Video TikTok "đầu độc" giới trẻ như thế nào: Khi nội dung bẩn vẫn hái ra tiền, sẵn sàng lan truyền cái xấu để câu kéo lượt view?
Không khó để bắt gặp một video với nội dung độc hại xuất hiện trên TikTok, điều đáng nói là các video này xuất hiện với tần suất ngày một nhiều. Cùng thuật toán phân phối nội dung tự động của nền tảng này, những nội dung xấu lại càng dễ lan truyền với tốc độ chóng mặt đến người dùng trẻ.
- 17-02-2023Người đàn ông gốc Việt ở Mỹ buồn thiu vì nhà hàng vắng khách, cô con gái gen Z giúp "đổi vận" chỉ nhờ video TikTok 1,3 triệu view
- 09-11-2022Người đàn ông sở hữu video TikTok nhiều lượt xem nhất từ trước đến nay giờ ra sao sau 3 năm?
- 21-08-2022Video TikTok hot với bí kíp chia sẻ cách đảm bảo an toàn khi nhận phòng
Theo số liệu từ DataReportal, với 49,9 triệu người dùng tính đến tháng 2, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới. Báo cáo của Q&Me năm 2022 cũng cho thấy TikTok là ứng dụng có mức tăng trưởng tốt nhất tại thị trường Việt Nam, so với những cái tên như Facebook, YouTube.
Tuy có tốc độ phát triển chóng mặt và trở thành một trong những mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam, TikTok lại không thể quản lý nội dung của chính nền tảng khi liên tục xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, từ mê tín dị đoan, cờ bạc tới mại dâm...
Giới trẻ đang bị "đầu độc"
Không khó để bắt gặp một video với nội dung câu view xuất hiện trên TikTok, điều đáng nói là các video này xuất hiện với tần suất ngày một nhiều. Từ các cô gái ăn mặc thiếu vải, hành động khiêu gợi hay caption gây sốc như "cách làm chàng sướng", "quan hệ ở đâu sung nhất",... những video này được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội mà người dùng chủ yếu vẫn ở tuổi đang phát triển. Thậm chí, nhiều kênh còn dẫn link tài khoản Zalo chứa nội dung 18+ có thu phí như 1 kênh trung gian cho các hoạt động mại dâm đồi trụy.
Những video "content bẩn" này được đăng tải tràn lan trên TikTok, mạng xã hội mà người dùng chủ yếu vẫn ở tuổi đang phát triển
Không chỉ các video với nội dung tục tĩu, TikTok còn là địa điểm lý tưởng để các thầy bói, bà đồng tuyên truyền, hút khách. Các video này xuất hiện nhiều không kém nội dung tục tĩu, thậm chí đã từng có video trở nên nổi tiếng, thành "hot trend" trên mạng xã hội. Điển hình như gần đây nhất là trường hợp "đúng nhận sai cãi" của tài khoản TikTok mang tên Trương Hương.
Sau khi xuất hiện đã thành "hot trend" và được chia sẻ rộng rãi. Sau đó TikTok Trương Hương đã bị xử phạt hành chính về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".
Loạt nội dung độc hại xuất hiện trên TikTok còn phải kể đến là hướng dẫn tham gia các game đánh bạc online một cách công khai. Những video quảng cáo cho game bài đổi thưởng, tài xỉu online cũng xuất hiện đầy rẫy trên nền tảng này. Chủ nhân các kênh không chỉ đánh giá trò chơi mà còn hướng dẫn người xem tham gia một cách rất chi tiết.
Khác với Facebook và YouTube, người dùng không mất thời gian truy cập trang và gõ tìm kiếm, thay vào đó thuật toán gây nghiện trên TikTok sẽ tự động tìm đến người dùng. Nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.
Đáng lo ngại, người dùng có thể xem video này kể cả khi không đăng nhập vào ứng dụng. Điều này khiến cho việc xem các nội dung vượt quá độ tuổi của trẻ em tăng cao, khi không có thông tin đăng nhập để kiểm soát độ tuổi.
Nội dung càng gây sốc càng dễ hái ra tiền
Khác YouTube, TikTok Việt Nam chưa có chính sách trả tiền cho nhà sáng tạo nội dung dựa trên lượt xem. Tuy nhiên, người sáng tạo của nền tảng (hay còn gọi là TikToker) vẫn có thể nhận hợp đồng quảng cáo và tiếp thị liên kết.
Video chứa nhiều ngôn từ xúc phạm, thiếu tôn trọng người già neo đơn núp bóng nội dung giúp đỡ người nghèo của TikToker Nờ Ô Nô từng thu hút hàng triệu lượt xem
Cụ thể, những TikToker thường sẽ kiếm được khoản tiền lớn từ các nhãn hàng và hình thức tiếp thị liên kết (Affiliate). Khoản tiền này được trao đổi dựa vào lượt tương tác, lượt theo dõi và traffic và những TikToker này có thể tạo dựng được từ video.
Càng nhiều lượt xem và người theo dõi, thu nhập của TikToker càng cao. Vì vậy, không ít TikToker sẵn sàng tạo những nội dung phản cảm, đi ngược với đạo đức nhằm thu hút tương tác, đơn cử như trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô (tên thật Phạm Đức Tuấn).
Sau khi đăng tải video chứa nhiều ngôn từ xúc phạm, thiếu tôn trọng người già neo đơn núp bóng nội dung giúp đỡ người nghèo, kênh Nờ Ô Nô dù bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt song vẫn thu hút hơn 3,6 triệu lượt xem trong vòng 1 ngày.
Trước phản ứng lớn của người dùng, TikTok đã khóa vĩnh viễn kênh Nờ Ô Nô có hơn 600.000 người theo dõi với lý do không phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng.
Bản thân Phạm Đức Tuấn cũng bị thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM lập biên bản vi phạm và xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, Phạm Đức Tuấn vẫn tiếp tục hoạt động, sản xuất nội dung và kiếm tiền trên TikTok với tài khoản mới mang tên Tuấn Không Cận.
Cần bài trừ nội dung bẩn
Thời gian qua, TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hoá, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xuý hành vi phạm tội,...
Đại diện Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để hơn
Nhận định về hệ lụy tiêu cực của TikTok, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành khẳng định, những nội dung xấu độc được sản xuất, lan truyền nhanh. Điều này gây hại cho người xem, người thực hiện nội dung và toàn xã hội.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, TikTok không chủ động ngăn chặn những nội dung tiêu cực. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng mạnh tay, triệt để hơn để ngăn chặn nội dung xấu độc trên TikTok. "Trong tháng 5, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm", ông Lê Quang Tự Do nói.
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định, TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…
Thể thao & văn hóa