Việt Nam bùng nổ FDI, sức nóng lan qua biên giới: 'Tặng' món quà bất ngờ đưa Campuchia thành con hổ mới của châu Á?
Câu hỏi "Liệu Campuchia có trở thành Việt Nam tiếp theo hay không?" đã được giới phân tích nhiều lần đưa ra thảo luận khi đề cập năng lực thu hút đầu tư nước ngoài của hai quốc gia.
- 03-07-2023Việt Nam bùng nổ FDI, vươn mình thành 'cường quốc hút đầu tư' với loạt kỷ lục: Vượt mặt 'gã khổng lồ' châu Á
- 01-07-2022HSBC: Bùng nổ FDI vào Đông Nam Á, Việt Nam đã chuyển mình thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu
- 19-10-2021FDI vào các nước giàu tăng vọt khi điều kiện tiếp cận vaccine tốt hơn
Sự lan tỏa từ một Việt Nam đang trỗi dậy
Nhiều năm trước khi diễn ra những biến động lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động từ đại dịch COVID-19, theo công ty tư vấn Tilleke & Gibbins [có văn phòng đại diện tại 6 nước Đông Nam Á], nhiều doanh nghiệp đã nung nấu ý định chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc do chi phí sản xuất ở nước này ngày càng gia tăng.
Việt Nam được xem là một lựa chọn hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm lao động giá rẻ. Tuy nhiên, song song với Việt Nam, các nhà phân tích còn đặt câu hỏi về một quốc gia tiềm năng khác ở Đông Nam Á có khả năng trở thành "điểm nóng" đầu tư nước ngoài, đó là Campuchia.
Câu hỏi "Liệu Campuchia có trở thành Việt Nam tiếp theo hay không?" đã được giới phân tích nhiều lần đưa ra thảo luận.
Ngay từ năm 2008, tờ New York Times (Mỹ) đã đăng bài viết với tiêu đề "Đối với các nhà đầu tư, Campuchia có thể trở thành Việt Nam tiếp theo". Bài viết cho hay, tính tới cuối tháng 5/2008, đã có ít nhất 4 quỹ đầu tư tư nhân, được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư có tên tuổi, đặt mục tiêu rót 475 triệu USD đầu tư nước ngoài vào Campuchia.
Trả lời NYT, Marc Faber - chuyên gia quản lý quỹ và cố vấn đầu tư - nhận định: "Việt Nam đã gặt hái thành công tốt đẹp. Tôi cho rằng điều tương tự cũng có thể xảy ra với Campuchia".
Kathleen Ng, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Cổ phần Tư nhân châu Á (trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc), thì cho rằng những khoản đầu tư mà Campuchia nhận được ở đây phần lớn là nhờ "sự lan tỏa" từ một Việt Nam đang trỗi dậy như điểm thu hút đầu tư nước ngoài.
Ở thời điểm năm 2008, theo bà Ng, còn quá sớm để phát triển mạnh hoạt động đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Campuchia, tuy nhiên, đất nước này "đã chín muồi cho các thể chế tài chính phát triển".
Năm 2013, vấn đề về tiềm năng thu hút đầu tư của Campuchia một lần nữa được đề cập trong cuộc thảo luận trên Tạp chí sở hữu trí tuệ Asia IP số ra tháng 10 cùng năm.
Khi được hỏi liệu Campuchia có phải là điểm đến khả thi của một số nhà máy muốn rời khỏi Trung Quốc hay không, James Evans - chuyên gia của Tilleke & Gibbins - cho rằng quốc gia Đông Nam Á này là "ứng viên hàng đầu".
Song, ông đồng thời lưu ý "sự khác biệt về quy mô và dân số giữa Trung Quốc - Campuchia rất lớn, do đó, nền kinh tế Campuchia chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ trong quá trình tái cơ cấu đầu tư quy mô lớn như vậy".
Campuchia tăng tốc để bắt kịp Việt Nam
'Tiếng gầm' của Campuchia còn quá yếu ớt để trở thành con hổ tiếp theo của châu Á - Nếu như đây là nhận định vào năm 2008 của tờ EuroMoney (trụ sở tại London) về tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển của Campuchia, thì 14 năm sau (năm 2022), tờ AsiaMoney (Anh) cho biết Campuchia đang nỗ lực để bắt kịp Việt Nam.
Quốc gia này đã trải qua 2 năm khó khăn. Đại dịch COVID-19 làm chậm đà tăng trưởng ở khắp các lĩnh vực với mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ đó tác động đến "tam trụ" - đóng góp chính vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia - bao gồm hàng may mặc, xây dựng và du lịch.
Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực chiếm 70% GDP mà còn làm chệch hướng các khoản đầu tư vào dầu mỏ - vốn được Campuchia đánh giá là rất quan trọng đối với tương lai quốc gia.
Tuy nhiên, Virak Ou - người đứng đầu công ty nghiên cứu Future Forum ở Phnom Penh - cho rằng đối với một quốc gia nhỏ và còn nghèo như Campuchia thì nước này đã thuộc diện "thành công nhất" rồi.
Một số nhà quan sát chỉ vào mức độ mở rộng của nền kinh tế vĩ mô Campuchia trước khi đại dịch diễn ra, như một minh chứng cho thấy kinh tế nước này đã phát triển tốt như thế nào.
Theo AsiaMoney, các nhà phân tích cho rằng Campuchia có thể nối tiếp thành công và trở thành "Việt Nam tiếp theo", tuy nhiên, các động thái chính sách của Campuchia trong năm 2023 sẽ quyết định điều đó có thành hiện thực hay không.
Một vấn đề khác với Campuchia là nước này chưa có sự thể hiện tốt trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Ví dụ, trong báo cáo về mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Campuchia chỉ xếp thứ 144/190 nền kinh tế, trong khi đây là chỉ số không thể thiếu khi muốn thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ hạng của Campuchia cũng thiếu lạc quan khi xét đến các hạng mục cụ thể trong bản báo cáo như "khởi sự kinh doanh" (xếp thứ 187) và "thực thi hợp đồng" (thứ 182).
Theo Giám đốc điều hành Raymond Sia của Ngân hàng Canadia (Campuchia), bất cứ nỗ lực nào để đưa Campuchia vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất đều đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ chính phủ.
'Con hổ tiếp theo của châu Á' sắp hình thành?
Trong khi truyền thông nước ngoài và nhiều nhà phân tích quốc tế đánh giá Campuchia chưa có đủ tiềm năng để trở thành một thế lực mạnh ở Đông Nam Á thì các cơ quan truyền thông của quốc gia Đông Nam Á này lại cho thấy sự lạc quan.
Trong bài viết đăng ngày 19/12/2022, tờ Khmer Times cho hay, với tư cách "là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với lực lượng dân số trẻ gia tăng, và vị thế đang được chuyển đổi nhanh chóng thành điểm đầu tư hấp dẫn, Campuchia ngày càng được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà kinh tế xem là 'con hổ' tiếp theo của châu Á, theo sát Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc về nhiều mặt".
Khmer Times dẫn một báo cáo của WB cho thấy, nhờ xuất khẩu hàng may mặc tăng mạnh và ngành du lịch nở rộ mà nền kinh tế Campuchia đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,7% trong giai đoạn 1998-2009. Trong trung hạn, kinh tế Campuchia dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm nhờ luật đầu tư mới và các hiệp định thương mại tự do giúp thúc đẩy đầu tư.
Trả lời tờ Khmer Times, ông Anthony Galliano - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham) - nói Campuchia xứng đáng được công nhận là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới nhờ các thành tựu kinh tế trong lịch sử và là một trong những nước có triển vọng hứa hẹn nhất tại khu vực.
Vichet Lor, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Toàn cầu (GRA) tại Phnom Penh, thì cho rằng Campuchia hiện nay có nền kinh tế tự do hóa hoàn toàn, do đó có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Sự ổn định của nền kinh tế cũng được thúc đẩy khi tổng nợ quốc gia chỉ bằng khoảng 40% GDP, khiến các tổ chức tài chính như ADB, IMF và WB đánh giá Campuchia rất "an toàn về tài chính trong trung hạn".
Bên cạnh đó, lực lượng dân số trẻ, hệ thống trao đổi/chuyển tiền ngoại tệ thuận lợi, luật thuế sửa đổi mới, cùng chính sách Đặc khu kinh tế (SEZ) của Campuchia cũng đang đóng vai trò hàng đầu trong việc kích thích sản xuất và thu hút đầu tư.
Theo ông Lor, đây đều là những dấu hiệu cho thấy Campuchia rất có tiềm năng trở thành "con hổ tiếp theo của châu Á".
Nhịp sống thị trường