[Khi tôi 22] Thi lại là chuyện bình thường
Chẳng ai quan tâm tới điểm F* trong hồ sơ của bạn nếu như môn học đó không có liên quan gì tới việc mà bạn định làm trong tương lai cả.
- 05-09-2014[Khi tôi 22] Điên rồ nhưng cũng phải có mục đích
- 29-08-2014[Khi tôi 22] Nên theo đuổi Tiền bạc hay Đam mê?
- 22-08-2014[Khi tôi 22] Hãy cứ khám phá thế giới này đi đã
- 15-08-2014[Khi tôi 22] Rủi ro lớn nhất là khi bạn không dám đương đầu với rủi ro
- 08-08-2014[Khi tôi 22] Đừng tin rằng bạn thiếu thời gian
- 01-08-2014[Khi tôi 22] Khó khăn vốn dĩ là điều hiển nhiên
CafeBiz xin giới thiệu với bạn đọc series "Khi tôi 22". Series này được xây dựng từ chính lời kể của những nhân vật có thật. Họ là những nhà lãnh đạo, những nhân vật nổi tiếng, tự bạch về tuổi trẻ của chính mình, trên con đường xác định sự nghiệp và tìm kiếm thành công.
Series "Khi tôi 22" sẽ được đăng tải định kỳ vào thứ 6 hàng tuần. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà sáng lập kiêm CEO Razer Tan Min-Liang.
Tan Min-Liang là người sáng lập và cũng là CEO tại Razer, hãng sản xuất thiết bị chơi game số 1 thế giới hiện nay và được ví như là một “Steve Jobs” của ngành công nghiệp game hiện đại. Năm 2013, anh được tạp chí Business Insider bầu chọn là 1 trong 25 người trẻ tuổi sáng tạo nhất trong giới công nghệ. Trước đó, Tan từng theo học ngành Luật tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Dưới đây là những điều Tan chia sẻ với những người trẻ hôm nay:
Tôi có thể không phải là người giỏi nhất đủ để truyền cảm hứng cho các bạn, nhưng dưới đây là 3 điều mà tôi nghĩ là tài sản lớn nhất đối với tôi kể từ lúc còn là sinh viên Luật cho tới khi điều hành một công ty với vài trăm nhân viên như hiện nay. Hy vọng rằng 3 bài học này sẽ giúp ích cho các bạn theo một cách nào đó:
Ảnh: Flickr
1) Thỉnh thoảng bạn cũng cần phải “lãng phí” thời gian
Chơi game như là một sở thích không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tích cực. Tôi từng được mọi người xung quanh nhắc nhở hàng ngày rằng “Chơi game là một điều tệ hại” và tôi sẽ chỉ phí cuộc đời nếu cứ vùi mình trong game mà thôi. Tôi hiểu điều đó quả thật không sai chút nào.
Mỗi lần bị như vậy, tôi đều cảm thấy mình như hiểu thêm được một điều gì đó và nghĩ nhiều hơn về tương lai của mình. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, nếu game là sở thích của tôi thì tại sao lại không tìm cách kiếm tiền từ một thứ gì đó liên quan tới nó chứ.
Các bạn đừng hiểu lầm rằng tôi đang khuyên các bạn suốt ngày lãng phí thời gian của mình. Bạn biết đấy, đôi khi những ý tưởng hay ho và điên rồ nhất lại hay nảy ra những khi chúng ta không thực sự tập trung.
Ảnh: Flickr
2) Thi lại là điều bình thường
Tôi từng chứng kiến rất nhiều người “vật lộn” với các bài kiểm tra mỗi lần kỳ thi đến. Tại trường học, chúng tôi luôn được dạy rằng muốn vào đời, tôi cần phải vượt qua tất cả các bài thi cần thiết. Thi trượt đồng nghĩa với việc tương lai của tôi “chấm hết”. Vì thế, chẳng ngạc nhiên khi rất nhiều người trong chúng ta đều sợ “trượt” và sợ thất bại.
Nhưng các bạn cũng nên hiểu rằng, sẽ chẳng ai quan tâm tới điểm F* trong hồ sơ của bạn nếu như môn học đó không có liên quan gì tới việc mà bạn định làm trong tương lai cả. Hiển nhiên bạn sẽ không thể đi dạy Toán nếu như bạn không qua nổi một kỳ thi Toán nào, nhưng khi làm việc về thiết kế game của Razer, chẳng ai thèm quan tâm tôi đã đỗ hay trượt những môn gì, mà quả thực tôi cũng không chắc là họ biết tôi từng học ở NUS nữa.
Trước đây, nhóm thiết kế sản phẩm của Razer đều rất lo lắng trước mỗi ý tưởng mới bởi họ sợ rằng sản phẩm có thể sẽ không bán được. Quả thật, chúng tôi từng mắc kẹt với chiếc laptop đầu tiên do có khá nhiều thiếu sót và chúng tôi đã mất khá nhiều tiền. Nhưng chẳng sao cả, “thi không qua thì tiếp tục thi lại”, tất cả chúng tôi đều cố gắng để hoàn thiện phiên bản tiếp theo bởi được làm công việc mà mình yêu thích thực sự rất tuyệt vời và thú vị. Cuối cùng thì phiên bản mới của chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ người dùng. Do đó, “thi lại” là điều hết sức bình thường.
Ảnh: Flickr
3) Đừng làm việc quá sức
Tôi có lẽ là một trong những kẻ lười nhất mà bạn có thể bắt gặp. Khi còn học tại NUS, tôi đã từng phải “cày” một cách điên cuồng ở những môn học bắt buộc mà tôi không có chút hứng thú nào. Lúc đó, tôi có cảm giác mình không phải đang đi học nữa mà giống như đang đấu tranh để tồn tại vậy. Do đó, tôi thực sự tin rằng, nếu bạn phải làm việc thực sự vất vả cho một điều gì đó, thì hẳn bạn không hề thích việc đó hoặc đơn giản chỉ là bạn chưa giỏi về nó.
Ngày đó, thay vì tập trung học thuộc lòng các bộ luật lớn nhỏ, tôi thường dành thời gian để tập design các sản phẩm cho thỏa sức sáng tạo của mình. Tất nhiên, điều đó chẳng đủ để đưa tôi xếp hạng “top” ở NUS nhưng quả thực quãng thời gian đó rất vui và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi có ý tưởng về 1 Razer như ngày hôm nay.
Nhiều người thường nói với tôi rằng họ làm “quá sức” như vậy là để kiếm nhiều tiền hơn, nhưng hãy thử nghĩ mà xem, tiền bạc sẽ có ý nghĩa gì khi bạn chẳng có lấy được một chút vui vẻ nào từ công việc. Vì thế, đừng nên làm việc quá sức.
Chúc các bạn thành công!
---------
*Điểm F: đồng nghĩa với việc thi trượt.
>> Đại học Harvard rúng động vì bê bối gian lận thi cử lịch sử
Khanh Lưu