Viễn cảnh giao dịch dầu không dùng đồng USD
Iraq - một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn tại khu vực - cho biết sẽ cho phép giao dịch thương mại với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ thay vì đồng USD.
- 28-02-2023Thị trường ngày 28/02: Giá đường cao nhất 6 năm, dầu, quặng sắt, ngũ cốc đồng loạt giảm
- 27-02-2023Giá dầu dự báo tăng mạnh
- 25-02-2023Thị trường ngày 25/2: Giá dầu tăng tiếp, vàng thấp nhất 8 tuần, sắt thép, đường và cà phê đồng loạt giảm
Iraq là một trong năm quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và hiện là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong OPEC. Trong động thái mới nhất, Ngân hàng Trung ương Iraq đã tuyên bố sẽ cho phép các giao dịch với Trung Quốc được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ. Đây cũng là lần đầu tiên Iraq chấp nhận giao dịch thương mại xuyên biên giới không cần đồng USD .
Trang mạng Arab Weekly bình luận, động thái của Iraq là dấu hiệu mới nhất cho thấy vai trò ngày càng tăng của đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, khi Trung Quốc dần mở cửa thị trường tài chính và một số quốc gia tìm cách đa dạng hóa giỏ tiền tệ của mình.
Bước đi mới nhất của Iraq diễn ra trong bối cảnh tờ Thời báo phố Wall của Mỹ đưa một thông tin khiến dư luận không khỏi chú ý. Theo đó, các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới - đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, để Riyadh tiến tới chấp nhận giao dịch dầu bằng đồng Nhân dân tệ.
Trang mạng Tin tức Arab của Saudi Arabia cho biết, giới chức nước này đã từ chối bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên giới phân tích không loại trừ khả năng Riyadh sẽ chấp nhận một phần giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ, để qua đó thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ với Trung Quốc.
Việc Washington thời gian qua sử dụng đồng USD như một thứ vũ khí tiền tệ là công cụ đề trừng phạt một số quốc gia đã khiến nhiều nước giảm niềm tin vào đồng USD. Ảnh minh họa.
Nhìn lại lịch sử, đồng USD được các quốc gia chấp nhận trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa vào niềm tin về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, cũng như độ mở và tính ổn định của nền kinh tế này.
Nhưng nay theo một số trang báo tại Trung Đông, việc Washington thời gian qua sử dụng đồng USD như một thứ vũ khí tiền tệ là công cụ đề trừng phạt một số quốc gia đã khiến nhiều nước giảm niềm tin vào đồng USD.
Trang mạng Middle East Monitor cho biết, cũng không chỉ Iraq hay Saudi Arabia, một số quốc gia như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ấn Độ hay Pakistan cũng đã đạt được một số thỏa thuận với Nga hay Trung Quốc để tiến tới thanh toán các giao dịch dầu hay một số loại hàng hóa khác bằng các loại tiền tệ tương ứng của họ.
Giới phân tích nhìn chung đều cho rằng, quay lưng lại hoàn toàn với đồng USD để giao dịch dầu bằng đồng Nhân dân tệ là điều khó xảy ra. Nhưng cũng cần lưu ý rằng trong OPEC+ hiện nay, 40% sản lượng là đang đến từ Nga, Venezuela và Iran. Đây đều là các nước đang chịu cấm vận của Mỹ. Với những nước này, việc từ bỏ đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ hẳn không còn gì mong muốn hơn. Đó là lý do vì sao Trung Đông cho rằng để tiến tới giao dịch dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ có thể còn là một quá trình, nhưng nó đang là một xu hướng không thể bỏ qua.
VTV.VN