MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí quyết "giả ngu" để thành công trong công việc

22-04-2013 - 15:21 PM |

Bạn thích ngu ngơ và thành công hay là thông minh và nản chí? Mặc dù thông minh được coi là một ưu điểm quan trọng để thành công nhưng liệu có phải thông minh luôn đem lại lợi ích cho mọi người?

Cuộc tranh luận về chủ đề mối liên hệ giữa thông minh và hạnh phúc chưa bao giờ ngã ngũ. Mặc dù thông minh được coi là một ưu điểm quan trọng để thành công nhưng liệu có phải thông minh luôn đem lại những lợi ích cho con người? Đã có những ví dụ về việc ngốc nghếch đem lại một số lợi thế.

Ngốc nghếch có thể làm tăng hiệu quả công việc, đây là tuyên bố của Mats Alvesson, giáo sư ĐH Lund ở Thụy Điển. Trong một nghiên cứu, giáo sư Alvesson đã giải thích về cái mà ông gọi là “ngốc thực dụng” thường là được việc. Khôn ngoan sắc sảo dĩ nhiên là điều tốt nhưng điều trớ trêu là khi có quá nhiều cá nhân thông minh trong một tổ chức đề xuất những ý tưởng mới cho công việc hoặc đặt ra những câu hỏi băn khoăn về quyết định hoặc cơ cấu, công việc thường bị chậm lại.

Các tác giả nghiên cứu nhận thấy rằng ngốc, xét về một khía cạnh nào đó, lại mang lại sự thống nhất. Điều này hỗ trợ cho hiệu suất công việc. Mọi người chấp nhận trạng thái ngốc thực dụng để đạt được sự nhất trí dễ dàng hơn, và sau đó họ dễ dàng tạo nên sự nhiệt tình tập trung vào công việc. 

Thông minh vượt trội thường chịu những thiệt hại vô hình. Giả sử bạn là học sinh xuất sắc ở trường, bạn dễ dàng hoàn thành bài tập trước tất cả những người khác. Cuối cùng chính lợi thế đó lại làm bạn lơ là và chán nản khi học hành quá dễ dàng. Việc học hành chăm chỉ để đạt thứ hạng cao sẽ giúp cho bạn nhận ra giá trị của sự nỗ lực, những gì bạn đạt được quá dễ dàng thường không được đánh giá cao.

Không luyện được tính cần cù chăm chỉ khi bạn thông minh chỉ là một mặt của vấn đề. Ở một số công việc, việc bạn thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và ăn nói thuyết phục hơn còn khiến bạn càng được giao nhiều việc hơn, phải đảm nhận công việc đó lâu hơn người khác.  

Ở những công việc bậc thấp và bậc trung, việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường khiến bạn chậm được thăng tiến hơn. Chẳng hạn, khi bạn là một trợ lý ưu tú, sếp của bạn sẽ khó lòng kiếm được ai thay thế bạn, điều đó khiến ông ta muốn giữ bạn lâu hơn ở vị trí trợ lý và sẽ không muốn chuyển bạn sang những vị trí khác.

Tạo cho mình vẻ đơn giản, xuềnh xoàng không phô trương, hay không tỏ ra quá xuất sắc ở một công việc, cũng có lợi ích là giảm bớt sự chú ý, nhờ đó cũng giảm bớt những chỉ trích nhằm vào mình. Điều này đặc biệt có lợi ở những môi trường làm việc cạnh tranh cao, hay nơi có nhiều cá nhân xuất sắc.

 
 Hình ảnh con dao Swiss Army đơn giản khi gập lại...


 ... và "dễ sợ" khi mở ra, là một ví dụ rất ấn tượng 

Tất nhiên, một người luôn tỏ ra (hay thực sự) ngốc nghếch rất ít cơ hội đạt được vị trí cao trong sự nghiệp. Có sự khác biệt rất lớn giữa người “thực sự” kém thông minh và người “tỏ ra” như vậy. Điều mấu chốt ở đây không phải là đóng vai dốt nát mà là hiểu được khi nào nên thể hiện sự thông minh của mình và khi nào nên “giấu nghề”.

Nói cách khác, thông minh vượt trội là một chuyện, và việc làm cho mọi người nhận thấy rằng bạn thông minh vượt trội là chuyện khác. Những người thông minh không nhất thiết phải làm cho tất cả mọi người hiểu được họ, không nhất thiết phải nắm bắt mọi cơ hội để thể hiện sự thông minh. Vấn đề là làm tận dụng được tốt nhất những cơ hội tốt nhất.

Với cách ứng xử này, những người thông minh sẽ tránh được những xung đột không cần thiết. Một nhà phát triển bất động sản ở New York kể, một đối tác kinh doanh của cô luôn thay đổi ý kiến sau mỗi tuần. Thay vì kiên trì thuyết phục ông ta, cô luôn tỏ ra ủng hộ và đồng tình. Vì thế, khi ông này bảo muốn rút khỏi dự án hàng triệu đô, cô vẫn trả lời “Đúng rồi, đó là ý hay, ông nên làm như vậy”. Thế rồi ngay sau đó, ông ta lại hỏi han chi tiết về việc thực hiện dự án và cuối cùng lại muốn ký hợp đồng.

Điều này cũng có thể được áp dụng trong các cuộc đàm phán. Hỏi những câu hỏi “ngớ ngẩn” có thể khơi gợi được những thông tin mà đối phương không muốn chia sẻ. Một tâm lý cơ bản là người ta thường thấy khó chịu với sự im lặng, vì thế nếu bạn cứ “giả ngơ”, lặng lẽ hoặc phản ứng “chậm”, đối phương sẽ thấy sốt ruột, khó chịu và tìm cách phá vỡ sự im lặng bằng cách nói chuyện trước. Điều này cũng khiến họ phải nói nhiều hơn họ muốn còn bạn thì có nhiều thông tin hơn mà không cần đặt câu hỏi.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2002, Marissa Mayer (khi đó là giám đốc sản phẩm của Google, hiện là CEO của Yahoo) đã giải thích lý do vì sao giao diện của Google trông hết sức đơn giản, chỉ là một thanh tìm kiếm giữa một trang trắng tinh. “Đây là việc cố tình đơn giản hóa bản thân, như chiếc dao Swiss Army nổi tiếng. Nếu bạn nhìn thấy cả 681 chức năng của chiếc dao xòe cùng lúc, bạn sẽ sợ hãi. Các trang web cũng như vậy, phô trương nhiều tính năng cùng lúc sẽ khiến người dùng e ngại. Google có nhiều tính năng phức tạp nhưng chúng tôi chọn một giao diện đơn giản và thực dụng nhất có thể, như một con dao Thụy Sỹ lúc gập lại”, cô nói.

Ở đây “thực dụng” chính là điều mấu chốt. Ngốc nghếch sẽ mang lại hiệu quả nếu bạn thông minh đủ để biết khi nào thì không nên thông minh.

Theo Hoàng Yến

thuyntt

VnMedia/Fortune

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên