MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện trưởng VKSND Tối cao: Gây thất thoát, lãng phí 100 triệu đồng đã phải ở tù là rất nặng

02-06-2022 - 14:54 PM | Xã hội

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, cần rà soát nghiên cứu để làm sao vừa chặt chẽ trong quản lý, răn đe giáo dục, không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Bảo vệ tốt hơn người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính

Sáng 2/6, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí chia sẻ, cá nhân ông "vừa mừng vừa lo": Mừng vì dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng cũng rất lo bởi hậu quả của dịch lớn cộng với tác động của thế giới, nhất là cuộc xung đột Nga – Ukraine, khiến kinh tế thế giới đầy khó khăn và thách thức, có nguy cơ lạm phát cao. Kinh tế Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

 Viện trưởng VKSND Tối cao: Gây thất thoát, lãng phí 100 triệu đồng đã phải ở tù là rất nặng  - Ảnh 1.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh Như Ý

“Lúc này đòi hỏi chúng ta phải chung sức, đồng lòng để vượt qua khó khăn, thử thách. Tôi đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ khi ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển KTXH hay miễn giảm thuế… Hiện nay, người dân và doanh nghiệp rất khó khăn nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất, kinh doanh nên việc không tăng thuế, giảm, miễn thuế là quyết sách đúng, kịp thời, góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát, hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp”, ông Trí cho hay.

Viện trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế sâu hơn, dài hơn, không chỉ 2% trong năm 2022 mà có thể 2 năm hoặc hơn tùy lĩnh vực, đối tượng.

“Chúng ta không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý, đối tượng nào ảnh hưởng nặng nề nhất và khu vực nào có khả năng phục hồi nhanh và hằng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp”, ông cho hay.

Bên cạnh đó, để những quyết sách đúng đắn này nhanh chóng đi vào cuộc sống, ông kiến nghị Chính phủ có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến UBND các tỉnh, thành phố, có tiến độ cụ thể và đánh giá hằng quý. Quốc hội cần có giám sát hiệu quả thực hiện, đảm bảo không để triển khai chậm.

“Thực ra chúng ta có ý tưởng tốt, đúng nhưng thiếu và hạn chế trong triển khai thực hiện. Thực tế, khối lượng công việc trong Nghị quyết 43 của Quốc hội rất lớn mà thời hạn thực hiện không dài nên cần khẩn trương, có tiến độ cụ thể”, ông nói.

Cùng với đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá, đồng thời có chủ trương chỉ đạo tăng cường cuộc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu. Đây là vấn đề không mới, cần làm, đã làm nhưng làm chưa tốt, chưa hiệu quả. Giờ trong lúc khó khăn cần làm mạnh mẽ, hiệu quả hơn để chống thất thu và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng không ai kêu ca gì và sẽ được sự ủng hộ của nhân dân.

“Làm tốt việc này sẽ thiết lập được trật tự và công bằng trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay. Chúng ta phải bảo vệ tốt hơn người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo niềm tin, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Chúng ta phải đảm bảo sự công bằng của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong lúc càng khó khăn, càng phải công bằng mới huy động được nguồn lực cho sự đầu tư, phát triển”, ông Trí cho hay.

“Sai thì sửa, nhưng cần tiếp tục làm

Viện trưởng VKSND Tối cao cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát tháo gỡ nhanh bất cập vướng mắc phát sinh. Theo ông, thời gian qua, chúng ta tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, hệ thống chính trị, xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây hậu quả thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Thế nhưng chúng ta cũng cần phải kịp thời ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật trong từng lĩnh vực, đảm bảo bịt những lỗ hổng trong quản lý và tạo điều kiện cho sự phát triển và sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân, cần tạo hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.

“Vừa qua, một số vụ án liên quan đến ngành y tế, việc tổ chức đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực xã hội bị dừng lại. Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Sai thì sửa, nhưng cần tiếp tục làm, nếu ta cứ để kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh.

Bác sĩ của chúng ta có tay nghề, kinh nghiệm không kém các nước, nhưng nếu chúng ta không có trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại thì sẽ tụt hậu và người dân sẽ phải mất chi phí cao hơn trong khám chữa bệnh ở nước ngoài, ta mất đi nguồn thu dịch vụ này, còn nếu chờ ngân sách đầu tư chậm”, ông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan liên quan, ban hành nhanh văn bản tháo gỡ ngay vấn đề bất ổn trong lĩnh vực này.

Qua thực tế công việc, ông cũng kiến nghị Quốc hội xem xét rà soát một số điều khoản trong Luật hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017, đặc biệt là quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219). Cụ thể, khoản 1 của điều luật này quy định: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 –5 năm.

Ông Trí cho rằng, điều khoản này rất nghiêm khắc, tạo áp lực và có thể tạo rủi ro cao trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước.

"Tất nhiên cần phải có biện pháp xử lý nghiêm để giữ gìn và quản lý tài sản cho tốt, nhưng nếu so với điều 165 của Bộ Luật hình sự cũ thì tội cố ý làm trái và gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự.

Trong khi đó, theo quy định ở điều 219, chỉ cần vô ý, hoặc do bên dưới đề xuất mà kiểm soát không được, dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu tới dưới 300 triệu đồng thì đã có thể ở tù 1-5 năm", Viện trưởng VKSND tối cao phân tích và cho rằng có thể xem xét "mở", tức là sau khi phát hiện sai phạm gây thất thoát, trong trường hợp khắc phục được thì "có xử lý hình sự hay không?", hoặc thiệt hại có thể quy mô trên 100 triệu đồng.

Theo ông Trí, với quy mô quản lý tài sản hiện nay mà "100 triệu đã phải ở tù là rất nặng".

Ông Trí cho rằng, vừa qua Bộ Chính trị và Đảng đã có kết luận về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì công việc chung. "Chúng ta đang có hướng mở ra bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, trong khi một bên là một điều khoản luật đang có hiệu lực thi hành rất nghiêm khắc, thì cần rà soát nghiên cứu để làm sao vừa chặt chẽ quản lý, răn đe giáo dục, không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ”, ông Trí cho hay.


Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên