MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Gần một nửa số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi”

13-05-2013 - 08:43 AM |

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp trẻ trên thế giới gần bằng mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế và được dự báo sẽ không giảm trước năm 2018. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã tăng khá cao, gấp ba lần ở người trưởng thành.

Đánh giá về tình hình thanh niên thất nghiệp tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, gần một nửa số người thất nghiệp trong năm 2012 ở độ tuổi từ 15 đến 24. 

“Nhưng thất nghiệp trẻ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều người đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Họ làm những công việc tự tạo hoặc giúp việc cho gia đình mình, năng suất thấp, thu nhập kém, điều kiện lao động không đảm bảo và không được bảo hiểm”, ông Gyorgy Sziraczki cảnh báo. 

Theo ông, sự bất bình đẳng, mất an ninh và dễ tổn tương hiện đang tăng lên. Chất lượng việc làm có sẵn cho thanh niên đang giảm đi, trong khi tình trạng thiếu việc làm và nghèo ở thanh niên cũng có xu hướng tăng lên. 

Tại các trung tâm giới thiệu việc làm hay công ty có chức năng tuyển dụng cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp thiếu công nhân, nhân viên nhưng người lao động vẫn khó khăn khi xin việc làm. 

Hiện nay, mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên tham gia vào thị trường lao động Việt Nam. Tuy nhiên, để tìm được việc làm ưng ý và giữ được công việc đó mới là điều khó khăn, đặc biệt ở lao động nữ. Nguyên nhân là do các cử nhân mới ra trường thường khó đáp ứng hết các tiêu chí doanh nghiệp đề ra.

Hoặc nhiều doanh nghiệp còn phân biệt bất bình đẳng giới, phân biệt bằng tốt nghiệp của trường dân lập với công lập khiến nhiều cử nhân dù có kỹ năng làm việc nhưng mất cơ hội việc làm là rất lớn. 

Nhận định của ILO hoàn toàn có cơ sở, trong bản báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã phải thừa nhận tình trạng có nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo. 

Còn theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, từ năm 2009 đến 2012, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên không thể kiếm được việc, hoặc phải chuyển sang làm những công việc trái ngành, thấp hơn trình độ đào tạo. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm chia sẻ: “Có khá nhiều em trình độ đại học đang đi làm công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để mưu sinh trước đã, vì để kiếm được công việc đúng ngành, đúng trình độ thì rất khó khăn”.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định đưa giáo trình “giáo dục kinh doanh” của ILO vào chương trình học phổ thông khi sửa đổi chương trình học từ năm 2015. Đây là một chương trình đào tạo cho giảng viên và giáo viên nhằm đưa kiến thức phát triển doanh nghiệp đến với thanh thiếu niên, và đã được áp dụng ở 50 quốc gia trên thế giới.

Theo Dũng Hiếu

duchai

vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên