‘Viên thuốc đắng’ 384 tỷ USD của các nền kinh tế mới nổi trước Trung Quốc: Hy vọng thay thế trở thành công xưởng hàng giá rẻ tan vỡ
Trong 12 tháng tính đến tháng 8/2024, thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế mới nổi đạt 384 tỷ USD, tăng 56% so với năm 2021. Rõ ràng Trung Quốc sẽ không từ bỏ vị thế công xưởng giá rẻ cho nước khác.
- 03-12-2024Trung Quốc áp dụng biện pháp đối phó hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ
- 03-12-2024Trước cảnh 2 triệu km vuông bị cát nuốt chửng, Trung Quốc phát minh ‘tấm lưới’ khổng lồ giúp mang cây xanh phủ kín hoang mạc khiến thế giới nể phục
- 03-12-2024Mỹ tiếp tục siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc
- 03-12-2024Kỳ tích 30 năm biến sa mạc thành ốc đảo xanh của Trung Quốc, chuyên gia: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng sợ
Mắc kẹt
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc đang tràn vào các nền kinh tế mới nổi khiến hàng loạt quốc gia đau đầu tìm cách giải quyết. Tồi tệ hơn, kỳ vọng thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới đang tan vỡ.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết kể từ đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi đã tăng 19%. Nhập khẩu từ các thị trường mới nổi trong cùng kỳ đã tăng 11%.
Trong 12 tháng tính đến tháng 8/2024, thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế mới nổi đạt 384 tỷ USD, tăng 56% so với năm 2021.
Đây là một viên thuốc đắng mà các nước đang phát triển phải nuốt vì nhiều người mong đợi Trung Quốc từ bỏ sản xuất cấp thấp khi nền kinh tế của nước này trưởng thành.
Nhiều nước đã hy vọng xu thế Trung Quốc dịch chuyển lên trong chuỗi cung ứng sẽ mở ra cánh cửa cho các quốc gia khác chuyển sang các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may và thép, đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế của họ.
Thế nhưng, Trung Quốc đã giữ lại các ngành sản xuất kỹ thuật thấp hoặc thâm dụng lao động trong khi không làm gì nhiều để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng để có thể hấp thụ những gì mình sản xuất.
Hệ quả là thị phần xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc vào năm 2023 tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2019 lên 15%.
"Các nền kinh tế mới nổi không có cơ hội xuất khẩu những sản phẩm cấp thấp đến trung bình mà họ từng kỳ vọng có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Họ đang bị mắc kẹt", Phó giám đốc Camille Boullenois của Rhodium Group tại Brussels nhận định.
Phần lớn sự dư thừa hiện tại bắt nguồn từ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hỗ trợ khu vực nhà máy của mình để duy trì nền kinh tế ổn định.
Kể từ khi bong bóng bất động sản nổ tung vào năm 2021, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đổ tiền vào ngành công nghiệp, dẫn đến sản lượng tăng vọt và xuất khẩu tăng vọt.
Với việc Mỹ và Châu Âu tăng thuế quan để ngăn chặn sản lượng dư thừa đó, các nền kinh tế đang phát triển đã trở thành một lối thoát hợp lý cho hàng giá rẻ Trung Quốc.
Cú sốc Trung Quốc
Theo WSJ, việc ông Donald Trump tuyên bố tăng thuế quan với Trung Quốc khiến hàng giá rẻ từ đây sẽ chuyển hướng sự dư thừa của mình sang các nước đang phát triển như Indonesia, Pakistan cho đến Brazil.
Điều này khiến nhiều nước lo lắng vì hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây áp lực lên các nhà máy của họ, xóa bỏ việc làm và cản trở nỗ lực phát triển sản xuất trong nước.
Trên thực tế nhiều quốc gia mới nổi đã trông cậy vào việc Trung Quốc dịch chuyển lên mảng kỹ thuật cao hơn trong chuỗi cung ứng để họ có thể mở rộng sản xuất các ngành thâm dụng lao động để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thế nhưng giấc mơ này đã tan vỡ khi nhiều quốc gia đang phát triển hiện lo ngại rằng họ sẽ phải chịu đựng cùng một loại "Cú sốc Trung Quốc" (China Shock) đã tàn phá ngành công nghiệp Mỹ trong 1/4 thế kỷ trước bằng con đường thuê ngoài (Outsourcing).
Tờ WSJ cho hay Mỹ đã mất hơn 2 triệu việc làm từ năm 1999 đến năm 2011 khi các nhà sản xuất đồ nội thất, đồ chơi và quần áo chịu sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Hiện nay, tình hình tương tự đang diễn ra ở một số nước mới nổi có thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.
Tại Thái Lan, số liệu của KKP Research cho thấy hơn 1.700 nhà máy đã đóng cửa từ đầu năm 2023 đến quý I/2024 sau khi xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này tăng vọt.
Đáp trả, báo cáo của Global Trade Alert cho thấy các nước đang phát triển đã thực hiện gần 250 biện pháp phòng vệ thương mại nhắm đến hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ đầu năm 2022, bao gồm thuế quan, điều tra chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp.
Đặc biệt dù Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva có quan hệ thân thiết với Trung Quốc nhưng nước này vẫn chiếm đến hơn 120 trong số 250 biện pháp trên. Thành viên của Tổ chức các nền kinh tế đang phát triển (BRICS) này đã tăng thuế đối với phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông và thép sản xuất tại Trung Quốc.
Tháng 10/2024, Indonesia đã cấm Temu, ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc chuyên vận chuyển hàng hóa giá rẻ trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc đến tận cửa nhà người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Phía chính phủ Indonesia cho biết mô hình này làm tăng nguy cơ bán phá giá cũng như hủy hoại nền kinh tế địa phương.
"Nếu các sản phẩm nước ngoài vào thị trường với mức giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ của chúng tôi, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các sản phẩm rẻ hơn. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ nội địa khó lòng cạnh tranh nổi", ông Prabunindya Revta Revolusi của Bộ Truyền thông Indonesia cho biết.
Nỗ lực bất thành
Tờ WSJ cho hay một số nhà lãnh đạo đã cố gắng tìm kiếm giải pháp nhưng bất thành.
Tháng 7/2024, Thủ tướng Bangladesh khi đó là Sheikh Hasina trong chuyến thăm Bắc Kinh đã cố gắng tạo ra "mối quan hệ thương mại công bằng hơn" với Trung Quốc khi nước này đang thặng dư đến 22 tỷ USD/năm với Bangladesh.
Tuy nhiên tất cả những gì mà Thủ tướng Hasina nhận được khi đó chỉ là một cam kết chấp nhận nhập khẩu xoài từ Bangladesh.
Tương tự vào tháng 9/2024, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã đưa ra những lời kêu gọi thương mại công bằng trong chuyến thăm Bắc Kinh khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Nam Phi đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016.
Tệ hơn, việc Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ suy yếu khiến hàng hóa xuất khẩu của mình rẻ hơn càng khiến tình hình trầm trọng do các nền kinh tế mới nổi còn quá yếu để chống chịu với dòng lũ dư thừa sản lượng.
Ví dụ tại Brazil, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đổ lỗi phần lớn cho Trung Quốc về sự suy giảm của ngành công nghiệp nước này.
Mảng sản xuất từng chiếm 36% tổng sản phẩm quốc nội của Brazil vào năm 1985 thì nay chỉ đóng góp chưa đến 11% vào năm 2023.
Trong đó ngành thép là một vấn đề gây tranh cãi lớn. Brazil có một trong những nguồn cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới, một thành phần chính trong sản xuất thép.
Thế nhưng các doanh nghiệp thường xuất khẩu quặng sắt hơn 16.000 km đến Trung Quốc để nhập khẩu trở lại dưới dạng thép thay vì sản xuất ở địa phương.
Nguyên nhân thì đơn giản, chi phí sản xuất của Trung Quốc rẻ hơn khiến ngành thép lao đao còn nhà đầu tư thì không muốn rót tiền vào Brazil nữa.
"Đầu tư vào một quốc gia mà khoảng 20% đến 23% thép đã được nhập khẩu thì có ích gì?", Giám đốc Jefferson de Paula của ArcelorMittal tại Brazil cho biết.
Chính phủ Brazil gần đây đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép như dây và cáp nhưng các doanh nghiệp thấy chưa đủ và đã kêu gọi hạn chế hoàn toàn đối với hàng nhập khẩu.
Phụ thuộc
Hàng Trung Quốc dù mang lại lợi ích đáng kể cho những người tiêu dùng nghèo và các công ty Trung Quốc ở nước ngoài cũng tạo ra việc làm.
Thế nhưng lợi nhuận cuối cùng lại chảy vào túi doanh nghiệp Trung Quốc chứ không phải người dân bản địa, đó là chưa kể các ngành kinh tế nội địa sẽ bị xói mòn dần để phụ thuộc vào nước ngoài.
Bởi vậy tại Ấn Độ, chính phủ đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đối với bảng mạch, tia laser công nghiệp và tấm vinyl dùng để làm biển báo.
Chủ tịch Ashish Bharat Ram của công ty hóa chất Ấn Độ SRF cho biết sự cạnh tranh của Trung Quốc không chỉ là vấn đề đối với thị trường trong nước mà còn làm giảm lợi nhuận của các công ty thị trường mới nổi kiếm được ở nước ngoài.
Lợi nhuận ròng tại SRF trong 6 tháng tính đến tháng 9 đã giảm 29% so với năm trước, ở mức khoảng 76 triệu USD. Nguyên nhân phần lớn là do công ty buộc phải giảm giá để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc có hàng giá rẻ tại châu Âu và các thị trường lớn khác.
"Đây là chiến lược điển hình của họ nhằm giành thị phần bằng mọi giá", ông Bharat Ram than thở.
Tại Indonesia, các công ty Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la để đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy xuất khẩu Niken và các mặt hàng khác của Indonesia.
Mặc dù vậy đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn như Pt. GMS, một nhà sản xuất đồ chơi do gia đình sở hữu tại thành phố Surabaya, sự cạnh tranh của Trung Quốc đang khiến họ khó có thể tồn tại.
Xuất khẩu đồ chơi của Trung Quốc sang nước này đã tăng gấp đôi từ chỉ dưới 400 triệu USD vào năm 2018 lên khoảng 850 triệu USD vào năm 2023.
"Giống như họ đang đốt tiền để bán hàng giá rẻ vậy", Giám đốc Winata Riangsaputra ngậm ngùi.
Ông Riangsaputra cho biết nhà máy đã hoạt động hàng thập kỷ này đang cắt giảm nhân sự và chuyển sang các sản phẩm có giá trị thấp hơn, cần ít công nhân hơn, chẳng hạn như trò chơi xếp hình bằng giấy, nơi ông có thể tiết kiệm chi phí bằng cách mua nguyên liệu thô tại địa phương.
Trong khi đó hàng loạt tổ chức vận động hành lang khác đang kêu gọi Indonesia có biện pháp cứng rắn hơn với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Ví dụ Hiệp hội Công nghiệp Gốm sứ Indonesia cho biết hơn 6 nhà máy gốm sứ của Indonesia đã đóng cửa vì đĩa và bát Trung Quốc giá rẻ.
Tuy nhiên động thái này quá rủi ro khi Indonesia xuất khẩu rất nhiều hàng hóa sang Trung Quốc
Trong một bài phát biểu vào tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Indonesia khi đó là Zulkifli Hasan, cho biết đất nước đang tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi nước này xuất khẩu dư thừa công suất sang đây.
Bộ trưởng Hasan cho biết ông sẽ sớm hoàn tất mức thuế lên tới 200% đối với các sản phẩm như hàng dệt may và gốm sứ để bảo vệ ngành công nghiệp địa phương.
Tuy nhiên cho đến hiện tại, Indonesia vẫn chưa có động thái gì.
*Nguồn: WSJ
Nhịp sống thị trường