MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện Tối cao bị sai về tội danh vụ hối lộ ở VN Pharma

08-07-2019 - 08:42 AM | Xã hội

Vụ hối lộ liên quan đến VN Pharma có sai lầm trong áp dụng tội danh, vì vậy TAND Tối cao hoặc VKSND Tối cao cần kháng nghị giám đốc thẩm để xem xét lại cho đúng.

LTS: Trên hai số báo ngày 5 và 6-7, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu những ý kiến xung quanh việc định tội danh vụ hối lộ liên quan đến VN Pharma mà VKSND Tối cao đã truy tố , TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử. Chúng tôi tạm khép lại diễn đàn này bằng phân tích của TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM và luật sư Vũ Phi Long - nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM.

Trong vụ này, việc các cơ quan tố tụng áp dụng tội danh đối với các bị cáo còn có nhiều vấn đề đáng bàn, nhất là đối với bị cáo Lê Phú Toàn. Cơ sở lý luận để định tội danh trong vụ án này là lý luận định tội danh trong trường hợp sai lầm.

Định tội danh Quốc và Sơn đúng, Toàn thì sai

Đối với bị cáo Quốc, bị cáo đã có hành vi đưa hối lộ nhằm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hành vi này trên thực tế đã không xâm phạm được hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước (do không chứng minh được hành vi nhận hối lộ). Đây là trường hợp sai lầm về khách thể (định xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước nhưng không xâm phạm được). Đối với trường hợp sai lầm này việc định tội danh của bị cáo theo tội danh mà bị cáo định xâm phạm vì nó mới thể hiện được bản chất đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do đó, hành vi của bị cáo Quốc trong vụ án này đã có đầy đủ dấu hiệu của tội đưa hối lộ.

Đối với bị cáo Sơn, Sơn có hành vi thông qua Toàn để giúp Quốc đưa hối lộ và bản thân bị cáo cũng cho rằng Toàn sẽ thực hiện hành vi đưa hối lộ. Tuy nhiên, thực tế hành vi của Sơn cũng không xâm phạm được hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Đây cũng là trường hợp sai lầm về khách thể như bị cáo Quốc. Do đó, hành vi của Sơn đủ yếu tố cấu thành tội môi giới hối lộ (tội danh mà bị cáo định thực hiện trong trường hợp sai lầm về khách thể).

Đối với bị cáo Toàn, vì không chứng minh được người nhận hối lộ nên không có cơ sở để kết luận Toàn đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Bị cáo Toàn hoàn toàn không có sai lầm trong việc xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, vậy nên không thể phạm tội môi giới hối lộ. Trong trường hợp này phải xem Toàn đã chiếm đoạt số tiền đã nhận được từ Sơn, do đó hành vi của Toàn có đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Viện Tối cao bị sai về tội danh vụ hối lộ ở VN Pharma - Ảnh 1.

Bị cáo Ngô Anh Quốc (bìa trái), cựu phó tổng giám đốc VN Pharma, tại phiên tòa phúc thẩm vụ buôn lậu thuốc hồi tháng 10-2017 (nay VKSND Tối cao vừa truy tố lại Quốc và 11 đồng phạm về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh). Ảnh: HOÀNG GIANG

Từng áp dụng trong vụ án “gốc” VN Pharma

Có ý kiến tranh luận về tội danh đối với bị cáo Toàn - với lý do tội môi giới hối lộ nhẹ hơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên, điều này không đúng với lý luận định tội danh, chúng ta chỉ có thể so sánh khi trường hợp hành vi phạm tội đều cấu thành cả hai tội, lúc đó mới đặt ra vấn đề cạnh tranh tội danh. Còn trong trường hợp này, hành vi của Toàn không xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, do đó không phạm tội môi giới hối lộ và từ đó không thể so sánh với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không chứng minh được có người nhận hối lộ

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên phúc thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ đưa hối lộ liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Theo đó, tòa xử Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) năm năm tù về tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn (giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Sơn) 17 tháng 17 ngày tù và Lê Phú Toàn (phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thạch Bàn) 14 tháng 30 ngày tù, cùng về tội môi giới hối lộ.

Đồng thời, bản án phúc thẩm cũng xác định chỉ có người đưa hối lộ, không có người nhận hối lộ dù các bị cáo đã khai "đích đến" của việc đưa hối lộ. Cụ thể, sau khi Quốc chuyển cho Sơn 10,8 tỉ đồng nhờ "chạy án", Sơn đã chuyển 7,2 tỉ đồng cho Toàn và Toàn khai có chuyển tổng cộng 6,1 tỉ đồng và 50.000 USD cho hai người làm việc tại Vụ 1, VKSND Tối cao là NTT và BTT để giúp cho Quốc.

Việc cạnh tranh tội danh này cũng đã được vận dụng để giải quyết tranh chấp về tội buôn lậu hay tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh trong vụ án VN Pharma. Trước đây, các cơ quan tố tụng từng xử các bị cáo (trong đó có bị cáo Ngô Anh Quốc) về tội buôn lậu, sau đó TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng truy tố các bị cáo tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Và mới đây nhất, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố các bị cáo về tội buôn bán hàng giả… như đã nói.Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp hành vi của Toàn có đủ dấu hiệu của hai tội này thì tội danh được xác định vẫn là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội môi giới hối lộ. Bởi lẽ nếu hành vi phạm tội xâm hại nhiều khách thể thì phải lựa chọn khách thể nào thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội nhất để định tội. Ở đây, mức hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nặng hơn so với mức hình phạt cao nhất của tội môi giới hối lộ, tức khách thể mà Toàn xâm hại thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội nhất.


Truy tố, xét xử bị cáo Toàn tội môi giới hối lộ là sai!

Tòa hai cấp xử Ngô Anh Quốc tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn tội môi giới đưa hối lộ là đúng. Còn chuyện không tìm ra người nhận hối lộ không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án. Đối với tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì không cần kết quả, chỉ cần mặt khách quan được biểu hiện ra thì tội phạm được coi là đã hoàn thành. Ý thức chủ quan của hai bị cáo là cái khoản tiền này đưa hối lộ, họ tin như vậy, nhằm đạt mục đích thoát tội.

Hai bị cáo này có ý định xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, đã biểu hiện đầy đủ chuỗi hành vi để thực hiện việc xâm phạm này nhưng bất thành. Trường hợp này, xử lý tội phạm về hành vi mà họ định xâm phạm là phù hợp hành vi khách quan và tính chất nguy hiểm của hành vi này.

Khi còn làm thẩm phán, tôi từng xử rất nhiều vụ án thuộc trường hợp này rồi. Các bị cáo đưa hối lộ, môi giới hối lộ đều không chứng minh được đã đưa tiền cho ai nhưng mặt khách quan của hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ đã được biểu hiện ra.

photo-1

Sau khi vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma bị phát hiện, bị cáo Ngô Anh Quốc chủ động đưa hối lộ rồi chủ động tự thú trước khi vụ việc được phát hiện. Quốc bị xử phạt 5 năm tù về tội đưa hối lộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Riêng bị cáo Lê Phú Toàn, mặc dù liên hệ các đầu mối, không chỗ nào nhận lời nhưng Toàn vẫn yêu cầu Quốc chuyển tiền. Toàn không có khả năng thực hiện thành công việc môi giới (mặc dù ban đầu có ý định là môi giới) nhưng vẫn cung cấp thông tin, đưa ra lời hứa hẹn, làm cho người nhờ "chạy án" tin tưởng Toàn có thể thực hiện công việc được. Đứng về góc độ pháp luật thì hành vi này chính xác là lừa đảo. Yếu tố quyết định ở đây là sự gian dối, Toàn biết rất rõ là mình sẽ "chạy án" bất thành nhưng vẫn lợi dụng các mối quan hệ để tạo niềm tin cho người hối lộ đưa tiền.

Thứ nhất, Toàn liên hệ với phía VKSND Tối cao rồi kiểm sát viên trung cấp, những nơi này đều trả lời là "không giúp được". Thế nhưng Toàn vẫn trao đổi lại với Sơn là cán bộ VKSND Tối cao đã nhận lời, đi kèm điều kiện chi 500.000 USD. Sau đó, Toàn liên tục thúc giục Quốc chuyển tiền.

Thứ hai, tại phiên tòa, Toàn khai là "để tiền ở nhà, không đưa cho cán bộ VKSND, suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng sẽ trả lại…". Ban đầu Toàn khai đưa tiền cho người này, người kia nhưng không chứng minh được. Ra phiên tòa, Toàn lại nói giữ ở nhà. Như vậy, Toàn không những không chứng minh được đã đưa tiền cho ai mà còn khai bậy.

Thứ ba, bản thân Toàn đang giữ tiền và biết rõ tiền này dùng để đưa hối lộ nhưng việc hối lộ bất thành. Ban đầu, tại CQĐT, Toàn khai đưa tiền cho người này, người kia nhưng không chứng minh được đưa cho ai. Đồng thời, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều thể hiện rõ những người mà Toàn khai đã đưa tiền cho họ đều khẳng định là đã trả lời Toàn "giúp không được". Tuy nhiên, tại phiên tòa, Toàn khai để tiền ở nhà mình, không đưa cho cán bộ nào. Để tiền ở nhà mà vẫn yêu cầu luật sư của Quốc chuyển thêm tiền. Hành vi này thể hiện rõ ý thức dùng việc đưa hối lộ nhằm chiếm đoạt tài sản.

Toàn nhận thức rõ khoản tiền này đưa hối lộ, đã liên hệ các cán bộ VKSND Tối cao rồi nhưng đều nhận được câu trả lời "không được" thì có nghĩa không thể thực hiện việc đưa hối lộ được. Bản thân Toàn biết rất rõ điều này, nhận thức rất rõ về số tiền và việc không hối lộ được nhưng vẫn yêu cầu chuyển tiền.

Bản án cũng đã thể hiện rõ là không chứng minh được những kiểm sát viên liên quan đồng ý giúp. Toàn cũng khẳng định không đưa cho ai số tiền đã nhận. Một khi đã không đưa cho ai thì Toàn giữ tiền của những người nhờ vả này làm gì nếu không là lợi dụng việc môi giới để chiếm đoạt tiền.

Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

_______________________

(*) TS Phan Anh Tuấn hiện là trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM.

Theo TS Phan Anh Tuấn

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên