MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việc Jeff Bezos có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD vấp phải chỉ trích dữ dội, bị Thượng nghị sĩ Mỹ gọi là "vô đạo đức"

19-05-2020 - 13:56 PM | Tài chính quốc tế

Trên Twitter, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren gọi con đường trở thành nghìn tỷ phú của Bezos là "vô đạo đức".

Jeff Bezos đang là người giàu nhất thế giới với 143 tỷ USD và có lợi thế là nhà sáng lập và CEO của Amazon, một trong số ít những công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, trước khi thập kỷ này kết thúc, ông chủ Amazon thậm chí có thể tự mình sở hữu 1.000 tỷ USD, theo phân tích của Comparisun, một nền tảng nội dung phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, Comparisun dự đoán Bezos sẽ trở thành tỷ phú có 1.000 tỷ USD đầu tiên của thế giới vào năm 2026 dựa trên mức tăng trưởng tài sản ròng trung bình mỗi năm khoảng 34% của ông trong 5 năm qua.

Nếu tốc độ tăng trưởng đó tiếp diễn, Comparisun nói rằng tổng tài sản của Bezos có thể đạt mốc 1.000 tỷ USD trước cuối năm 2026, khi ông 62 tuổi. Dù vậy, khả năng tài sản của ông thực sự có thể tăng với tốc độ đáng kinh ngạc như vậy dường như không cao.

Việc Jeff Bezos có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD vấp phải chỉ trích dữ dội, bị Thượng nghị sĩ Mỹ gọi là vô đạo đức - Ảnh 1.

Jeff Bezos thực sự có thể trở thành tỷ phú sở hữu 1.000 tỷ USD hay không?

Mark Mahaney, nhà phân tích của RBC Capital Markets chia sẻ với CNBC trong một email: "Tôi khá nghi ngờ về khả năng này". Suy cho cùng, dù việc kinh doanh của Amazon đang phát triển mạnh trong đại dịch do mọi người chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, sự suy thoái kinh tế lớn vẫn có thể làm thay đổi giá trị tài sản của Bezos trong vài năm tới.

Mark không phải người duy nhất hoài nghi rằng thành công gần đây của Bezos và Amazon có thể dự đoán chính xác kết quả trong tương lai của họ. Tờ Vox lưu ý rằng dự đoán của Comparisun đưa ra rất nhiều giả định, đáng chú ý nhất là hiệu suất cực kỳ mạnh mẽ của Amazon trong thập kỷ qua – thứ thúc đẩy sự gia tăng về tài sản của Bezos – liệu có thể tiếp tục với tốc độ mạnh mẽ trong một vài năm nữa không.

Tất nhiên, gã khổng lồ thương mại điện tử này đã hoạt động tốt hơn so với nhiều công ty khác trong những tháng gần đây. Chẳng hạn, giá cổ phiếu Facebook giảm nhẹ so với đầu năm 2020 trong khi của Amazon tăng khoảng 25% nhờ việc hàng loạt cửa hàng vật lý phải đóng cửa vì đại dịch dẫn đến sự gia tăng về các đơn đặt hàng trực tuyến trên Amazon.

Phần lớn tài sản cá nhân của Bezos gắn liền với hơn 50 triệu cổ phiếu Amazon, sự bùng nổ trong kinh doanh của công ty sẽ củng cố thêm khối tài sản của ông. Nhưng điều đó không thể đảm bảo rằng giá trị tài sản của Bezos sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 34% hàng năm trong vài năm tới.

Năm 2018, một chuyên gia của CNBC lưu ý rằng Amazon sẽ cần đạt mức hơn 12.600 USD mỗi cổ phiếu để Bezos trở thành nghìn tỷ phú. Trong khi đó, cuối tuần trước, giá cổ phiếu Amazon ở mức 2.377 USD/cổ phiếu. Và dự đoán của chuyên gia trên rơi vào thời điểm trước khi cổ phần của Bezos tại công ty sụt giảm 25% vì ly hôn và những lần ông bán cổ phiếu để tài trợ cho Blue Origin, công ty thám hiểm không gian của mình.

Với cổ phần hiện tại của Bezos, tương đương 11% công ty, Amazon cần đạt giá trị thị trường gần 11.000 tỷ USD vào năm 2026 thì ông mới trở thành nghìn tỷ phú như dự đoán của Comparisun. Và việc để một công ty có thể đạt đến giá trị lớn như vậy quả thực không hề dễ dàng trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái như hiện nay.

Bezos có thể không thực sự sở hữu 1.000 tỷ USD vào năm 2026 nhưng dự đoán của Comparisun cũng đáng chú ý ở việc làm nổi bật sự tích lũy tài sản đáng kinh ngạc của vị tỷ phú trong 5 năm qua.

Trong khi đó, dự đoán của Comparisun đã vấp phải một số phản ứng dữ dội của người dùng mạng khi họ phẫn nộ bởi việc Bezos ngày càng giàu có ngay cả khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch và hàng chục triệu người Mỹ mất việc trong 2 tháng qua.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã gọi con đường trở thành nghìn tỷ phú của Bezos là "vô đạo đức" trên Twitter và nhắc lại chỉ trích về sự đối xử không tốt của Amazon với nhân viên kho hàng.

Bezos và Amazon đã phải đối mặt với những chỉ trích về quyết định chấm dứt chính sách nghỉ không giới hạn, không lương của nhân viên. Theo đó, công ty chỉ chấp nhận nghỉ việc cá nhân trong trường hợp khẩn cấp hay liên quan đến Covid-19. Nhân viên làm việc tại nhà kho của Amazon đã bày tỏ sự thất vọng về việc xử lý nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại nơi làm việc.

Hiện Amazon chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNBC. Gần đây, công ty cho biết đã chi gần 800 triệu USD để tăng lương cho nhân viên trong đại dịch và dự định đầu tư khoảng 4 tỷ USD lợi nhuận quý II vào chính sách tăng lương cũng như tăng cường các thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên.

Theo CNBC

Theo Duni

Tổ quốc

Trở lên trên