn so với các ngân hàng cùng nhóm là việc chia cổ tức. Năm 2014, ngân hàng chia 9% tiền mặt và 14% cổ phiếu thưởng; năm 2015 là 8,5% tiền mặt và 16,5% cổ phiếu thưởng.
Trí Thức Trẻ