Đừng tự bắn vào chân mình trong buổi phỏng vấn xin việc
Khẳng định "tôi không có bất kỳ một điểm yếu nào" là 1 trong 5 lỗi tệ nhất
Nội dung nổi bật: Trong buổi phỏng vấn xin việc:
- 5 lỗi tồi tệ nhất: Trả lời một cách chung chung, khẳng định "tôi không có bất kỳ một điểm yếu nào", câu trả lời đưa ra quá ngắn hoặc quá dài, hỏi về vấn đề lợi ích quá sớm và nhìn vào bản thông tin cá nhân.
- 5 cách để giành lợi thế: Chuẩn bị trước, đưa ra câu hỏi mang cái nhìn tổng quan, chủ động nêu rõ những thành tích quá khứ phù hợp với công việc yêu cầu, khẳng định thế mạnh trung hòa điểm yếu và hướng nhà tuyển dụng tới những kỹ năng đã bị bỏ qua trong buổi phỏng vấn.
Theo chia sẻ của một chuyên gia tuyển dụng trên tờ Business Insider, phần lớn các tình huống phỏng vấn không được dạy trong sách vở. Cuộc phỏng vấn thường được nhà tuyển dụng dẫn dắt linh hoạt để đảm bảo tìm được ứng viên phù hợp đang tìm kiếm. Có một số mẹo phỏng vấn cơ bản có giá trị để ứng viên ghi điểm trước người phỏng vấn.
Những lỗi được ví như tự 'bắn vào chân mình' trong buổi phỏng vấn
1. Hãy dừng cách trả lời chung chung
Kiểu như những câu “Tôi là một người có thể giải quyết vấn đề” hay “Tôi là người làm việc nhóm tốt.” Hãy quên đi những câu trả lời chung chung về điểm mạnh của bạn. Bởi khi các nhà tuyển dụng đánh giá một ứng viên, họ sẽ đưa ra những ví dụ và tình huống để bạn bảo vệ quan điểm của mình. Từ những ví dụ này nhà tuyển dụng sẽ kết luận được điểm mạnh hay thái độ của ứng viên ở mức độ nào.
2. Đừng bao nói “Tôi không có bất kỳ một điểm yếu nào”
Mọi người ai cũng có điểm yếu. Mục tiêu của câu hỏi không phải về một điểm yếu cụ thể mà là cách để xác định tính cách, độ trung thực và sự tự nhận thức của ứng viên.
3. Đừng đưa ra những câu trả lời quá ngắn hoặc quá dài
Trong một buổi phỏng vấn, bạn không chỉ được đánh giá bởi nội dung những câu trả lời mà còn bởi cách bạn trình bày chúng. Câu trả lời tốt nhất thường diễn ra trong thời gian từ 1-2 phút.Nếu câu trả lời quá ngắn, bạn sẽ được đánh giá thiếu khả năng hay góc nhìn không sâu sắc, hấp dẫn. Ngược lại những ứng viên nói quá nhiều sẽ được cân nhắc là người nhàm chán, khả năng tổng hợp không cao.Ngoài ra, sau 2 phút người phỏng vấn có xu hướng không còn tập trung cao và có khi không còn nghe những gì bạn nói.
4. Đừng hỏi “Ở đây có cái gì dành cho tôi không?”
Ngay khi bắt đầu buổi phỏng vấn, hãy giả định bạn là một người bán hàng, thậm chí ngay cả khi bạn là người nổi bật nhất trong các ứng viên. Những câu tự chất vấn như “công việc hiện đang trả tiền cho điều gì?” hay những câu hỏi về lợi ích, hỗ trợ liên quan nên dẹp bỏ ngay lập tức.Thời điểm đúng để bạn hỏi những điều trên là khi người phỏng vấn đưa ra những tín hiệu rằng bạn là ứng viên chắc chắn cho công việc.
5. Đừng nhìn vào bản thông tin cá nhân
Trong cuộc phỏng vấn bạn không được nhìn vào bản thông tin của mình. Bởi đây là tín hiệu cho thấy hoặc bạn đang lo lắng hoặc bạn đã bịa đặt một số điều gì đó.Nhà tuyển dụng hy vọng bạn biết rõ về công việc đã hoàn thành trong quá khứ, bao gồm công ty, thời gian, tên công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm và những thành tích đạt được. Để giúp nhớ những chi tiết quan trọng này, hãy viết lại vào một vài mảnh giấy 3x5 trước buổi phỏng vấn.
Làm sao để giành lợi thế trong khi phỏng vấn?
1. Chuẩn bị trước
Một cuộc phỏng vấn sẽ quan trọng hơn bất kỳ một buổi thuyết trình nào mà bạn sẽ thực hiện. Điều đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị thật tốt. Hãy đọc những thông tin về công ty, ngành, mô tả công việc và thông tin liên quan đến người bạn sẽ gặp mặt. Những điều đó mới chỉ là bước đầu.Hiểu rõ về bản thân, thông tin hồ sơ, công việc đã làm trong quá khứ, những thế mạnh và điểm yếu, chuẩn bị những câu trả lời và câu hỏi mới là phần quan trọng nhất.
2. Hỏi những câu mang cái nhìn tổng quan
Những nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên trên 3 khía cạnh lớn gồm: ấn tượng đầu tiên, chất lượng những câu trả lời và chất lượng câu hỏi.Những câu hỏi tốt thường có thể bù lại điểm yếu của những phần khác. Kiểu câu hỏi hay nhất là tập trung vào tác động và những thách thức của nhiệm vụ, mối quan hệ của công việc đối với doanh nghiệp.
3. Chuyển buổi phỏng vấn thành một buổi ôn lại những thành tích đã hoàn thành trong quá khứ
Nếu nhà tuyển dụng có vẻ như đang đánh dấu vào những ô kỹ năng, kinh nghiệm, hãy hỏi về những kỳ vọng của họ về hiệu quả đối với công việc. Sau đó đưa ra các dẫn chứng xung quanh thành tích lớn nhất của bạn để xác nhận rằng bạn đã thực hiện tốt công việc, để so sánh với những điều cần làm được đưa ra.
4. Khẳng định thế mạnh và trung hòa những điểm yếu
Hãy viết ra tất các những thế mạnh và điểm yếu của bạn. Với mỗi điểm mạnh hãy đi cùng 1-2 thành tích thực tế mà bạn có thể sử dụng để làm dẫn chứng bảo vệ thế mạnh của mình.Để trung hòa những điểm yếu, hãy mô tả cách bạn đã chuyển chúng thành những bài học kinh nghiệm hay làm cách nào để kiểm soát công việc với những điểm yếu đó.
5. Hỏi về những bước tiếp theo
Khi về gần cuối cuộc phỏng vấn, hãy hỏi tự hỏi bạn đang ở đâu và tìm hướng đi cho những bước tiếp theo.Nếu nhà tuyển dụng có vẻ mơ hồ hoặc không hứa hẹn gì, bạn có thể sẽ không được gọi lại. Trong trường hợp này, hãy hỏi nhà tuyển dụng nếu có một vài điểm trong nền tảng kinh nghiệm hay kỹ năng để thực hiện công việc của bạn bị bỏ lỡ. Khi bạn thực hiện điều này bạn có thể có có hội hướng nhà tuyển dụng đến những thành tích đạt được mà trước đó không được cân nhắc tới.
Kim Thủy