MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cần chi tiêu, vay mượn thận trọng hơn cho phát triển hạ tầng

Trao đổi với báo giới về báo cáo Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng châu Á, ngày 8/3, Phó Chủ tịch ADB nêu loạt kiến nghị cho Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo mới nhất về “Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng châu Á” vào tuần trước tại Hong Kong. Việt Nam được chọn là nước đầu tiên tổ chức cuộc trao đổi với báo chí về báo cáo này nhân chuyến thăm của ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch ADB chuyên trách quản lý tri thức và phát triển bền vững.

"Điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với ADB trong khu vực"-Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết.

Từ trái sang phải: Chuyên gia kinh tế AD Zhigang Li, Phó Chủ tịch ADB Bambang Susantono, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick tại cuộc trao đổi về “Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng châu Á” ngày 8/3 tại Hà Nội.

Báo cáo của ADB chủ yếu bao quát nhu cầu cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, cấp nước và vệ sinh. Đây là các lĩnh vực vốn đóng vai trò then chốt cho phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Năm 2009, ADB từng công bố báo cáo “Cơ sở hạ tầng cho một châu Á kết nối”, trong đó ước tính các nước đang phát triển trong khu vực cần tới 8.000 tỷ USD để phát triển hạ tầng từ 2010 đến 2020.

Đến nay, qua nửa chặng đường này, trong bối cảnh châu Á tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đứng trước nguy cơ rất lớn từ biến đổi khí hậu, ADB nhận định rằng khu vực sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung cho cơ sở hạ tầng.

Theo Báo cáo mới của ADB, trong giai đoạn 2016 – 2030, châu Á đang phát triển cần tới 26.000 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vốn đầu tư này giữa các nước là khác nhau.

ADB xếp Việt Nam đứng thứ 3 về đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương, với vốn đầu tư trong giai đoạn 2010-2014 chiếm 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Phó Chủ tịch ADB Susantono cho rằng, để bù lấp thiếu hụt đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong tương lai, Việt Nam cần gia tăng mức đầu tư của tư nhân vào cơ sở hạ tầng lên gấp 4 lần hiện nay.

Theo ông Susantono, sẽ không thể thực hiện được bước đi này nếu nhà nước không có chính sách mang tính quyết định trong một số lĩnh vực như xây dựng môi trường điều tiết hấp dẫn đối với đầu tư tư nhân, gồm cả thông qua hợp tác công - tư, tăng cường các thị trường vốn, xây dựng năng lực thể chế và kỹ thuật nhằm lập kế hoạch và thực thi dự án hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Susantono, yếu tố quan trọng nhất trong chính sách để lấp khoảng thiếu hụt đầu tư cơ sở hạ tầng là cải cách tài khóa, bao gồm cải cách thuế theo hướng tận thu; tái định hướng chi tiêu công theo hướng thận trọng hơn; vay mượn cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn trong bối cảnh nợ công đã gần chạm tới trần; và cần tăng cường các khoản thu ngoài thuế.

Phó chủ tịch ADB đã nêu ra hàng loạt những sáng kiến mới như trái phiếu xanh, trái phiếu chống biến đổi khí hậu (đang được cho là ưu tiên của ADB trong tương lai) hay việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất để phát triển cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch ADB kêu gọi Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư, bao gồm việc tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, tận dụng nhiều hơn phương thức hợp tác công-tư, làm sâu sắc các thị trường vốn. Đặc biệt, ông Susantono cho rằng chính phủ Việt Nam cần lập kế hoạch, thiết kế và thực thi tốt hơn chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

“Chính phủ Việt Nam cần lên danh mục những ưu tiên chi tiêu hạ tầng và sắp xếp thứ tự đầu tư cho cơ sở hạ tầng – ông Susantono nêu rõ.

Phó Chủ tịch ADB cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng này không chỉ đơn thuần là một đơn vị tài trợ cho các dự án phát triển mà chính là một kho tri thức cung cấp các sản phẩm mang tính hệ thống, thực tiễn, kịp thời nhằm định hướng cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cũng khẳng định rằng khuyến nghị chính sách chung mà báo cáo của ADB đưa ra hoàn toàn phù hợp với Việt Nam.

Với việc trở thành nước có thu nhập trung bình, trong vòng 1 năm tới, Việt Nam sẽ không còn được vay từ ADB với giá rẻ nữa. Tuy nhiên, ông Eric cho biết ADB có thể đồng tài trợ với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trong một số dự án. Chính phủ Việt Nam sẽ là bên đưa ra quyết định chọn ADB hay AIIB để vay vốn, thậm chí là cả 2 bên dưới hình thức đồng tài trợ.

Ông Eric cũng lưu ý rằng tỷ lệ đầu tư dù rất quan trọng nhưng chất lượng đầu tư còn quan trọng hơn rất nhiều và đây là yếu tố mà chính phủ Việt Nam cần phải suy tính rất kỹ./.

Theo Diệu Hương

VOV

Trở lên trên