Đừng chỉ tìm việc, hãy tìm nghề
Trong một cuốn sách đọc gần đây nhất, tôi rất đồng tình với một câu ngạn ngữ cổ: "Hãy tìm kiếm một công việc bạn yêu thích vì bạn không bao giờ chỉ làm việc một ngày duy nhất trên đời".
Những người yêu thích công việc mình đã chọn thường ít bị stress hơn và cũng thường thăng tiến dễ dàng hơn. Tất nhiên, bạn sẽ không gắn bó trọn đời với chỉ duy nhất một doanh nghiệp, nhưng bạn cần phải cam kết cho những gì bạn làm và chịu trách nhiệm về việc đó.
Bạn có biết bạn đang ở đâu trong nghề không? Đâu là những tham vọng nghề nghiệp của bạn trong tương lai - cho dù điều đó gắn với nghề nghiệp hiện tại hoặc có thể là một nghề nghiệp hoàn toàn mới? Bạn có hạnh phúc với nghề nghiệp hiện tại không và có đang tìm kiếm những thách thức mới trong nghề nghiệp của mình?
Đó là một vài câu hỏi luôn được đặt ra ở từng thời điểm khác nhau. Nếu như vừa mới ra trường và bắt đầu đi làm, bạn cần tìm hiểu về các cơ hội nghề nghiệp và kế hoạch phát triển nghề nghiệp của mình.
Quan trọng hơn, một khi đã xác định được nghề mình yêu thích và quyết định theo đuổi, bạn cần phát triển các kỹ năng và các mối quan hệ nhằm giúp tạo ra cơ hội và dẫn bạn đến một nghề chuyên nghiệp. Quá trình đó không bao giờ dừng lại nếu bạn thực sự đam mê và có khả năng. Người ta gọi đó là nghề.
Có rất nhiều người nói rằng: "Tôi muốn bán hàng tốt hơn". Tuy nhiên, họ chỉ nói suông mà không hành động gì. Nếu muốn cải thiện kỹ năng bán hàng, tại sao họ không tham dự một khóa học, hoặc trò chuyện với một nhân viên bán hàng thành công và học cách họ làm, hoặc lắng nghe các buổi đào tạo từ xa về bán hàng.
Sau đó, hãy nhấc điện thoại và thực hiện các cuộc gọi cho khách hàng. Tôi cho rằng bằng việc thực hiện các hành động đó, họ sẽ học được dần dần, thậm chí học được từ cả những thất bại, và sau đó thì sẽ làm chủ được kỹ năng. Tại Navigos Search, chúng tôi đào tạo nhân viên tất cả các kỹ năng đó. Chúng tôi muốn cung cấp cho nhân viên các kỹ năng cần thiết để thành công và làm việc hiệu quả.
Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn có thể tìm thấy điều gì đó có ích cho việc hoạch định nghề nghiệp của mình. Giờ đây, bên cạnh việc tìm kiếm công việc tuyệt vời tiếp theo, hãy suy nghĩ về một công việc phù hợp nhất với mình.
Theo Nguyễn Thị Vân Anh - CEO Navigos
Doanh nhân Sài Gòn