MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cần ra mắt nhiều hơn các sản phẩm "made by Vietnam" chứ không chỉ là "made in Vietnam"

Ngày 4/9 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã diễn ra toạ đàm "Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá". Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong những tháng gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, bù lại giai đoạn "đìu hiu" trước đó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, tương đương 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng mừng là sau giai đoạn bị chững lại trong những tháng đầu năm 2020, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh ở những tháng gần đây.

Tại toạ đàm, các chuyên gia cho biết sự gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh vốn có.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đi vào thực thi là những "điểm cộng" giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư ngoại.

Theo đó, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ để dòng vốn đầu tư các nước đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có sự cải cách mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư.

Các doanh nghiệp nhỏ cần có cơ hội để được "lớn" dần

Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới dòng vốn đầu tư trên thế giới, dẫn đến dự báo dòng vốn đầu tư toàn cầu năm 2020 có thể suy giảm 40%. Đối với Việt Nam, vốn đăng ký mới tăng thêm khoảng 20 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, số dự án đăng ký mới tăng 6%, dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm 5-6%.

Điều này cho thấy doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị tác động nhưng không đáng kể, xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên tần suất quan tâm của các nhà đầu tư đến Việt Nam đều đang tăng. Đây là cơ hội cho Việt Nam kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đón được các làn sóng đầu tư này, theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, điều quan trọng là sự vào cuộc của Nhà nước. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi, từ đó, doanh nghiệp sẽ "lớn" dần, tự làm chủ công nghệ cũng như ra mắt các mặt hàng "made by Vietnam" (sản phẩm do Việt Nam sản xuất) chứ không đơn thuần chỉ là "made in Vietnam" (sản xuất ở Việt Nam) nữa.

Liên quan đến vấn đề tận dụng các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước.

Ông Toàn nói: "Chúng ta hiện đã có những con chim đầu đàn, tuy nhiên tính liên kết vẫn chưa cao. Vì vậy, trước mắt cần phải đẩy mạnh tính liên kết này. Doanh nghiệp có mạnh thì mới phát triển và hội nhập được. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phải xây dựng được nguồn nhân lực cốt lõi, như vậy mới có cơ hội phát triển".

Thu hút FDI phải đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi

Bàn về vấn đề thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung khẳng định chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế khi hiện nay, phần lớn FDI vào Việt Nam đều từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...) mà rất ít các nhà đầu tư từ Mỹ và EU.

TS Nguyễn Đình Cung lý giải rằng các chi phí không chính thức chính là rào cản, "nút thắt" cản trở rất nhiều dòng vốn đầu tư, không riêng của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Ông nhấn mạnh, điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Chỉ khi đó, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng, đón các nhà đầu tư nước ngoại đến hợp tác, đầu tư, biến tiềm năng trở thành sức mạnh cho nền kinh tế, cũng như tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý rằng không phải tất cả tỉnh, thành của Việt Nam đều có năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, đầu tư công nghệ mới hiện đại. "Đừng thấy địa phương khác làm gì rồi làm theo, mà phải nhìn vào thực tiễn điều kiện, khả năng của địa phương mình để đầu tư trúng và hiệu quả", ông nói thêm.

Cuối cùng, ông Cung kết luận: "Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư. Đây là cuộc chơi mà cả nhà đầu tư và địa phương được đầu tư phải đảm bảo quy tắc 'win-win'. Điều Việt Nam cần làm là hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư".

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên