Việt Nam bao giờ hết bi kịch "sợ cạnh tranh"?
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đang xếp thứ 71 trên 140 nền kinh tế về sức cạnh tranh, trong khi đó, Malaysia đứng thứ 9, còn Thái Lan đứng vị trí 52.
- 24-07-2015Dự kiến bỏ độc quyền kinh doanh điện và xăng dầu
- 05-05-2012Hủy thế độc quyền kinh doanh yến sào
- 04-12-2011Vì sao NHNN cần độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng?
- 26-11-2011Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng
Kết quả này dường như là bi kịch của nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta “vừa thích thị trường, vừa sợ thị trường, sợ cạnh tranh” như nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Trong quá trình cải cách, Việt Nam luôn lưỡng lự, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường, không có tư duy cạnh tranh. Bởi vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam chưa có thị trường đúng nghĩa, nhìn đâu cũng méo mó thiên lệch.
Các chuyên gia chỉ ra, về thị trường, không có thuật ngữ “cạnh tranh nhiều quá” chỉ có bình đẳng hay không bình đẳng, công bằng hay không công bằng mà thôi.
Do đó, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược đã nhấn mạnh một cách quyết liệt, để có được một thị trường đúng nghĩa, có sự cạnh tranh thúc đẩy nền kinh tế, Việt Nam phải chống được độc quyền.
Australia đã thực hiện việc này từ rất sớm, từ những năm 1970, 1980 nhằm tạo môi trường thuận lợi, nhiều tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể Australia đã loại bỏ những ưu đãi, bóp méo cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, áp dụng nguyên tắc cạnh tranh trung lập: trung lập hoá bất cứ yếu tố cạnh tranh nào; trung lập về đánh thuế, không được hưởng, giảm các loại thuế ưu đãi, đánh thuế dựa trên năng lực cạnh tranh; trung lập về nợ;…
Nhờ những chính sách cải cách về cạnh tranh trong thập niên 90, GDP của Australia tăng thêm 2,5%. Người tiêu dùng Australia hiện nay có sự lựa chọn các nhà cung cấp trong một số thị trường như điện, gas, viễn thông,...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì với hiện trạng của Việt Nam như hiện nay, thì khó mà áp dụng ngay được. Ông Cung cho biết vai trò của nhà nước hiện nay chưa phù hợp, cản trở cải cách kinh tế thị trường, các nhóm lợi ích đang mạnh, những khác biệt về thể chế đã khiến cho nhiệm vụ của Việt Nam thách thức hơn Australia rất nhiều.
Đây cũng là quan điểm của TS Lưu Bích Hồ khi cho rằng chống độc quyền ở Việt Nam không hề dễ dàng. Theo ông, bài học từ Australia là hữu ích, nhưng của họ là “đẳng cấp khác” và “còn lâu mới làm được như họ”. Việt Nam hiện tại có đủ thứ chuyện – ông Hồ cho biết.
Dù vậy, câu chuyện thành công trong việc xoá bỏ độc quyền thị trường viễn thông nhờ đó nhiều nhà cung cấp mạng di động được tham gia vào thị trường, giúp giá cước giảm mạnh, không còn thứ xa xỉ đối đối với người tiêu dùng vẫn được xem là động lực. Như cách chốt lại vấn đề của ông Nguyễn Đình Cung, phải có tham vọng và cần nuôi dưỡng thúc đẩy tham vọng đó, vì xét cho cùng, để phát triển, cần phải có kinh tế thị trường.