Viện Kiểm sát: Toà án bỏ lọt tội phạm khi tuyên nguyên phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái vô tội
Trong bản kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái khẳng định bản án sơ thẩm đã bỏ lọt người phạm tội khi tuyên bị cáo Đinh Tiến Hùng, nguyên phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, vô tội
- 27-09-2023Đại lý ủy quyền hai nhà mạng tiếp tay cho tội phạm 'hack' tài khoản ngân hàng
- 25-07-2023Đường dây tội phạm do người Trung Quốc cầm đầu: Đòi nợ kiểu "xã hội đen", ghép ảnh "nóng", ảnh thờ
- 24-07-2023Đánh sập "ổ nhóm" tội phạm do người Trung Quốc cầm đầu, chuyển 5.000 tỉ ra nước ngoài
Ngày 20-11, nguồn tin cho biết Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm xét xử của TAND tỉnh Yên Bái đối với ông Đinh Tiến Hùng, nguyên phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, cùng đồng phạm.
Ông Đinh Tiến Hùng, nguyên phó bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, sau khi được toà tuyên án vô tội. Ảnh: Đ.V.
Trong kháng nghị, VKSND tỉnh Yên Bái khẳng định bản án sơ thẩm đã bỏ lọt người phạm tội khi tuyên bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Theo bản kháng nghị, bản án sơ thẩm không khách quan, toàn diện khi đánh giá cáo trạng của VKSND tỉnh Yên Bái chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Nguyễn Văn Hậu, cựu giám đốc công ty TNHH Tuyên Huy, để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng việc khai thác quặng trái phép tại mỏ núi Ngàng.
VKSND đánh giá lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu dữ liệu điện tử được cơ quan điều tra thu thập theo quy định. Tất cả đều cho thấy ông Hùng "thường xuyên theo dõi, chỉ đạo quá trình khai thác".
Cụ thể, VKSND cáo buộc ông Hùng gọi điện hỏi Bùi Minh Đức, công nhân công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, về việc sửa chiếc máy xúc dùng để khai thác mỏ trái phép; nhắn tin hỏi số điện thoại của người làm công việc quản lý trên mỏ; nhắc Lăng Đức Hân, cựu giám đốc công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, nộp tiền điện dùng vào việc khai thác mỏ: "A cho kế toán nộp tiền điện này cái nhé. K mai nó cắt"...
VKSND đánh giá khi vụ án bị phát hiện, ông Hùng cùng các bị cáo đã bàn cách đối phó với cơ quan điều tra. Trong file ghi âm được đồng phạm giao nộp, ông Hùng khuyên người này "tránh đi một thời gian, phòng điều tra đang thụ lý vụ án ấy ít người, không làm gì được đâu, sẽ đóng án sớm thôi".
VKSND tin rằng có hàng loạt tài liệu chứng cứ được thu thập hợp pháp đã thể hiện sự thật khách quan về việc tham gia chỉ đạo của ông Hùng với hoạt động khai thác trái phép nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm đã đánh giá không đúng.
Theo đó, bản kháng nghị, VKSND tái khẳng định việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Hùng vô tội là "bỏ lọt người phạm tội giữ vai trò tổ chức".
Do đó, VKSND tỉnh Yên Bái đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án hình sự nêu trên theo hướng ông Đinh Tiến Hùng đã phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Đồng thời, 2 bị can khác phạm tội và không cho 1 bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà áp dụng tình tiết tăng nặng.
Theo cáo buộc, trong thời gian từ tháng 10-2020 đến ngày 30-12-2020, lợi dụng hợp đồng nổ mìn sửa chữa, nâng cấp đường lên mỏ công ty Tuyên Huy, Lăng Đức Hân cùng đồng phạm đã sử dụng trái phép 2.768 kg thuốc nổ các loại, 3.391 kíp nổ các loại để khai thác trái phép quặng chì - kẽm trong các hầm lò có sẵn tại mỏ của công ty Tuyên Huy và mỏ dưới thuộc thôn Làng Rẫy (xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình) với tổng khối lượng 1.096 tấn quặng chì - kẽm, giá trị hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, số quặng khai thác trái phép tại mỏ công ty Tuyên Huy là 1.073 tấn quặng chì - kẽm, giá trị hơn 2 tỉ đồng.
Trong vụ án, cựu phó bí thư tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng bị cáo buộc có vai trò là người khởi xướng, đặt vấn đề và đưa ra mức hưởng lợi nhuận của bản thân cũng như với công ty Tuyên Huy. Cùng với đó, Hùng thống nhất giao cho bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng "lùn") tìm người lên mỏ để triển khai thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và phải chịu trách nhiệm đối với lượng khoáng sản khai thác trái phép tại mỏ của công ty Tuyên Huy là hơn 1.073 tấn quặng chì - kẽm, có giá trị hơn 2 tỉ đồng.
Về những cáo buộc này, HĐXX thấy cáo trạng xác định tại cuộc gặp ngày 18-10-2020 tại quán cà phê Đồng Tâm (TP Yên Bái), Đinh Tiến Hùng đặt vấn đề với Tuấn và Hậu với nội dung: "Các ông có mỏ, tôi thì có quan hệ, bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn, tôi sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế, còn Hùng "lùn" đi tìm người về khai thác quặng. Sau khi khai thác và bán quặng, tính toán trừ đi chi phí quan hệ, chi phí sản xuất thì Đinh Tiến Hùng sẽ lấy 1/3, 2/3 còn lại của công ty Tuyên Huy và Hùng "lùn"". Sau khi nghe lời đề nghị của Đinh Tiến Hùng, Hậu và Tuấn đồng ý.
HĐXX xét thấy bị cáo Hậu, Tuấn tại cơ quan điều tra và tại tòa nhiều lần thay đổi lời khai, nội dung khai báo về cuộc gặp với Đinh Tiến Hùng còn nhiều mâu thuẫn. Cáo trạng chỉ dựa duy nhất vào lời khai của bị cáo Hậu để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng, đặt vấn đề chia lợi nhuận và việc khai thác quặng trái phép là không đủ chứng cứ chứng minh. "Từ đó có đủ căn cứ kết luận bị cáo Đinh Tiến Hùng không phải là người khởi xướng, thúc đẩy hoạt động khai thác quặng trái phép" - HĐXX cấp sơ thẩm đánh giá.
Trong vụ án này, TAND tỉnh Yên Bái đã tuyên bị cáo Lăng Đức Hân, cựu giám đốc công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, 19 năm tù; Nguyễn Văn Hậu, cựu giám đốc công ty TNHH Tuyên Huy, 18 năm tù; Bùi Minh Đức, công nhân công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, 17 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trọng Tuấn, cựu phó giám đốc công ty TNHH Tuyên Huy, 14 năm tù; Bùi Mạnh Hùng, cựu phó giám đốc công ty TNHH Tuyên Huy, 17 năm tù. 4 bị cáo khác bị tuyên án 2 năm tù cho hưởng án treo đến 15 năm tù. Đáng chú ý, dù bị cáo buộc về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên song cựu phó bí thư tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng được Toà tuyên án vô tội.
Người Lao động