MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh

26-11-2024 - 08:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại Việt Nam ước tính chỉ có 4 -5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh, trong đó hơn 80% tài chính xanh tập trung vào các lĩnh vực như điện, tiện ích, nông nghiệp và các tòa nhà xanh.

Hiện trạng phát triển tài chính xanh ở Việt Nam

Việt Nam là một trong 5 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước tới 3,5% vào năm 2050. Do đó, Việt Nam đã cam kết Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trước 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26). Để thực hiện mục tiêu Net Zero, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh, trong đó có tài chính xanh.

Trao đổi với PV Tiền Phong nhân buổi chia sẻ “Tài chính xanh trong phát triển bền vững tại Hà Nội”, do C asean Vietnam tổ chức mới đây, ông Mohammad Mudasser - Giám đốc Quản lý Vốn Lưu động của PwC Vietnam - cho biết tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Vì thế, tài chính xanh là cấu phần quan trọng để thu hút đầu tư, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Việt Nam chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh- Ảnh 1.

Ông Mohammad Mudasser - Giám đốc Quản lý Vốn Lưu động của PwC Vietnam.

Ông Mohammad Mudasser nhận định, tại Việt Nam ước tính chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh, trong đó, hơn 80% tài chính xanh tập trung vào các lĩnh vực như điện, tiện ích, nông nghiệp và các tòa nhà xanh. Nguyên nhân là do những thách thức từ sự thiếu rõ ràng trong việc xác định danh mục và tiêu chí của kinh tế xanh, cũng như khó khăn trong việc chứng nhận nguồn năng lượng hoàn toàn xanh.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia PwC Vietnam vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển của nền tài chính xanh Việt Nam và dự báo rằng tỷ lệ tài chính xanh nước ta có thể tăng từ 5% lên 10-15% vào năm 2030, nhờ sự xuất hiện của các ngành mới như ô tô và cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như sự hỗ trợ tốt hơn từ các quy định pháp lý .

Ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy

Giới chuyên gia tài chính đưa ra quan điểm rằng xu hướng về phát triển xanh đã mạnh mẽ ở Việt Nam trong khoảng 5-7 năm trở lại đây. Có hai cơ chế có thể áp dụng để tăng cường nguồn vốn cho đầu tư xanh là tín dụng và thị trường vốn.

Đối với lĩnh vực tín dụng, việc ban hành danh mục lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng xanh là bước đầu để định hướng hoạt động cho các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường. Riêng với thị trường vốn, chính sách cần hướng đến việc tăng cường công bố thông tin về thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp, qua đó, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra, với danh mục phân loại xanh , Việt nam có thể nghiên cứu áp dụng theo một số chuẩn quốc tế phổ biến như ICMA, ASEAN+3.

Bàn về giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - nhấn mạnh rằng, các ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính mà còn phải xem xét tác động môi trường.

Việt Nam chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB tại Việt Nam.

Theo ông Hùng, các ngân hàng cần phát triển năng lực tư vấn xanh, hướng dẫn doanh nghiệp lồng ghép các yếu tố môi trường vào hoạt động kinh doanh và sử dụng khung tiêu chuẩn xanh phù hợp để xác định và hỗ trợ các dự án xanh.

Vị chuyên gia kinh tế của ADB khuyến nghị , các tổ chức tín dụng có thể tham khảo các chuẩn mực ASEAN đưa ra, xây dựng hệ thống dễ thực hiện với chi phí thấp để có thể thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả hơn. Việc lượng hoá các tác động sẽ giúp việc đánh giá hiệu quả của công tác tài chính xanh tốt hơn, góp phần nâng cao khả năng đóng góp vào những nỗ lực chung về phát triển xanh, như phát thải ròng bằng không.

Theo Lộc Liên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên